Việt Nam đang đứng trước thử thách khó khăn nhằm tái cơ cấu hoạt động của ngành ngân hàng. Trong điều kiện hình ảnh, uy tín của ngân hàng trong cộng đồng doanh nghiệp và công chúng ở mức thấp như hiện nay, những hoạt động cải cách và tái cơ cấu ngành ngân hàng cần rất thận trọng để tránh những đổ vỡ mang tính dây chuyền.

Ngày 13/10/2012, Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (VietNam Report) công bố báo cáo nghiên cứu thường kỳ Policy Debate số 03 và báo cáo ngành ngân hàng năm 2012, với chủ đề "Ngành ngân hàng Việt Nam: uy tín giảm sút trên truyền thông và những cải cách khó khăn". Nghiên cứu được tiến hành trong khuôn khổ các hoạt động nghiên cứu chuẩn bị cho việc công bố Top 1000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam (V1000) diễn ra tới đây.

Nghiên cứu được tiến hành dựa trên khảo sát của VietNam Report về nhận định của cộng đồng các doanh nghiệp lớn nhất và hoạt động kinh doanh tốt nhất Việt Nam, bao gồm Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500), Top 1000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam (V1000) và Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500) đối với thực trạng hoạt động của ngành ngân hàng và những khó khăn trong cải cách ngành ngân hàng. Nhóm nghiên cứu nhận được trên 300 phiếu trả lời từ cộng đồng doanh nghiệp.

Đồng thời, nghiên cứu cũng áp dụng việc phân tích lượng hóa nội dung truyền thông (Media Analysis) nhằm đánh giá hình ảnh, uy tín của ngành ngân hàng nói chung, cũng như từng ngân hàng nói riêng. Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá hình ảnh, uy tín của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp và ngân hàng dựa trên học thuyết "Agender Setting" về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội  được 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968 và được Tập đoàn Media Tenor International (Thụy Sỹ) hiện thực hóa và áp dụng.

Dựa trên phương pháp phân tích nội dung truyền thông này, VietNam Report đã tiến hành mã hóa (coding) và phân tích các bài báo viết về ngành ngân hàng được đăng tải trên 5 tờ báo Thời báo kinh tế Việt Nam, Báo Đầu tư, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, báo Vietnamnews và Báo Vnexpress trong thời gian từ tháng 01 đến tháng 8 năm 2012. Tổng số có 4381 bản ghi (tương ứng 4381 coding units) được đánh giá theo luật 5 dòng (5 line rules) về các khía cạnh hoạt động của các ngân hàng từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường ... tới các hoạt động, hình ảnh và uy tín lãnh đạo của các ngân hàng.

Các kết quả chính thu được từ nghiên cứu này bao gồm:

1. Năm 2012 là một năm kinh doanh khó khăn đối của ngành ngân hàng

Cho tới hết quý II, nhiều ngân hàng chỉ đạt được chưa đầy 20-30% chỉ tiêu lợi nhuận cho cả năm. Các ngân hàng khác dù đã đạt được 50% chỉ tiêu cũng xem xét điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận cả năm trong tháng 7 do đánh giá tình hình kinh tế biến động không thuận lợi và không nhiều khả năng tăng tín dụng cho tới hết năm. Rất nhiều ngân hàng lợi nhuận trong nửa năm 2012 thấp hơn cùng kỳ năm trước đó.

2. Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp lớn sụt giảm

Theo khảo sát của Vietnam Report, 44% các DN lớn đã khẳng định họ không tiếp cận được dòng vốn như trong năm 2011. Trong khi đó, vẫn có 39% số DN vay được nhiều vốn hơn trước.

Hình 1: Biến động vốn vay của DN trong tổng vốn kinh doanh (đơn vị:%)

Nguồn: Kết quả khảo sát doanh nghiệp, Vietnam Report thực hiện.

3. Vẫn có sự nhìn nhận doanh nghiệp nhà nước vẫn được ưu đãi trong tiếp cận tín dụng

DN Nhà nước được đa số DN nhận định là nhận được ưu đãi tín dụng lớn nhất từ ngân hàng. Theo sau là các DN có tốc độ tăng trưởng cao và các DN có doanh thu lớn nhất. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng đây chỉ là quan điểm của các doanh nghiệp được khảo sát.

