- Không cần biết doanh nghiệp (DN) đang hoạt động như thế nào, chỉ cần mỗi động thái của các đại gia đang sở hữu cổ phần hoặc có liên quan tới DN đều khiến giá cổ phiếu biến động lên xuống rất mạnh. Sự ảnh hưởng đôi khi là quá lớn và ẩn chứa những trục trặc bên trong DN và tầng sâu thị trường.

Xuống lê lết, tăng dựng ngược

Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán (TTCK) tập trung chứng kiến rất nhiều làn sóng tăng giảm giá bất thường của nhiều mã cổ phiếu liên quan tới các đại gia có tiếng tăm. Đa phần các thông tin hoặc tin đồn về những nhân vật nổi tiếng là tiêu cực và nó kéo giá các cổ phiếu này xuống thê thảm. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngược lại.

Hôm 29/10 vừa qua, các nhà đầu tư chứng khoán đã thực sự hưng phấn với thông tin ông Đặng Thành Tâm bất ngờ quay về Việt Nam và tham tham gia kì họp thứ tư Quốc hội khóa XIII cho dù trước đó vị đại biểu này đã được Chủ tịch Quốc hội cho phép nghỉ cả kỳ họp đang diễn ra tại Hà Nội để chữa bệnh ở nước ngoài.

Sự hưng phấn đã kéo cả 2 cổ phiếu ITA của Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo và KBC của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (do ông Tâm làm Chủ tịch HĐQT) ngay lập tức đảo chiều từ mức giá sàn và sát sàn lúc mở cửa lên kịch trần. Mức giá cao nhất cho phép đã được duy trì tới hết phiên với dư mua rất cao.

Trước đó, cả 2 cổ phiếu KBC và ITA đều nằm trong tình trạng bị bán tháo kéo dài nhiều tháng do những tin đồn tiêu cực gắn liền với sự vắng mặt và sức khỏe của vị đại biểu, doanh nhân này. Cổ phiếu KBC đã giảm liên tục từ mức gần 12.000 đồng/cp hồi cuối tháng 7 xuống còn 5.000 đồng/cp vào ngày 4/10. Cổ phiếu ITA cũng không ngừng lao dốc từ mức 7.000 đồng/cp hồi đầu tháng 8 xuống chỉ còn 3.900 đồng/cp vào ngày 3/10.

Một trường hợp cũng khiến giá các cổ phiếu liên quan, thậm chí cả thị trường biến động mạnh là sự kiện “bầu Kiên” nổ ra ngày 21/8.

Hai cổ phiếu có liên quan tới đại gia kín tiếng nhưng đầy uy quyền này là ACB của Ngân hàng Á Châu và EIB của Ngân hàng Eximbank đã lao dốc chưa từng có trong lịch sử biến động giá của mình. Đồ thị của 2 cổ phiếu này trong 3 tuần sau đó xuống dốc như lao từ 1 vách đá xuống vực thẳm. ACB rớt từ khoảng 26.000 đồng/cp xuống dưới 16.000 đồng; trong khi EIB rớt từ gần 21.000 đồng/cp xuống sát 13.000 đồng/cp.

Hàng loạt cổ phiếu của các công ty chứng khoán, bất động sản… khác đồng loạt sụt giảm và khiến vốn hóa TTCK bốc hơi 3,85 tỷ USD chỉ trong 3 ngày (21-23/8).

Thông tin tiêu cực cũng như các tin đồn ác hiểm gần đây nhắm vào 1 số đại gia có “máu mặt” trên TTCK cũng đã khiến các cổ phiếu liên quan chao đảo như trường hợp tin đồn về MSN, hay vụ thoái vốn của chủ tịch SCR…
Trước đó nữa, trên TTCK, đã từng có không ít tin đồn khiến doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề, cổ phiếu bị giảm mạnh như trường hợp VnDirect với tin đồn thất thiệt Chủ tịch HĐQT bị bắt hồi năm 2008.

Sóng từ đâu?

