- Sự giảm tốc của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 cho thấy lạm phát có
thể được kiềm chế ở mức 8%, như mục tiêu đề ra. Mặc dù vậy, trên thực tế, giá cả
của nhiều mặt hàng thiết yếu chưa giảm mà vẫn tiếp tục tăng, ảnh hưởng trực tiếp
tới đời sống vốn đang rất khó của đại đa số người dân.
CPI dựng đứng, tăng 2,2% so với tháng 8
Chỉ số CPI 2 thành phố lớn tăng mạnh
CPI tháng 8 quay đầu tăng mạnh
CPI chưa hết nguy cơ tăng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 chỉ còn
tăng 0,85% so với tháng 9. Con số này mặc dù vẫn tăng và kéo CPI từ đầu năm đến
nay tăng 6,02% đã làm vợi đi bao nhiêu lo lắng về nguy cơ lạm phát cao quay trở
lại như năm 2011 khi mà CPI tháng 9/2012 tăng vọt 2,2% (so với tháng liền
trước).
Sở dĩ CPI tháng 10 tăng chậm trở lại là do tác động của đợt tăng giá trong nhóm
y tế và giáo dục đã giảm bớt và hầu hết các nhóm hàng hóa dịch vụ khác đều tăng
ở mức khiêm tốn dưới chủ trương hạn chế tăng giá của Chính phủ, nhất là đối với
điện và xăng.
Điều này đã tạo cơ sở cho các chuyên gia dù khó tính nhất cũng tin rằng, lạm
phát không quá cao cho năm nay. Trong phiên họp thường kỳ tháng 10/2012 hôm
28/10, Chính phủ cho biết sẽ giữ bằng được mục tiêu kiềm chế CPI của cả năm 2012
ở mức khoảng 8%.
Đa số các chuyên gia gần đây đều cho rằng, với tình hình hiện nay, mục tiêu kiềm
chế lạm phát ở mức 8% như nói ở trên sẽ đạt được bởi tốc độ tăng trưởng tín dụng
trong 10 tháng đầu năm luôn ở mức thấp, trong khi đầu tư trong những tháng qua
cũng rất khiêm tốt.
Ông Nguyễn Quang Đông, Phó Giám đốc của Công ty chứng khoán VCBS gần đây cho
biết, tốc độ cung tiền năm 2012 là thấp, tính tới giữa tháng 10 mới khoảng 10%.
Con số cho cả năm, nhiều khả năng không quá 15% được. Chính vì vậy, áp lực lạm
phát trong năm nay theo đại diện này không phải là lớn.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn những nguy cơ khiến CPI bị tác động tăng đến từ
việc điều chỉnh các mặt hàng thiết yếu. Trước mắt, giá điện và xăng vẫn còn
‘treo’ để kiềm chế giá trong tháng 10.
Trong thông báo mới đây nhất, Bộ Tài chính cho biết, giá xăng vẫn lỗ, còn DN vẫn kêu ca về khoản lỗ tích lũy chưa được bù. Còn đối với giá điện, khoản lỗ hơn chục ngàn tỷ đã được cho phân bổ vào giá vẫn chưa xử lý được bao nhiêu nên việc hoãn tăng giá sẽ chỉ là tạm thời. Hơn nữa, với chu kỳ tiêu dùng cuối năm và những dấu hiệu của khan hiếm lương thực cho thấy giá có thể sẽ tăng lên.
Đi chợ, dân kêu giá chưa bao giờ giảm
Sáng 31/10, trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, Bộ Tài chính đang phối hợp cùng các bộ, ngành và các địa phương điều hành giá theo đúng quy định của pháp luật.
Theo ông Huệ, do bám sát diễn biến giá thế giới và sử dụng đầy đủ các công cụ bình ổn giá nên đã đạt được mục tiêu kéo lạm phát ở mức cao từ 18,13% năm 2011 xuống ở mức 6,02% tính đến hết tháng 10/2012.
Tuy nhiên, vị bộ trưởng này cho biết, các cơ quan chức năng đang thực hiện lộ trình điều hành giá điện, than, xăng dầu… theo cơ chế thị trường phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội.
Nhìn vào các con số thống kê đã được công bố gần đây, có thể thấy bức tranh kinh tế vĩ mô đã tích cực hơn nhiều so với 1 năm trước đó. Tuy nhiên, với một số chuyên gia, việc lạm phát giảm nhanh, thậm chí có lúc có biểu hiện của giảm phát là kết quả tất yếu của kinh tế khó khăn, DN khó khăn, thua lỗ, nợ ngân hàng chốt chất và tồn kho chất núi.
Trong bối cảnh hàng tồn kho nhiều như vậy, sức cầu của nền kinh tế cũng suy giảm nghiêm trọng và tăng trưởng GDP chỉ đạt khoảng 5-5,5% thì con số lạm phát khoảng 8% vẫn cho thấy một khoảng cách lớn giữa tăng trưởng và lạm phát.
Theo một chuyên gia từ Chương trình giảng dạy Fulbright, nếu để tự thân nền kinh tế vận động không cần kích cầu, không cần đẩy mạnh đầu tư công, không cần tăng trưởng tín dụng… thì GDP đã có thể tăng được khoảng 4%. Còn nếu có các chính sách, thì tốc độ có thể tăng 5-6%, thậm chí cao hơn nhiều nếu các đồng tiền bơm ra được sử dụng hiệu quả.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay việc lạm phát vẫn ở mức 8% quả vẫn là một con số tác động đáng kể lên đời sống người lao động có thu nhập trung bình trở xuống. Không những thế, có không ít các chuyên gia và người dân vẫn tỏ ra lo ngại về nguy cơ lạm phát cao trở lại trong các năm tiếp theo khi mà giá cả hàng hóa và dịch vụ thiết yếu đang dần được nâng lên một mặt bằng cao mới.
Hầu hết các mặt hàng thiết yếu với đời sống hàng ngày của người dân như xăng dầu, khí đốt, điện… cho đến lương thực, thực phẩm vẫn theo chiều tăng trong nhiều năm qua. Giá đang hình thành ở một mặt bằng cao mới và rất khó lòng giảm trong bối cảnh Chính phủ đang hướng theo cơ chế thị trường.
Không những thế, trong thời gian tới, người dân có thể phải chịu 1 số loại phí như phí sử dụng đường bộ với cả xe máy, ô tô và thậm chí là cả xe đạp điện…
Sự mất cân bằng trong thu chi ngân sách cả ở Trung ương và địa phương và sự thiếu vắng cũng như suy giảm các nguồn thu có thể khiến cho khả năng giãn, hoãn các khoản thu thuế, phí mới, cũng như khả năng hoãn tăng giá các mặt hàng thiết yếu là rất thấp.
Trong 1 đánh giá gần đây, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, trong điều kiện lạm phát trong nước hiện nay khó có khả năng tăng mạnh trong ngắn hạn, nhưng việc thực hiện những kích thích kinh tế cũng nên ở một chừng mực nhất định trong ngắn hạn bởi nếu thực hiện chậm khi nền kinh tế đã rơi vào vòng xoáy, tính hiệu lực không lớn, lại tạo ra áp lực lạm phát cho các năm sau.
Bên cạnh đó, theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, các giải pháp kích thích phải tránh được việc rò rỉ và rò rỉ ra các nhóm lợi ích mà không tạo ra hiệu ứng lan tỏa cho nền kinh tế. Các kích thích kinh tế cũng phải hướng vào các nhóm dễ bị tổn thương nhất, nhằm giảm thiểu tác động xã hội của quá trình điều chỉnh.
Mạnh Hà