Hình 2: Loại hình DN đang được ngân hàng ưu đãi tín dụng (đơn vị: % trên tổng số các ý kiến thu thập)

Nguồn: Kết quả khảo sát doanh nghiệp, Vietnam Report thực hiện.

4. Hình ảnh của ngành NH Việt Nam trên truyền thông đang giảm sút trong năm 2012

Tỷ trọng các bài viết tiêu cực tăng lên trong 8 tháng 2012 trong khi các bài viết tích cực giảm mạnh (hình 3). Cùng với việc phát hiện ra những khoản nợ xấu cao, nhiều ngân hàng còn gặp những vấn đề về pháp luật được thể hiện trên các phương tiện truyền thông, do vậy gây ảnh hưởng xấu tới uy tín của ngành ngân hàng trên truyền thông.

Hình 3: Biên độ xuất hiện thông tin (Tiêu cực v.s Tích cực) của ngành NH trong 8 tháng đầu năm 2012 (đơn vị: % trên tổng số coding units)

Nguồn: Kết quả phân tích 4.381 coding units từ 5 đầu báo, Vietnam Report

5. Doanh nghiệp và dư luận lo lắng về lãi suất của khoản cho vay

Một số bài báo nhắc tới việc tăng trưởng tín dụng quá mức, lãi suất tăng cao đã dẫn đến hàng loạt những tác dụng phụ, làm mất an toàn hệ thống tài chính, và gia tăng lạm phát. Tất nhiên tất cả những hậu quả này không hẳn hoàn toàn là do lỗi của các ngân hàng, nhưng chỉ cần báo chí "nghi ngờ" như vậy, rõ ràng các bài viết sẽ tạo ra một góc nhìn tiêu cực hơn rất nhiều cho các ngân hàng. Đặc biệt trong năm vừa qua, những bài báo tiêu cực về ngân hàng xuất hiện với mật độ dày hơn trên truyền thông trong nước.

Hình 4: TOP 5 chủ đề hình ảnh về NHTM Việt Nam xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông trong 8 tháng 2012 (đơn vị: coding units)

Nguồn: Kết quả phân tích 4.381 coding units từ 5 đầu báo, Vietnam Report

Các gói cho vay cùng với các gói dịch vụ khác là những chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông (hình 4). Cùng với đó là thông tin về các vụ sáp nhập và NH phát hành trái phiếu. Lãi suất cho vay cao trong các sản phẩm tín dụng, kết quả kinh doanh không khả quan và đánh giá tín nhiệm thấp trên thị trường trái phiếu quốc tế là những chủ đề tiêu cực về các ngân hàng

6. Quan hệ khách hàng và ngân hàng đang tiếp tục căng thẳng

Sau khi các NH công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012, báo chí đưa nhiều tin bài về các NH không đạt được chỉ tiêu nửa năm. Vấn đề lãi suất cao đã được cải thiện kể từ tháng 5. Tuy nhiên, quan hệ khách hàng căng thẳng hơn trong Quý 3 khi dòng vốn tín dụng vẫn đóng băng.

Hình 5: Biến động lượng tin tiêu cực về Sản phẩm/ Kết quả KD/ Quan hệ khách hàng của NHTM Việt Nam trong 8 tháng năm 2012 (đơn vị: coding units)

Nguồn: Kết quả phân tích 4.381 coding units từ 5 đầu báo, Vietnam Report

Tóm lại, Việt Nam đang đứng trước thử thách khó khăn nhằm tái cơ cấu hoạt động của ngành ngân hàng. Trong điều kiện hình ảnh, uy tín của ngân hàng trong cộng đồng doanh nghiệp và công chúng ở mức thấp như hiện nay, những hoạt động cải cách và tái cơ cấu ngành ngân hàng cần rất thận trọng để tránh những đổ vỡ mang tính dây chuyền. Cần có những giải pháp căn cơ để duy trì và cải thiện lòng tin của công chúng và doanh nghiệp đối với hệ thống ngân hàng.

