Đúng như dự đoán, NHNN đã cho phép các TCTD được gia hạn tất toán vàng đến 30/6/2013.

Đây có thể là động thái ưu ái cuối cùng đối với các ngân hàng trước khi đóng hẳn tình trạng huy động và cho vay vàng, cắt đứt một trong những nguồn cơn quan trọng gây ra những biến động vàng trong thời gian qua. Thị trường vàng đang đi nốt những ngày biến động cuối cùng của mình.
 
Chơi thì phải chịu 

 
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) cho biết đã thua lỗ 1.251 tỷ đồng từ kinh doanh vàng trong quý 3/2012, khiến cho lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm chỉ còn 1.187 tỷ đồng. Khoản lỗ nói trên xuất phát từ việc ACB phải mua vàng trong nước để bù đắp trạng thái, mà giá vàng nội cao hơn vàng quốc tế từ 2 - 3 triệu đồng/lượng tùy thời điểm.
 
Đây là một minh chứng lý giải về cơn sốt giá vàng trong nước thời gian qua khiến giá vàng trong nước tăng cao và luôn giữ khoảng cách với thế giới từ 2 -3 triệu đồng. Theo các DN kinh doanh, các chuyên gia, cơn sốt vàng vừa qua đến từ các ngân hàng tăng mua vào để bù đắp số lượng mà họ đã chuyển đổi VND để cho vay.
 
Việc chấm dứt huy động vàng đã được đặt ra từ sớm và không dưới một lần NHNN đã nhân nhượng để tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng (NH). Tuy nhiên, với sự kiên quyết và sức ép của NHNN trong thời gian qua, các NH đã tự hiểu rằng, họ không còn con đường nào khác là phải mua vàng để bù đắp thiếu hụt trước thời điểm 25/11. Vì thế, kể cả khi giá thế giới tăng cao, giá vàng trong nước lên cơn sốt với khoảng cách với giá thế giới 2 -3 triệu đồng họ vẫn cứ phải mua.
 
Thực tế, trước sức nóng của thị  trường, đã có sức ép lớn đặt ra đối với NHNN về việc phải nhập vàng để bình ổn thị  trường. Tuy nhiên, nắm được gốc rễ của vấn  đề, NHNN đã rất “vững lái” khi kiên quyết không thể tốn ngoại tệ để nhập vàng. Đơn giản, dù có những biểu hiện của cơn sốt vàng nhưng điều này chưa đến mức phải can thiệp vì mức chênh lệch này không dẫn tới nhập lậu, không gây ảnh hưởng tới tỷ giá và cũng không tạo cơn sốt mua vàng như những năm trước, nếu có chỉ ảnh hưởng tới các ngân hàng.
 
Còn các ngân hàng từng lãi lớn vì kinh doanh vàng bất chấp rủi ro, nay nếu lỗ họ phải tự chịu. Đây là cuộc chơi mới đầy chất thị trường, các ngân hàng phải chấp nhận quy luật: lời ăn, lỗ chịu. NHNN không thể vì biến động thị trường do nhu cầu của một nhóm ngân hàng gây ra mà phải xuất tiền mua vàng bình ổn để ảnh hưởng đến dữ trữ ngoại hối và gây bất lợi cho ổn định vĩ mô.

Và những con số công bố mới đây cho thấy, trong suốt 6 tháng qua, các tổ chức tín dụng đã mua hơn 60 tấn vàng để tất toán hợp đồng, số còn thiếu hiện vào khoảng 20 tấn. Nếu với tốc độ mua vào như thời gian qua, các ngân hàng cần thêm 2 tháng để có đủ số vàng cần thiết. Đặc biệt, trong số các ngân hàng hiện có 3 ngân hàng rất khó khăn để có thể bù đắp kịp số vàng còn thiếu, dư nợ của họ chiếm khoảng 8 trong tổng số 20 tấn cả hệ thống.

