Những đồn thổi về các loại thuốc trị ho có khả năng gây ra ảo giác, tăng hưng phấn đã khiến không ít học sinh tìm dùng. 20 học sinh phải nhập viện do ngộ độc các thuốc này gây ra mới đây thực sự gióng lên hồi chuông cảnh báo về lạm dụng “thần dược” gây phê.


Phê rồi nghiện và... tử vong

Khi chúng tôi ghé vào nhà thuốc M.T ở đường Trần Não, quận 2 (TPHCM) hỏi mua 5 vỉ thuốc Recotus trị ho, nhân viên nhà thuốc bán mà không hề hỏi chúng tôi có toa của bác sĩ chỉ định mua thuốc này hay không.

Tại nhà thuốc T.T trên đường Lương Định Của, quận 2, loại thuốc phải có chỉ định của bác sĩ là Recotus vẫn được mua bán dễ dàng.

“Mua bao nhiêu cũng có”- người bán thuốc nói. “Thuốc này có tác dụng phụ gây ảo giác phải không”- tôi thắc mắc thì được nhân viên bán thuốc khẳng định “không hề gì”. Nhân viên nhà thuốc H.M trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 cho biết: “Thuốc này đang bán rất chạy, đối tượng mua thường là học sinh và thanh niên”.

Ghé vào nhà thuốc L.C trên đường Hai Bà Trưng, quận 1 hỏi mua thuốc Pharcoter, một loại thuốc dùng để trị ho, viêm phế quản nhưng có tác dụng gây ảo giác.

Nhân viên nhà thuốc này cho biết, mỗi lọ thuốc Pharcoter gồm 400 viên nén, giá 700 đồng/viên.

“Đang bị ho mà uống khoảng 2- 3 viên là có thể giảm ho ngay”- người bán quả quyết, đồng thời khuyến cáo uống nhiều thuốc sẽ gây nghiện!.
Hàng loạt học sinh trường THCS Bình An, TPHCM đã phải nhập viện do lạm dụng “thần dược” gây phê.

Sau khi tỉnh dậy từ Bệnh viện quận 2, TPHCM do ngộ độc thuốc Recotus, em Nguyễn Đức T. học sinh lớp 8/2 Trường THCS Bình An kể lại: “Khi bạn Minh Th. lấy Recotus uống 1 viên và thấy khỏe, hết ho nên mấy bạn trong lớp cũng xin uống. Có bạn uống 2-4 viên. Em cũng uống 3 viên một lúc nên sau đó thấy buồn ngủ”.

“Uống xong em cảm thấy trong người sảng khoái, lâng lâng mặc dù hơi đau đầu và buồn nôn” - T. nhớ lại.

Còn Nguyễn Hà Minh Th., lớp 8/4, người đã mua thuốc Recotus trị ho tại hiệu thuốc M.T, cho biết: “Em chỉ mua thuốc để trị ho chứ không nghĩ thuốc gây ảo giác, lơ mơ để phòng y tế nhà trường tưởng em bị bệnh, cho nghỉ học”.

Trái lại với Th., Nguyễn Hữu L. học sinh lớp 8/4 ở Trường THCS Bình An thú thực: “Nhiều bạn nói uống thuốc này vào hay lắm, thông minh và gây cảm giác phê nên tới tiết học thầy cô nào khó tính cũng không làm gì được”.

Khi được hỏi có biết thuốc Recotus hay không, nhiều học sinh ở trường THCS Cửu Long ở quận Bình Thạnh mô tả khá rõ về loại thuốc này. “Thuốc có hình viên nén màu xanh, vỉ 10 viên với giá chưa tới 10.000 đồng/vỉ”- một học sinh cho biết.

Lý giải về sự rành thuốc Recotus, một học sinh khác cho biết “tụi em vẫn hay mua ở các nhà thuốc dễ dàng để uống vì thấy mình sáng suốt, thông minh hơn”.

Một học sinh ở trường cấp 2 tại quận 4, cho biết một số bạn ngoài mua thuốc Recotus dùng, còn mua thêm loại thuốc trị cảm là Pharcoter để tìm cảm giác hưng phấn.

Phê rồi nghiện và… chết!

Dược sĩ Nguyễn Đức Dũng - nghiên cứu viên ở một công ty dược tại Việt Nam, cho biết, Pharcoter đang được bán rộng rãi trên thị trường này có tác dụng khá mạnh đối với người sử dụng quá liều.

