Thời gian vừa qua, không ít vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra, “mồi nhử” là món hời béo bở nhờ vào “chạy chọt” giao dịch cửa sau.


Trong số những người bị hại, có cả những ông chủ doanh nghiệp với nhiều năm kinh nghiệm trên thương trường.

Những ông chủ mắc bẫy

Gần đây, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà trong đó bị cáo hứa hẹn “chạy” thầu cho các chủ doanh nghiệp tham gia vào phần san lấp mặt bằng Dự án Sân bay quốc tế Phú Quốc thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc

Đầu năm 2010, hai bị cáo Nguyễn Huy Vui, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Quang Tấn và Nguyễn Việt Hà, Trưởng văn phòng luật sư Việt Mỹ, không có tư cách, vai trò, vị trí trong đơn vị chủ đầu tư cũng như đơn vị thầu dự án, không có thư mời thầu, không có hồ sơ mời thầu, nhưng đã lừa được 4 doanh nhân khác đưa tiền, tổng cộng là 11,7 tỷ đồng để “chạy” thầu. Vui tự giới thiệu mình có khả năng xin thầu thi công dự án và hứa hẹn sẽ cho một số doanh nhân nhận thầu. Sau đó, Vui và Hà hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập liên doanh để “chạy” thầu. Nhưng trên thực tế, từ tháng 11/2008, Công ty TNHH MTV Xây dựng công trình hàng không đã trúng thầu gói thầu nói trên và đến đầu năm 2010 cơ bản hoàn thành gói thầu. Chờ mãi không thấy liên doanh được nhận thầu, các ông chủ doanh nghiệp bị lừa lần lượt có đơn tố cáo Vui và Hà ra cơ quan công an.

TAND TP. Hà Nội mới đưa ra xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà trong đó bị cáo hứa hẹn “chạy” thầu cho phần san lấp mặt bằng Dự án Sân bay quốc tế Phú Quốc

Trong một vụ án khác, bị cáo Nguyễn Nha Trang bị Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội truy tố vì tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, Trang đã lừa đảo 21 tỷ đồng của 8 bị hại, trong đó có ít nhất 2 chủ doanh nghiệp trao hàng tỷ đồng cho bị cáo. Bị cáo Nguyễn Nha Trang - con gái của một chủ DN tại Hà Nội, đã dùng hồ sơ giả để lừa ông Lê Văn Thung, Giám đốc Công ty Sinh Thành đưa tiền để “chạy” thầu dự án san lấp cho Dự án xây dựng khu đô thị cảng Vũng Đục (thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh). Trang làm giả thông báo của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc triển khai dự án và tự giới thiệu mình là người quản lý nguồn vốn 235 triệu Euro của dự án, đồng thời hứa hẹn giao cho ông Thung dự án san lấp trị giá 1.200 tỷ đồng. Trang yêu cầu ông Thung nộp 5 tỷ đồng và trước mắt nộp 1,5 tỷ đồng. Kỳ vọng khoản doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, ông Thung đã nộp 1,3 tỷ đồng và 10.000 USD. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy, Dự án san lấp cảng Vũng Đục là không có nguồn vốn ngoại tệ, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng không có thông báo nói trên.

Một trường hợp khác bị Trang lừa là anh Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Thịnh Cường. Anh Hùng có nhu cầu mua đất ở huyện Đông Anh (Hà Nội) để mở rộng xưởng sản xuất. Biết việc này, Trang đã quảng cáo là mình có 30.000 m2 đất, loại được Nhà nước giao 49 năm, muốn bán với giá 9,7 tỷ đồng và nhận làm thủ tục sang tên với giá 3 tỷ đồng. Anh Hùng đã đưa trước cho Trang 5,2 tỷ đồng, có biên nhận. Tuy nhiên, kết quả điều tra xác minh khu đất này là ao thả cá, xung quanh là đất vườn, giao cho người dân thuê, thời hạn 5 năm và không được chuyển đổi mục đích.

Nhận diện rủi ro

Nhìn lại các vụ việc trên có thể thấy, các ông chủ DN thường muốn đi “cửa sau”, lợi dụng mối quan hệ, “chạy chọt” để nhận được dự án béo bở. Nắm bắt tâm lý này, các đối tượng lừa đảo đã vẽ ra viễn cảnh lợi nhuận khổng lồ khi được tiếp cận dự án lớn và lừa các ông chủ vào bẫy. Theo luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn luật sư Hà Nội), hợp đồng lớn dễ dàng có được chỉ bằng ít phần trăm chi phí tạm ứng, thì rất có thể là cái thòng lọng, mà DN nếu tự nguyện chui vào có thể vừa mất tiền oan, lại vừa phạm pháp.

Theo luật sư Đức, có khá nhiều dấu hiệu nhận diện rủi ro mà giới chủ DN nên chú ý. Những hợp đồng lớn luôn kèm theo hàng tá rủi ro, hợp đồng quá đơn giản cũng dễ gặp rủi ro. Các thoả thuận dễ dãi thì chỉ dễ giao dịch, chứ không dễ kiếm tiền. Với đối tác lạ lẫm, cần cẩn thận, kẻo “gửi trứng cho ác”. Những giao dịch mà bản thân DN không rõ ngọn ngành thì dễ bị “sỏ mũi”. Những thoả thuận hấp dẫn về lợi nhuận thì dễ mất cả chì lẫn chài. Thậm chí, lợi nhuận đã nắm chắc trong tay, cũng coi chừng với kế “thả con săn sắt, bắt con cá rô”.

Do đó, mọi giao dịch đều phải dựa trên sự suy xét cẩn trọng về cơ sở pháp lý, các vấn đề chủ yếu đầy đủ, yếu tố thực tế hợp lý, không có những điểm bất thường. Hồ sơ pháp lý tối thiểu để chứng minh tính hợp pháp là yếu tố không thể bỏ qua. Chủ DN cần tìm hiểu và xem xét lai lịch, uy tín của đối tác cũng giống như chọn bạn mà chơi và lưu ý quan sát, suy xét, lật lại trước sau vấn đề.

Sở dĩ tình trạng lừa được và bị lừa nhiều như nêu trên còn do tình trạng thông tin về DN, về dự án kém minh bạch. Không ít giao dịch đạt được giá hời bằng con đường chạy chọt cửa sau, đi đêm, chia chác.

 (Theo ĐTCK)