Với 20 tấn vàng cần phải mua trong thời gian tới, các ngân hàng cần phải chi thêm gần 25.000 tỷ đồng. Điều này sẽ gây áp lực lên thanh khoản và tạo ra diễn biến bất lợi cho thị trường vàng. Tuy nhiên, phải lường trước được rằng những khó khăn của việc này sẽ tác động lên thanh khoản của toàn hệ thống. Vì cứ vào quý IV hằng năm, nhu cầu vốn cho nền kinh tế đều tăng cao, nếu các ngân hàng lại phải tập trung nguồn để mua vàng, sẽ đe dọa tới an toàn hệ thống. Nên Ngân hàng Nhà nước đã cho thêm thời gian để các đơn vị này thu xếp.


Đây không phải là một bước lùi nữa của quản lý mà đơn giản mà chỉ là “điều chỉnh kỹ thuật” giãn thời gian cho một cú biến động cuối cùng trên thị trường vàng để đổi lại không phải đối mặt với áp lực thanh khoản, sốt giá vàng và quan trọng nhất là chấm dứt được tình trạng huy động và cho vay vàng một cách ít phải đánh đổi.
 
Và sau thời điểm này, cùng với việc chấm dứt việc cho vay và huy động vàng của các tổ chức kinh tế, thị trường vàng sẽ chuyển hẳn sang quan hệ mua  - bán với nguyên tắc thị trường thuận mua, vừa bán; lời ăn – lỗ chịu.
 
Số phận mới của vàng
 
Tính đến thời điểm này, không đầy một tháng nữa, Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng sẽ có hiệu lực thì vàng sẽ có một số phận mới mà theo đó người nắm giữ vàng cũng buộc phải thay đổi hành vi và có những toan tính mới.
 
Một khuôn khổ pháp lý mới cho vàng đã được lập ra mà quan trọng nhất là quyền của người dân đối với tài sản vàng vẫn được đảm bảo nhưng đã chuyển đổi toàn bộ hoạt động huy động và cho vay sang quan hệ mua bán.
 
Theo đó, Nghị định 24 đã chốt toàn bộ hoạt động sản xuất vàng miếng do NHNN độc quyền. Thực tế, từ 25/5, tất cả các đơn vị được phép dập vàng miếng trước đây, kể cả SJC dừng dập, chuyển sang thực hiện chức năng kinh doanh vàng miếng và trang sức. Đi cùng với đó, NHNN đã ban hàng Nghị định 95 về xử phạt các vi phạm trên thị trường vàng và ngoại tệ với mức phạt cao và chế tài khác mạnh mẽ để quản lý
 
Với hai nốt chặn đó, hiệu quả  gần như đã đến tức thì khi việc nhập lậu vàng được chặn đứng. Vì nếu nhập lậu bị phát hiện thì phạt nặng, hơn nữa nếu lọt vào trong nước cũng không thể tiêu thụ được vì NHNN độc quyền dập vàng với thương hiệu duy nhất là SJC do NHNN quản lý.
 
Trên thực tế, do cắt đường nhập lậu vàng nên việc thu gom và chuyển lậu ngoại tệ mua vàng giảm đi khiến cho thị trường ngoại tệ “chợ đen” đã bắt đầu ngấm đòn khi trải qua gần một năm im ắng và ế ẩm, giá USD tự do ngày càng giảm và có khi thấp hơn cả tỷ giá trong ngân hàng.
 
Bên cạnh đó, có thể thấy từ tháng 10 năm ngoái đến nay, NHNN đã không nhập khẩu vàng. Cho dù đã có những thời điểm giá vàng lên cao, chênh lệch trong nước và thế giới lên cao nhưng với cơ chế mới do Nhà nước độc quyền nhập khẩu và dập vàng nên dù vàng có sốt không hề ảnh hưởng đến tỷ giá. Tỷ giá ổn định liên tục trong thời gian qua, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ để gia tăng dự trữ quốc gia.
 
Điều này cho thấy, dù mới triển khai bước đầu nhưng các bước đi mới trên thị trường vàng đã có hiệu quả. Những số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 6 tháng qua, các ngân hàng thương mại đã mua ròng khoảng 60 tấn vàng từ dân, hút được khoảng 10 tỷ USD vào hệ thống. Trong khi đó, xu hướng chuyển đổi USD sang VND đã thể hiện, nguồn chuyển đổi từ vàng cũng giải thích vì sao lượng tiền gửi của dân liên tục tăng cao, có thể nói là đột biến kể từ đầu năm đến nay, đặc biệt là bằng VND.
 