“Trong thuốc này có hoạt chất và đặc biệt là chất codein base có khả năng gây nghiện. Vì vậy dùng nhiều sẽ rất nguy hiểm” - dược sĩ Dũng khuyến cáo.

Loại thuốc được cho là gây nghiện.

Bác sĩ Lê Đức Thọ - Phó Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ TPHCM, cho biết trong thuốc Recotus có hai hoạt chất chính: Dextromethorphan HBr được xếp vào nhóm giảm đau, chống ho bằng cách ức chế hô hấp…“Chất này ít gây nghiện hơn heroin, morphin, ma túy tổng hợp nhưng nếu lạm dụng có thể gây hậu quả lâu dài dẫn đến lệ thuộc vào thuốc”- bác sĩ Thọ cảnh báo.

Trong khi đó, thành phần Diprophyllin HCl là dẫn xuất của theophyllin, có tác dụng làm giãn phế quản, kích thích thần kinh trung ương gây hưng phấn.

Nhưng theophyllin lại có tác dụng trực tiếp lên tim, huyết áp nên dùng quá liều sẽ gây loạn nhịp tim, tăng huyết áp thậm chí tử vong.

PGS-TS Trương Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện TPHCM, cũng cho rằng, thuốc nào nếu dùng quá liều đều rất nguy hiểm.

Do học sinh chưa có kiến thức về thuốc này nên cần quản lý chặt chẽ nguyên liệu sản xuất, quy chế kê đơn cũng như quy chế kinh doanh dược phẩm.

“Trong khi chưa quản lý được học sinh và thanh niên có thể dùng thuốc ngoài nhà trường thì trước mắt, ngành giáo dục và y tế cần phối hợp tuyên truyền sâu rộng trong nhà trường về mức độ nguy hại khi lạm dụng Recotus và các thuốc tương tự”- TS Trương Văn Tuấn đề nghị.

Bác sĩ Trần Duy Tâm - BV Tâm thần TPHCM cho biết mặc dù các thành phần trong thuốc Recotus không gây ra tình trạng nghiện vật vã như ma túy nhưng chúng lại khiến người uống bị lệ thuộc, tinh thần lơ mơ, giảm ý thức.

“Nếu dùng lâu dài sẽ gây nghiện và khi ngưng thuốc thì có cảm giác thèm được phê thuốc”- bác sĩ Tâm nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Duy Tài - Phó Giám đốc Bệnh viện quận 2, 20 học sinh ở quận này ngộ độc thuốc Recotus có một phần do quản lý các hiệu thuốc bán lẻ không nghiêm ngặt.

“Ai cũng có thể mua được thuốc trong khi nhà thuốc chẳng cần phải hỏi đơn hoặc chỉ định của bác sĩ dù thuốc này bắt buộc bán theo toa”- bác sĩ Tài nói.

Người này cảnh báo nếu dùng Recotus quá liều có thể bị ngộ độc với các triệu chứng buồn nôn, ngủ gật, rung giật nhãn cầu và giảm thị lực, lơ mơ, ảo giác, có thể dẫn đến suy hô hấp, co giật và thậm chí tử vong.

Trước đó tại Bình Thuận, một kẻ cuồng sát đã chém 1 người chết và làm 19 người bị thương. Theo cơ quan công an, trước khi vụ việc xảy ra kẻ này đã uống một lúc 14 viên Recotus.

Một chuyên gia về pháp y tâm thần ở TPHCM cho biết, đã từng gặp một số trường hợp, chủ yếu là thanh thiếu niên, học sinh sử dụng Recotus để hỗ trợ cho thuốc lắc.

Thuốc chứa Calcitonin chữa loãng xương có thể tăng nguy cơ ung thư

Hôm qua, Cục Quản lý dược cho biết, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng thuốc, Hội đồng xét duyệt thuốc (Bộ Y tế) quyết định tạm ngừng cấp số đăng ký lần đầu và đăng ký lại đối với thuốc chứa Calcitonin dạng xịt mũi để điều trị loãng xương.

Trước đó, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) đã đưa ra khuyến cáo liên quan giới hạn việc sử dụng dài ngày của các loại thuốc chứa Calcitonin và thu hồi thuốc chứa Calcitonin dạng xịt mũi dùng để điều trị loãng xương..., do việc sử dụng dài ngày các loại thuốc chứa Calcitonin có thể tăng nguy cơ gây ung thư.

Cục Quản lý dược yêu cầu các công ty có thuốc chứa Calcitonin đang lưu hành báo cáo các vấn đề liên quan độ an toàn và hiệu quả của thuốc trong quá trình lưu hành...

(Theo Tiền phong)