Trở lại trường hợp ITA và KBC, đợt giảm giá trong hơn 2 tháng qua đã khiến các cổ phiếu này có thể nhận danh hiệu quán quân giảm giá mạnh nhất trong 1 thời gian rất ngắn.

Các cổ phiếu này giảm mạnh, với nhiều nhà đầu tư, là do những thông tin và tin đồn tiêu cực liên quan tới ông Đặng Thành Tâm - người vốn từ trước tới nay có tên tuổi gắn với 2 doanh nghiệp nói trên.

Các thông tin xấu và tốt đối các đại gia đã nhấn chìm cũng như nâng đỡ cổ phiếu tăng giảm giá trên thị trường.
Về tình hình kinh doanh của 2 doanh nghiệp này, trên thực tế, không có nhiều biến động, vẫn khó khăn như hàng vạn doanh nghiệp khác. Và chính ông Tâm, trong sự xuất hiện trở lại trên cương vị đại biểu quốc hội hôm 29/10 vừa rồi cũng cho biết, trong tình hình khó khăn chung của các doanh nghiệp thì doanh nghiệp của ông cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Cũng như trong vụ “bầu Kiên” trước đó, các cổ phiếu đã giảm giá rất mạnh kéo dài và được nhiều người giải thích là có sự thao túng, tát nước theo mưa… của một bộ phận không nhỏ các nhóm đầu tư thông qua bán khống - 1 cách thức giao dịch chưa được cho phép tại Việt Nam nhưng được cho là tồn tại phổ biến trong nhiều năm qua.

Ngay sau vụ bầu Kiên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các sở giao dịch chứng khoán, CTCK tăng cường công tác quản lý, giám sát các hoạt động giao dịch và báo cáo kịp thời về cơ quan quản lý các giao dịch bất thường, có dấu hiệu đầu cơ, thao túng thị trường để xử lý…

Trên thực tế, không thể loại trừ tác động cộng hưởng dây chuyền của hiện tượng bán khống trong các vụ giá cổ phiếu sụt giảm nói trên bởi bán khống dù chưa được chỉ mặt đặt tên nhưng đã không xa lạ với rất nhiều nhà đầu tư lâu nay và cho tận tới 11/9 CTCK đầu tiên mới bị xử lý.

Mặc dù vậy, với nhiều nhà đầu tư, cũng thật khó để có thể giải thích được tại sao sau những biến động, các cổ phiếu không lấy lại được những gì đã mất cho dù tin đồn là thất thiệt hoặc thông tin trên thực tế không ảnh hưởng trực tiếp nhiều tới doanh nghiệp.

Trong hàng chục phiên giao dịch gần đây trong tháng 10 này, giao dịch trên cả 2 sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội vẫn rất ảm đạm.

Trong phiên giao dịch 30/10, giá trị giao dịch trên sàn TP.HCM chỉ đạt vỏn vẹn 278 tỷ đồng, còn trên sàn Hà Nội cũng chỉ đạt 259 tỷ đồng. Giá của đa số các cổ phiếu vẫn ở mức dưới 10.000 đồng, rất nhiều trong số đó quay quanh ngưỡng 5.000 đồng/cp, thậm chí có mã chỉ có giá vài trăm đồng.

Vấn đề đặt ra là, tại sao các nhà đầu tư không quay trở lại TTCK, rót tiền vào các mã cổ phiếu? Các nhà đầu tư lo ngại vấn đề gì? Liệu có còn trục trặc gì mà các nhà đầu tư dần xa rời kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế này?

Theo một số nhà đầu tư, để TTCK phục hồi, thì họ phải xây dựng lại niềm tin vào thị trường nói chung, vào các doanh nghiệp và doanh nhân nói riêng. Họ cần biết thực sự doanh nghiệp đang hoạt động như thế nào, tốt hay xấu hay vừa vừa, chứ không phải những báo cáo được đưa ra đều đặn nhưng lại không phản ánh được giá trị doanh nghiệp. Tính minh bạch của các doanh nghiệp niêm yết, các thành viên thị trường... có lẽ cần được nâng lên hơn bao giờ hết.

Huấn Tú