Mặc dù nằm trong kế hoạch thực hiện hàng năm, song công tác đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế năm nay được tổng cục Thuế đặt yêu cầu ráo riết, quyết liệt trong bối cảnh nguồn thu ngân sách cực kỳ khó khăn.


Từ đầu quý 4, ngành thuế đã xây dựng chương trình thành lập các đoàn công tác đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế tại các địa phương.

Kiểm soát nợ thuế khó khăn

Ông Trần Văn Phu, phó tổng cục trưởng tổng cục Thuế, cho biết: tính đến tháng 9.2012, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) là 498.490 tỉ đồng, đạt 67,3% dự toán. Kết quả này, theo ông Phu, chậm hơn so với tiến độ thực hiện một số năm gần đây. Cụ thể, so với năm 2011, luỹ kế chín tháng thu NSNN ước đạt 501.520 tỉ đồng, bằng 84,3% dự toán thì tổng thu NSNN năm nay thấp hơn cả về con số tuyệt đối lẫn tương đối.

Phó tổng cục trưởng tổng cục Thuế cũng cho biết, tỷ lệ nợ đọng thuế chín tháng qua khoảng 6,8%, cao hơn nhiều mục tiêu kiểm soát nợ đọng thuế dưới 5% đã được thứ trưởng bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn yêu cầu ngành thuế tại hội nghị chống thất thu thuế tổ chức hồi đầu năm.

Ngoài việc thực hiện nhiều ưu đãi về thuế, nguồn thu ngân sách năm nay giảm mạnh có nguyên nhân kinh tế quá khó khăn đã tác động trực tiếp đến khả năng nộp thuế của doanh nghiệp. Chẳng hạn, tại thành phố Cần Thơ, trong bảy tháng đầu năm 2012, các doanh nghiệp trên địa bàn nợ thuế 554 tỉ đồng, trong đó có những doanh nghiệp từng được xếp vào danh sách con cưng của thành phố như công ty TNHH MTV Nông súc nông sản XNK Cần Thơ với khoản nợ hơn 43 tỉ đồng, công ty sửa chữa – xây dựng công trình cơ khí giao thông 721 nợ thuế gần 30 tỉ đồng…


“Nhiệm vụ thu ngân sách ba tháng cuối năm rất khó khăn”, ông Phu nhận định. Trong khi đó, tính đến tháng 9 năm nay, chi ngân sách nhà nước đã đạt 643.210 tỉ đồng, tăng tới 14,5% so với cùng kỳ (trong khi tăng thu chỉ 1,3% so với cùng kỳ). Do vậy, theo thứ trưởng bộ Tài chính Vũ Thị Mai, bộ rất quyết liệt khi chỉ đạo tổng cục Thuế phải đảm bảo kế hoạch thu ngân sách năm nay.

Giảm chi để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp

Một vị lãnh đạo tổng cục Thuế cho biết, từ đầu quý 4, ngành thuế đã xây dựng chương trình thành lập các đoàn công tác đi đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế tại các địa phương. Các đoàn công tác làm việc với cục thuế từng địa phương, rà soát các trường hợp nợ thuế theo các dạng như nợ do được giãn, hoãn; nợ do chính sách thuế thay đổi hoặc nợ do kinh doanh gặp khó khăn; nợ có khả năng thu hồi hoặc không có khả năng thu hồi… Trên cơ sở phân loại đó, ngành sẽ có kế hoạch đôn đốc hay xử phạt, thậm chí có thể phong tỏa tài khoản tuỳ từng trường hợp cụ thể.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị rằng trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, việc xiết nợ thuế nếu được thực hiện quyết liệt có khiến doanh nghiệp càng thêm kiệt quệ, đại diện tổng cục Thuế cho biết: các hình thức xử lý với vi phạm về thuế đã được quy định trong luật Quản lý thuế. Tuy nhiên, tổng cục Thuế cũng chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, do vậy mới tiến hành rà soát cụ thể để phân loại. Trường hợp doanh nghiệp có quá trình chấp hành luật Thuế tốt nhưng nay nợ thuế do khó khăn khách quan sẽ được xem xét, tạo điều kiện để có thể duy trì hoạt động. Tổng cục chỉ xử lý quyết liệt với trường hợp cố tình dây dưa, chây ì. “Có những doanh nghiệp khó khăn thực sự nên phải nợ thuế, nhưng cũng có những doanh nghiệp lợi dụng chính sách dãn, hoãn thuế để chây ì việc nộp thuế nhằm trục lợi”, lãnh đạo tổng cục Thuế cho biết.

Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), ông Cao Sỹ Kiêm, ủng hộ các biện pháp xiết chặt kỷ cương trong thực hiện luật Quản lý thuế, nhất là trong bối cảnh nguồn thu đang giảm mạnh hiện nay. Tuy nhiên, ông Kiêm đề nghị ngành thuế nên điều tra, khảo sát rất nghiêm túc, phân tích khoa học, thống kê chính xác để xử lý hợp tình, hợp lý với từng doanh nghiệp cụ thể, nếu không, các doanh nghiệp đã khó sẽ càng khó hơn. Mặt khác, ông Kiêm cũng cho rằng, quản lý chi ngân sách cũng phải ráo riết, quyết liệt tương ứng để chống lãng phí, thất thoát.

Báo cáo của bộ Tài chính cho thấy mức tăng chi năm nay cao hơn mười lần so với tăng thu. Theo ông Kiêm, bộ Tài chính cần phân tích thấu đáo từng khoản tăng (chẳng hạn tăng do giá tăng, do lương tăng là bất khả kháng), đánh giá đúng, sai, từ đó kiểm soát chi chặt chẽ hơn. Ông Kiêm nhấn mạnh: “Chỉ như vậy chúng ta mới giảm được gánh nặng ngân sách, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp”. 

(Theo SGTT)