(VEF.VN) - Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 chỉ tăng 0,85% so với tháng 9, thấp hơn dự kiến của Tổng cục Thống kê.

Điều đáng chú ý là, mặc dù CPI cả nước tăng thấp dưới 1% nhưng ghi nhận của Tổng cục Thống kê ở 3 nhóm có nhiều biến động giá nhất, CPI từng nhóm vẫn tăng rất cao.

Đứng đầu là nhóm thuốc và dịch vụ y tế vẫn tăng mạnh nhất với tốc độ tăng lên tới 5,94%, giảm 1/3 tỷ lệ tăng so với tháng 9. Trong nhóm này, dịch vụ y tế tăng đột biến tới 7,78%.

Vẫn giữ đà tăng mạnh thứ hai là nhóm giáo dục, với tốc độ tăng tới 1,88%. Cũng trong nhóm này, nhóm dịch vụ giáo dục tăng tới hơn 2,1%. Tỷ lệ tăng này cũng đã thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tới 10% của tháng 9. 

Cuối tháng 9, Thủ tướng đã có chỉ thị yêu cầu giãn thời gian tăng giá các dịch vụ y tế, giáo dục… nhưng với các mức tăng trên, kết quả cho thấy vẫn là cao trong bối cảnh hiện nay.

Tăng mạnh thứ 3 là nhóm vật liệu xây dựng, tăng 1,09%. Đóng góp cho sức tăng này có thể thấy là các đợt tăng giá gas vừa qua.

Đáng chú ý là nhờ xăng dầu được giữ giá nên nhóm giao thông chỉ tăng 0,61% trong khi tháng 9 tăng tới 3,38%.

Còn lại, hầu hết các nhóm hàng, dịch vụ còn lại đều tăng khiêm tốn, loanh quanh từ 0,2- 0,3% như văn hóa giải trí, thể thao, giày dép mũ nón, thiết bị gia đình. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống ở tháng 10 chỉ tăng có 0,29%. Các chỉ số này cho thấy, sức mua các sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh vẫn suy kiệt, người dân vẫn đang thắt chặt chi tiêu.

Tính từ đầu năm đến nay, CPI tăng 6,02%. Tính trung bình 10 tháng so với cùng kỳ năm trước, CPI chỉ tăng 9,6%. Như vậy, kết quả CPI cả năm 2012 được Chính phủ dự kiến là 8% có thể sẽ đạt được và vẫn hoàn thành mục tiêu Quốc hội yêu cầu là CPI dưới 2 con số.

So với tháng 9, chỉ số giá vàng tăng mạnh tới 4,64%. Chỉ số giá USD chỉ tăng nhẹ là 0,06%.

Nằm trong xu thế chung của cả nước, các tỉnh, thành phố lớn cũng có kết quả CPI tăng nhẹ như Hà Nội chỉ tăng 0,37%, Tp HCM tăng 0,4%...

Phạm Huyền