Nhờ tài “nổ” để khuếch trương thân thế ở Cà Mau, ông Tạ Hùng Mau (tự Hưng lùn, SN 1965, ngụ khóm 8, phường 8, TP.Cà Mau) đã lấy được lòng tin của vợ chồng ca sĩ Cẩm Vân - Khắc Triệu.
Sau ba năm góp vốn thành lập Công ty cổ phần chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Song Hưng (gọi tắt là Công ty Song Hưng, trụ sở đặt tại ấp Kinh Tắc, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn), vợ chồng người ca sĩ này phải trắng tay vì bị những cú lừa ngoạn mục.
Đại gia ảo ở Đất Mũi
Ngày 16-10-2012, vợ chồng ca sĩ Cẩm Vân đến tòa soạn đưa cho chúng tôi xấp hồ sơ, không giấu được bức xúc: “Vợ chồng tôi hết sức bất ngờ trước kiểu kinh doanh kỳ lạ của ông Tạ Hùng Mau. Khi sự việc được phát hiện thì hàng tỷ đồng đã bị chiếm đoạt. Tôi nhiều lần thúc giục ông Mau thanh toán nhưng ông ta tìm cách lánh mặt”.
Từ lâu, vợ chồng ca sĩ Cẩm Vân có mối thâm tình với anh Phan Thế Hưng (ngụ quận 6, TPHCM). Năm 2009, anh Hưng giới thiệu Tạ Hùng Mau là một đại gia thủy sản cho vợ chồng ca sĩ Cẩm Vân. Qua vài lời xã giao, Mau huyên thuyên về cơ ngơi bề thế như quán cà phê Mai Vàng nằm ở khu “đất vàng”, một căn biệt thự hoành tráng ở phường 8. Sau đó Mau thường xuyên tìm đến TPHCM tặng vợ chồng ca sĩ Cẩm Vân vài gói tôm khô gọi là quà “cây nhà lá vườn”. Chị Vân tấm tắc khen ngon, Mau chớp thời cơ: “Ở Cà Mau tôm khô là đặc sản. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất mang thương hiệu riêng không có. Tôi đang ấp ủ một nhà máy sản xuất tôm khô bề thế. Đất đai đã có, nguyên liệu thừa nhưng thị trường khó khăn. Nếu đầu ra ổn định, hốt bạc tỷ như chơi. Anh chị là người nổi tiếng, đồng ý tham gia tôi sẽ xây dựng nhà máy ngay”.
Vợ chồng ca sĩ Cẩm Vân tại toà soạn |
Dù chưa một lần kinh doanh, ca sĩ “Bài ca không bao giờ quên” thuyết phục chồng góp vốn cùng Mau tạo thương hiệu tôm khô ở Cà Mau. Mau cùng vợ là Nguyễn Thu Thúy rối rít cảm ơn và chọn tên Công ty Song Hưng. Ca sĩ Cẩm Vân nhớ lại: “Cuối năm 2009, vợ chồng tôi thường xuyên chuyển tiền cho Mau để xây dựng nhà máy. Ngoài thời gian hát, tôi tìm đến những người bạn tiếp thị tôm khô ở Cà Mau. Nhiều siêu thị đã đồng ý nhận bán sản phẩm. Những lần sang Mỹ biểu diễn, tôi cùng anh Triệu tranh thủ đến siêu thị giới thiệu con tôm khô để mở rộng thị trường. Càng quyết tâm, tôi càng sa vào bẫy của Mau”.
Toàn bộ tài sản bao năm anh Triệu, chị Vân gom góp được đều đưa vào dự án nhà máy sản xuất tôm khô tận mũi Cà Mau. Bất cứ thời gian nào Mau gọi điện cần tiền mua vật tư, thuê nhân công, chị Vân đều chuyển khoản đúng quy định; có lúc vài chục triệu đồng, khi thì hàng trăm triệu. Sốt ruột, chị Vân gọi điện dò hỏi, Mau đều trả lời: “Công trình sản xuất tôm khô theo tiêu chuẩn quốc tế phải tốn nhiều tiền. Tôi đã đầu tư nhiều. Dự án bất động sản kẹt cứng, ngân hàng đóng cửa nên gặp khó khăn. Anh chị yên tâm. Tiền tôi nhận có biên nhận. Anh chị là Chủ tịch Hội đồng quản trị thì phải có trách nhiệm”. Biết cá đã cắn câu, Mau nhiều lần than thở khó khăn về tài chính. Ca sĩ Cẩm Vân thuyết phục anh Phan Thế Hưng, vợ chồng ca sĩ Tường Vy tham gia. Tất cả họ góp vốn cho Mau với số tiền 21,4 tỷ đồng.
