Mặc dù TPHCM có nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm có dây chuyền hiện đại, đảm bảo vệ sinh, được quản lý, kiểm soát khá tốt, hoạt động giết mổ trái phép không nhiều như các tỉnh, thành khác, nhưng đây lại là địa bàn thường xuyên được các đối tượng nhắm đến để tuồn gia súc, gia cầm "bẩn" về tiêu thụ.
Hoang mang vì thịt heo tiêm thuốc an thần
Chết ngất với hàng thịt bán 'tay chân người'
“Hiệp sĩ” phá đường dây cấp thịt rừng cho quán nhậu
Chết ngất với hàng thịt bán 'tay chân người'
“Hiệp sĩ” phá đường dây cấp thịt rừng cho quán nhậu
Tại TPHCM, người tiêu dùng khi có nhu cầu mua sản phẩm gia súc, gia cầm (GSGC) đều khá quen thuộc với sản phẩm của một số thương hiệu như Vissan, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, San Hà, Phạm Tôn... tại các sạp chợ, siêu thị. Đây là các đơn vị có dây chuyền giết mổ đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh.
Chẳng hạn như về gia súc, Cty kỹ nghệ súc sản Vissan có hẳn một khu tồn trữ với sức chứa 10.000 con heo và 4.000 con bò, 3 dây chuyền giết mổ heo với công suất 2.400 con/ca (6 giờ) và 2 dây chuyền giết mổ bò với công suất 300 con/ca (6 giờ), đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, cung cấp thịt tươi sống cho nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, với hơn 10 triệu dân đang sinh sống và làm việc tại TPHCM, thị trường này trở thành vùng trũng để các sản phẩm GSGC chưa qua kiểm dịch, giết mổ lậu tuồn về tiêu thụ.
Trên thực tế, các vụ việc được lực lượng kiểm tra từ các tổ liên ngành, trạm kiểm dịch động vật ở các cửa ngõ thành phố phát hiện vẫn chưa thể hiện đầy đủ thực trạng GSGC lậu trên thị trường TPHCM. Từ đầu năm đến nay có hàng loạt vụ việc bị phát hiện liên tục đã cho thấy một lượng lớn GSGC "bẩn", giết mổ lậu lăm le đổ bộ vào thị trường TPHCM hằng ngày.
Tất cả các trường hợp thịt heo, bò, gà vi phạm đều vận chuyển không giấy chứng nhận kiểm dịch hướng từ Đồng Nai về TPHCM. Đáng nói là số GSGC vi phạm này được vận chuyển dưới nhiều dạng khác nhau, từ chứa trong khoang hành lý xe khách, vận chuyển từ Quảng Ngãi tới bến xe miền Đông (TPHCM), đến trường hợp vận chuyển gần nửa tấn mỡ heo bằng xe tải từ Bình Dương vào thành phố. Không những vậy, còn có trường hợp xe máy vận chuyển gần 100kg thịt gà, heo không nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch từ Đồng Nai về TPHCM tiêu thụ.
Trong khi đó, tại địa bàn huyện Bình Chánh, Đội thú y huyện Bình Chánh thường xuyên phải đối phó với tình trạng tiểu thương kinh doanh, giết mổ gia cầm. Điều đáng nói là mỗi khi đoàn kiểm tra ra quân thì tiểu thương nhanh chóng dọn sạch, nhưng khi đoàn kiểm tra đi khỏi, vắng bóng thì việc kinh doanh, giết mổ gia cầm tại khu vực này lại tái diễn, nhất là tại các xã Tân Kiên, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B.
Việc GSGC giết mổ trái phép, nhập lậu, chưa qua kiểm dịch, khi bị các đoàn kiểm tra phát hiện, tùy từng trường hợp, sẽ xử lý đưa đi kiểm dịch lại hoặc tiến hành tiêu hủy. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là các đoàn kiểm tra vẫn phát hiện được không ít trường hợp GSGC không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, thậm chí đã bốc mùi, nhưng vẫn được đưa về TPHCM.
Một trong những vụ lớn nhất là vụ xe tải vận chuyển hơn 13 tấn thịt GSGC đông lạnh bị Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông Rạch Chiếc kiểm tra phát hiện trên quốc lộ 1A. Tang vật lên đến hơn 13 tấn, gồm vú heo, chân gà, không xuất trình được giấy kiểm dịch, cũng không chứng minh được nguồn gốc lô hàng. Theo tường trình, tài xế chỉ nhận vận chuyển thuê lô hàng từ Hà Nội vào Bến xe An Sương (TPHCM).
Phần lớn các loại GSGC giết mổ lậu này khi tuồn về TPHCM thường được đưa đi tiêu thụ tại các chợ tự phát, chợ dọc lề đường, chợ chiều. Với sản phẩm GSGC được bày bán tại các chợ tự phát này, người tiêu dùng khó có thể biết được nguồn gốc cũng như mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là khi sản phẩm đã được "sơ chế".
Ngày 2.10, UBND TPHCM đã ban hành văn bản 4991/UBND-CNN về triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND TPHCM yêu cầu UBND các quận, huyện; thủ trưởng các sở, ngành liên quan khẩn trương thực hiện một số biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn TPHCM; kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng kinh doanh, giết mổ gia cầm sống trái phép; khuyến cáo người tiêu dùng chỉ sử dụng sản phẩm gia cầm có nguồn gốc, bao bì có dán nhãn của cơ sở sản xuất, đã qua kiểm dịch; triển khai thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn từ 1.10 - 30.10.
(Theo LĐ)