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày 19/10/2012, tăng trưởng huy động vốn của hệ  thống ngân hàng tăng tới 14,02% so với cuối năm 2011; trong đó, huy động bằng ngoại tệ giảm 1,55%, còn huy động bằng VND tăng tới 17,52%. Riêng huy động vốn của dân tăng tới 23,31%; trong đó, huy động bằng ngoại tệ giảm mạnh 5,53%, còn bằng VND tăng tới 28,76%.
 
Những dữ liệu trên cho thấy giá trị và sự hấp dẫn của VND được khẳng định. Và sự gia tăng rất mạnh của tiền gửi VND từ dân có nguồn lớn từ chuyển đổi vàng và USD. Đây chính là một nguồn lực để ổn định thanh khoản cho hệ thống ngân hàng trong giai đoạn vừa qua.
 
Trong khi đó, với quyết định rõ ràng về việc ngừng hẳn huy động vàng, người dân có vàng sẽ phải tự giữ ở nhà với yếu tố an toàn thấp, hoặc gửi ở ngân hàng những phải mất phí thay vì được chào mời và hưởng lãi suất như hiện nay. Trong khi đó, những hé lộ đầu tiên của quan chức Ngân hàng Nhà nước cho thấy, có khả năng đề xuất cơ quan có thẩm quyền hướng đánh thuế vào vàng như một loại thuế đặc biệt.
 
Với những yếu tố không có lợi trên đã khiến cho việc nắm giữ vàng ngày càng kém hấp dẫn, góp phần kích thích chuyển đổi. Và có thể, đây chính là điểm sâu xa trong tính toán của cơ quan quản lý.
 
Dù thừa nhận quyền tài sản đối với vàng của người dân nhưng các chính sách đưa ra luôn cho thấy việc không khuyến khích người dân mua và  gămgiữ, ngăn chặn việc vàng hóa trong nền kinh tế khiến cho vàng trở nên kém hấp dẫn và ít khả năng sinh lời lại có thể vấp phải những rủi ro đầu tư. 
 
Và từ đó, Ngân hàng Nhà nước đã không ít lần cho biết, sẽ quản lý thị trường vàng tốt để không ảnh hưởng đến vĩ mô nhưng sẽ không can thiệp trong việc bình ổn giá. Theo đó, với quyền tự do mua bán và nắm giữ, trên cơ sở quan hệ mua bán người dân sẽ tự chịu trách nhiệm về việc lời ăn – lỗ chịu. Vì đây là mấu chốt thể giải thích vì sao Ngân hàng Nhà nước không quyết liệt trong việc bình ổn giá, thu hẹp chênh lệch với giá thế giới hiện nay.
 
Về hướng này, một chuyên gia cho rằng, đây là một sự rõ ràng, “Nhà nước không bỏ  chi phí để bình ổn, bảo hộ cho việc không khuyến khích. Trong khi đó, nếu có vàng, người bán đang được chênh lệch giá có lợi”. 
 
Điểm lo ngại nhất là thị trường vàng biến động, gây bất ổn kinh tế vĩ mô mà cụ thể là vấn đề tỷ giá. Và Nhà nước sẽ tập trung quản lý để làm tốt điều này. Và thực tế thời gian qua cho thấy vàng vẫn có thể sốt giá nhưng không gây xáo trộn vĩ mô, hoạt động nhập lậu gần như được triệt tiêu, tỷ giá ổn định nên Ngân hàng Nhà nước tự tin để tiếp tục các bước đi của mình đối với vàng.
 
Theo đó, tiếp tục ổn định, tăng niềm tin vào VND vừa tìm cách hạn chế sự hấp dẫn của vàng. Từ đó, với những lợi ích dài hạn sẽ kích thích người dân chuyển đổi vàng sang VND, và đó là một cách để huy động sức vàng trong dân chứ khó có chuyện bỏ tiền ra mua vàng trong dân để mang về cất kho hay đi gửi nước ngoài.
 
Ngọc Sơn