Dù đã hoàn thành được 2 - 3 năm, được phân chia cho các đối tượng phải di dời chỗ ở để thực hiện các dự án nhưng nhiều tòa nhà tái định cư ở Thủ đô dân không mặn mà đến ở.
BĐS thời kiện cáo: Những chủ đầu tư 'chai mặt'
BĐS nghỉ dưỡng: Xuống biển và lên núi
Tư vấn BĐS ngoại: Hết thời buôn nước bọt
Tòa nhà tái định cư A1, A2 nằm tận cùng trong ngõ nhỏ 624 Minh Khai (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) hoàn thành từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn rất ít người đến ở. Đường vào khu nhà dành cho hàng trăm căn hộ chỉ là con ngõ đủ cho một chiếc ô tô con. Đoạn ngõ 50m dày đặc ổ gà, ổ voi, lúc nào cũng đọng nước.
Chị Bùi Ngọc Dương, đang thuê căn hộ tại đây cho hay, ban quản lý tòa nhà chỉ cho thuê hợp đồng có 3 tháng để đề phòng trường hợp có người về ở thì kịp trả nhà. Tuy nhiên, trong các căn hộ này đã có dấu hiệu xuống cấp. Mỗi lần mưa gió là bị thấm nước.
Đại diện Tổ dân phố số 101, phường Vĩnh Tuy cho biết, đây là hai tòa nhà tái định cư của dự án thuộc quận Hai Bà Trưng. Hiện tại đã được khoảng chục hộ dân đã về ở, tuy nhiên, ban quản lý tòa nhà chưa bàn giao để chính quyền quản lý.
Trong khi đó, tại khu đô thị Nam Trung Yên - khu có số lượng nhà tái định cư lớn nhất thành phố vẫn còn một số tòa nhà rất ít người ở như A6, B10, B6. Đặc biệt, tòa nhà B6C, B6D dù đã hoàn thành được 2 năm nhưng vẫn chưa căn hộ nào được sử dụng.
Khu TĐC Nam Trung Yên |
Rất nhiều tòa nhà ở đây đã dùng để tái định cư cho các dự án mở đường Núi Trúc - Sơn Tây, Liễu Giai - Núi Trúc; dự án Cầu Nhật Tân… nhưng dân không đến ở.
Không ở vẫn cố giữ
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng cho hay, hiện nay tình trạng nhà tái định cư bỏ hoang hoặc không sử dụng hết còn diễn ra khá nhiều.
Nguyên nhân do việc tách nơi ở ra khỏi vấn đề đô thị. “Có một thực tế hiện nay, chính quyền chỉ lo làm sao có nhà tái định cư, chỉ lo có nhà ở, không quan tâm tới chỗ ở. Chỗ ở đối với người nghèo, người thu nhập trung bình đó là gắn với nơi tạo ra thu nhập. Đưa họ đi đến nơi quá xa, nơi heo hút không tạo ra thu nhập, họ không đến ở là tất yếu. Chỗ ở phải gắn với các công trình dịch vụ công cộng”, ông Liêm bày tỏ.
Sống gần khu tái định cư của phường Vĩnh Tuy, bà Nguyễn Thị Duyên, tổ 98, phường Vĩnh Tuy tâm sự: Tòa nhà này hoàn thành hơn 2 năm nhưng nhìn đường sá, nhà cửa và không gian như vậy đến tôi cũng chẳng muốn về ở. Xung quanh thì cỏ, rác ngập ngụa. Nhà cửa đã xuống cấp, sơn tường đã bị bong hết. Tòa nhà này chẳng mấy chốc bị biến thành khu tập thể cũ.
Hiện nay, quỹ nhà tái định cư luôn luôn là khó khăn. Chủ trương nhà tái định cư phải đi trước một bước nhưng hiện nay thành phố vẫn chưa thực hiện được. Thành phố hiện có hàng nghìn dự án cần nhà tái định cư nhưng số lượng chỉ đáp ứng được hơn trăm dự án trọng điểm. Các dự án còn lại phải tự lo quỹ nhà tái định cư.
Vì thế mới có chuyện quỹ nhà đó đã phân cho dự án trọng điểm nào rồi thì phải giữ nhà, dù người dân chưa về ở. Cho nên mới cho chuyện có những dự án không phải trọng điểm, người dân đi nhưng không có nhà. Có những dự án trọng điểm nhưng người dân lại chưa muốn đi. Và rồi mới xảy ra việc nơi thừa nhà, nơi thiếu nhà.
Ông Liêm cho rằng: “Nhà tái định cư xây theo lối bao cấp rất nhanh hỏng, nhanh xuống cấp và khiến cho người dân không muốn ở. Nhà nước nên khuyến khích xây dựng nhà giá rẻ và đền bù tiền để người dân được tự chọn lựa ngôi nhà mình ở, để phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của họ. Nhà tái định cư hay nhà gì đi nữa thì cũng là sản phẩm hàng hóa. Sản phẩm này phải đưa ra thị trường thì mới đánh giá được hiệu quả”.
Trong khi đó, ông Bình tiết lộ, thực tế, trong quá trình giải phóng mặt bằng, thực hiện tái định cư cho dân, đã nhiều lần, Ban Giải phóng mặt bằng đề nghị thành phố xây dựng nhà tái định cư phù hợp với nhu cầu người dân. Và hiện nay, việc này đưa vào thành cơ chế để thành phố kiên quyết chỉ đạo, sẽ xây dựng nhiều loại hình nhà. Đồng thời, rà soát quỹ đất tại thôn, xã nơi thu hồi đất để giới thiệu địa điểm bố trí tái định cư theo nguyên tắc bị thu hồi đất ở xã nào thì bố trí tái định cư ngay tại xã đó.
Châu Giang