Trong hai ngày 17 và 18.10, giá bán vàng SJC trên thị trường dao động quanh ngưỡng 47 triệu đồng/lượng, nếu so với kỷ lục 48,45 triệu đồng/lượng được thiết lập vào ngày 5.10 thì giá mỗi lượng vàng đã giảm gần 1,5 triệu đồng.


Tuy vậy, mỗi lượng vàng bán trong nước vẫn cao hơn của thế giới 3 triệu đồng.

Trong tháng 9.2012, giá vàng trong nước tăng tới 6,7%, sau khi tăng 5,7% trong tháng 8. Trung bình, trong quý 3, giá vàng đã tăng 5,4 triệu đồng/lượng, tăng 12,9% so với quý trước, trong khi lãi suất ngân hàng chỉ có 9%/năm.

Vàng đang được giá là vậy, trong bối cảnh giá căn hộ, đất nền đang giảm 20 – 50% như hiện nay, liệu người giữ vàng có nên bán vàng để mua nhà mua đất?

Có nên bán vàng?

Ông Huỳnh, nhà đầu tư ngụ tại quận 3 cho rằng: “Không nên bán vàng mua bất động sản vào lúc này, vì thị trường nhà đất mới chỉ ở giai đoạn “ngất ngư”, chờ đến sang năm vào giai đoạn “xác chết” mua sẽ rẻ hơn nữa, mà lúc đó khả năng giá vàng vẫn có thể tăng so với hiện nay”.


Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam nêu: “Giá vàng đang cao, bán vàng đi có thể không mua lại được giá cũ, vì hiện nay xu hướng thế giới vẫn đang đổ vào vàng”. Ông Khánh cũng cho biết, năm ngoái các chuyên gia trong ngành dự đoán giá vàng sẽ cán mức 1.800 USD/ounce và thực tế giá vàng đã vượt mức này; giá vàng trong năm tới sẽ tiếp tục tăng lên với mốc 2.000 USD/ounce.

TS Phạm Đỗ Chí giữ quan điểm: “Vàng vẫn ở trong khuynh hướng tăng giá lâu dài kể từ năm 2004. Giá vàng vẫn tiếp tục đột phá dưới ảnh hưởng của giá dầu, tình hình chính trị và tài chính thế giới”. Ông phân tích, với thực tế hiện nay thì giá nhà đất rẻ, giá chứng khoán cũng rẻ, tình trạng giá rẻ và thị trường đóng băng này sẽ tồn tại cho đến khi môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn.

Sáu yếu tố khiến giá vàng giảm

Báo cáo “tổng hợp tình hình tài chính, tiền tệ trong nước và thế giới chín tháng đầu năm 2012 – những tác động ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng” của bộ Công thương cho rằng thị trường vàng cuối năm sẽ khó tránh khỏi những thời điểm biến động do chịu tác động của bốn yếu tố chính: các nền kinh tế lớn liên tục bơm tiền để kích thích phục hồi và tăng trưởng kinh tế; lạm phát ba tháng cuối năm sẽ có xu hướng tăng trở lại; hệ thống ngân hàng thương mại trong ba tháng cuối năm sẽ tiếp tục đối mặt với hoạt động tái cơ cấu diễn ra mạnh mẽ và việc xử lý nợ xấu; và ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì việc quản lý chặt chẽ thị trường vàng trong đó tiếp tục hạn chế hoạt động huy động và cho vay vàng...

Theo chuyên gia kinh tế Lương Văn Tự, cạnh những dự báo giá vàng sẽ tăng trong lâu dài, vẫn có sáu yếu tố có thể kéo giá vàng giảm xuống như: (1) nguồn cung vàng trên thế giới đang tăng, (2) tình trạng vàng giả nhiều làm nhà đầu tư không an tâm giữ vàng, (3) chính phủ các nước lo chống đỡ nợ công quá lớn nên không có điều kiện tăng kho vàng dự trữ, (4) nhiều chính phủ đang đưa ra chính sách quản lý giảm tác động của vàng, (5) nợ công châu Âu đang dần được giải quyết nên khó xảy ra cuộc suy thoái kép, và (6) nhiều nhà đầu tư chỉ coi vàng là một hàng hoá trong danh mục đầu tư. Ông Tự cho rằng, từ nay đến cuối năm vàng vẫn còn biến động nhưng khó bứt phá được đỉnh cao mới.

Ông Phạm Đỗ Chí ví vàng như người phụ nữ đẹp quyến rũ, hấp dẫn, nhưng sống cả đời bên họ cũng có thể chưa hiểu hết họ, tức rất khó dự báo chính xác giá vàng sẽ như thế nào. Kinh nghiệm hơn 30 năm theo dõi nhóm hàng hoá đặc biệt này, ông Chí đưa ra ý kiến: “Vàng nên có mặt trong một danh mục đầu tư cá nhân dài hạn (10% nếu ít tin tưởng và 20% nếu tin tưởng giá trị phòng thủ của vàng), cùng với nhà đất là tài sản dài hạn. Cụ thể hơn, với một cá nhân (sau khi thoả mãn nhu cầu tiêu dùng cá nhân và gia đình), có thể chia danh mục đầu tư làm ba phần: tiền đồng trong ngân hàng ở mức lãi suất cao hiện tại, ngoại tệ khác và vàng. Mỗi 3 – 6 tháng, nhìn lại danh mục này, có thể thay đổi tỷ lệ, theo nguyên tắc căn bản của đầu tư khôn ngoan là bán bớt cái lên giá đắt và mua thêm cái xuống giá rẻ”.

(Theo SGTT)