Một số giải pháp có thể tham khảo bao gồm:

  • Kiểm soát tốt các vấn đề gặp phải và truyền đạt thông tin hiệu quả
  • Chấp nhận sai lầm và đề xuất những giải pháp thay đổi
  • Lãnh đạo ngân hàng tăng cường xuất hiện và phát biểu trước công chúng
  • Coi công chúng như một thị trường
  • Coi truyền thông là quan trọng

Nhìn chung, các ngân hàng Việt Nam cũng gặp phải vấn đề tương tự những ngân hàng ở nước ngoài: Minh bạch hóa hoạt động và tăng cường tiếp xúc với giới truyền thông để giúp công chúng hiểu rõ hơn những vấn đề mà họ quan tâm. Để làm được điều này, các ngân hàng không chỉ phải thực sự "trong sạch", mà còn cần phải có một hệ thống truyền thông hiệu quả để ứng phó với bất cứ sự cố nào có thể xảy ra. Đó là những bài học rất có ý nghĩa đối với hệ thống NH tại Việt Nam.

Những lưu ý khi sử dụng thông tin trong Báo cáo ngành Ngân hàng

Báo cáo ngành ngân hàng được thực hiện bởi Phòng Nghiên cứu, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (VietNam Report), dựa trên phân tích những dữ liệu mã hóa theo ngành (Branch Coding) từ các bài báo thuộc 5 tờ báo tại Việt Nam, bao gồm: TBKTVN (VnEconomy), TBKTSG, báo Đầu tư, báo Vietnam News  và Báo Vnexpress. Chúng tôi chủ yếu nghiên cứu uy tín của hơn 30 ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam thông qua các bài báo trong mục chuyên ngành như Tài chính - Ngân hàng (Vneconomy, Saigon Times, Báo Đầu tư và Vietnam News) hay Ebank (VNexpress) nhằm đưa ra cái nhìn khách quan  về hoạt động và hình ảnh của các ngân hàng trên báo chí trong khoảng thời gian từ tháng 1/2012 đến tháng 8/2012. Việc lựa chọn đầu báo để tiến hành mã hóa phân tích dựa trên việc lựa chọn ngẫu nhiên theo phân nhóm chủng loại báo chí từ tập hợp các đầu báo có chuyên ngành kinh tế - tài chính tại Việt Nam (không có hàm ý rằng những đầu báo được lựa chọn là có uy tín cao hơn các đầu báo còn lại).  Số lượng 05 đầu báo dựa trên thông lệ của tập đoàn Media Tenor về số đầu báo tiến hành coding.

Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 02 nguyên tắc cơ bản: Tên ngân hàng xuất hiện ngay trên headline của bài báo, hoặc tin tức về ngân hàng được đề cập tối thiểu chiếm 05 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức- khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các cấp bậc dùng trong đánh giá về ngân hàng bao gồm: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Trung bình; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).

Cần lưu ý rằng kinh nghiệm quốc tế cho thấy nội dung của các bài báo và phân tích truyền thông trong một thời điểm nhất định về một vấn đề kinh tế -xã hội nhất định không phải luôn luôn chuẩn xác và toàn diện so với thực tiễn vốn rất đa dạng và luôn biến đổi.  Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, cho dù có độ chuẩn xác và toàn diện tới đâu, nội dung truyền thông luôn tác động rất lớn tới công chúng. Người dân nắm bắt và đánh giá tình hình thực tiễn chủ yếu qua các nội dung truyền tải trên truyền thông. Chính vì vậy, việc nghiên cứu nội dung truyền thông và uy tín trên truyền thông là cần thiết để giúp các bên có liên quan có những điều chỉnh phù hợp.

Báo cáo này được xem như tài liệu tham khảo cho các ngân hàng, doanh nghiệp và đối tác trong quản lý hoạt động truyền thông, nhưng không có giá trị như một sản phẩm phục vụ hoạt động đầu tư và không dùng cho bất cứ chiến lược kinh doanh nào, cũng như không nên được sử dụng nhằm mục đích phân loại, đánh giá, xếp hạng các ngân hàng. Những nhận định trong báo cáo này mang tính tổng quát và không nên xem như nhận định cá nhân, vì tài liệu này được chuẩn bị không dựa vào mục đích, tình trạng tài chính hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên có liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng chúng để đưa ra quyết định đầu tư của mình, và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.

Để có cái nhìn đa chiều hơn về nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng, tại Diễn đàn V1000 năm 2012, lãnh đạo cộng đồng các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam sẽ thảo luận và đưa ra những chia sẻ từng bước tháo gỡ những khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn hậu khủng hoảng của nền kinh tế hiện nay. Diễn đàn doanh nghiệp V1000- Top 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh doanh lớn nhất Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 30/11 năm 2012 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, TP.Hà Nội.

Để biết thêm chi tiết xin vui lòng truy cập: www.v1000.vn.

Vietnam Report