Giao trứng cho ác
Ngày 23-4-2009, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Cà Mau cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty cổ phần cho Công ty Song Hưng chuyên mua bán, chế biến và xuất nhập khẩu hàng thủy hải sản, hàng nông sản thực phẩm, hàng công nghệ thực phẩm với vốn điều lệ 15 tỷ đồng. Theo đó, ông Mau giữ chức Tổng giám đốc. Ông Mau, bà Nguyễn Thu Thúy, Phan Thế Hưng, anh Khắc Triệu mỗi người sở hữu 20% tỷ lệ góp vốn; ca sĩ Cẩm Vân, vợ chồng ca sĩ Tường Vy sở hữu 20% còn lại.
Theo lời chị Vân, nhà máy chế biến hoàn thành, Mau lộ rõ bản chất của kẻ làm ăn không chân chính. Quá tin tưởng Mau, các cổ đông góp vốn giao công việc kinh doanh cho vợ chồng Mau quản lý. Chị Vân chạy đôn chạy đáo ghé từng siêu thị tìm đầu ra cho con tôm khô. Anh Triệu nói: “Chúng tôi góp vốn đến hơn 21 tỷ đồng nhưng không được xem trọng. Tôi là Chủ tịch Hội đồng quản trị nhưng Mau không thực hiện đúng điều lệ của công ty”. Phát hiện những bất thường của một đại gia ảo, anh Triệu cùng những người bạn đề nghị Mau báo cáo kết quả kinh doanh cũng như thu chi trong việc xây dựng nhà máy nhưng Mau luôn tìm cách lẩn tránh.
Các thành viên sáng lập trong ngày khánh thành nhà máy |
Cuối tháng 12-2010, anh Triệu cùng các cổ đông sáng lập tìm đến huyện Năm Căn làm rõ những khuất tất tài chính của vị Tổng giám đốc. Tại buổi họp cổ đông, Mau cho biết, tính đến ngày 31-12-2010 vốn góp cổ đông 21,5 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng 12 tỷ đồng. Nhà máy hoạt động gần một năm lãi 36 triệu đồng. Các cổ đông đề nghị ông Mau phải báo cáo quá trình xây dựng nhà máy, ông Mau thú thật: “Nếu ngồi tính lại chi li phải mất nhiều thời gian. Tôi nhận thấy có sự thất thoát trong việc sử dụng vốn. Tôi xin nhận trách nhiệm cá nhân số tiền 5 tỷ đồng do không có kinh nghiệm trong quá trình xây dựng”.
Thời gian xây dựng nhà máy, ông Mau chuyển nhượng phần đất của người thân trong gia đình 6.900m2 với giá 200 triệu đồng nhưng báo cáo với cổ đông 8 tỷ đồng. Để thực hiện phi vụ chiếm đoạt tiền cổ đông và trốn thuế, Mau đã nhờ ông Trần Văn Nhường không nằm trong cổ đông sáng lập công ty, không phải là thành viên Hội đồng quản trị nhưng đại diện Công ty Song Hưng nhận chuyển nhượng đất.
Sau đó, Mau không thực hiện đúng theo quy định của nhà nước về chuyển mục đích sử dụng đất nhưng vẫn tiến hành xây dựng nhà máy để trốn thuế. Khi cổ đông chất vấn, ông Mau xin nhận hoàn toàn trách nhiệm.
Ca sĩ Cẩm Vân bức xúc: “Họp cổ đông xong, chúng tôi bỏ ra số tiền lớn nhưng chưa nhận được gì. Tập thể thống nhất chia sẻ gánh vác với ông Mau để công ty hoạt động có hiệu quả. Được đà, ông Mau bất chấp hợp tác với chúng tôi và tiếp tục thực hiện nhiều hành vi gian dối để chiếm đoạt nhà máy”. Theo hồ sơ chị Vân cung cấp, ông Mau có biểu hiện vi phạm pháp luật trong việc thực hiện hàng loạt cú lừa ngoạn mục.
(Theo CA TP.HCM)