- Ước tính sẽ có 100.000 doanh nghiệp (DN) giải thể, ngừng hoạt động trong 2 năm gần đây, bằng 50% tổng số DN rút khỏi thị trường trong suốt 20 năm kể từ khi có luật DN. Nguyên nhân của tình trạng suy giảm báo động đó là sự thiếu minh bạch trong nền kinh tế. Giảm thuế thu nhập về 20% và trên hết, DN cần được hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Trao đổi với báo chí vừa qua, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam đã bày tỏ nhiều lo ngại về sức khỏe doanh nghiệp (DN) hiện nay.

Phá sản vì DN lớn xù nợ

- Đánh giá về tình trạng giải thể, ngừng hoạt động của doanh nghiệp (DN) ngày càng tăng lên, ông có phát hiện ra còn nguyên nhân nào đáng chú ý và cần phải khắc phục sớm?

Đầu tiên, đó là tính minh bạch trong nền kinh tế. Hiện nay, tình trạng mù mờ về thông tin rất phổ biến.

DN vừa và nhỏ thường làm vệ tinh, thầu phụ cho DN lớn, khi kiếm được hợp đồng, nhất là với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), họ chia sẻ với tôi rằng rất yên tâm. Nhưng rốt cục, sau khi cung cấp dịch vụ, hàng hóa cho các DN lớn đó, họ không đòi được nợ.

Nhiều DNNN tuy rất lớn nhưng lại nhiều vấn đề về tài chính… mà DN nhỏ không biết vì bản thân những DN lớn này không minh bạch thông tin. Vậy là, DN nhỏ và vừa “chết” theo DN lớn. Trường hợp này khá phổ biến. Trong khi đó, minh bạch thông tin DN lớn là rất quan trọng, đối với cả sự điều hành của Chính phủ. Ở các nước, báo cáo tài chính của các DN lớn đều công khai.

Bên cạnh đó, chính sách vĩ mô của Chính phủ thời gian qua không thực sự khuyến khích nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, làm cho hướng đầu tư của DN bị lệch đi.

Chúng ta đều biết, thị trường bất động sản, tài chính, chứng khoán mấy năm qua là bong bóng. Chính sách vĩ mô của ta lúng túng, không kiểm soát được tình trạng quá nóng của thị trường. Ví dụ như chuyện giá đất “trên trời”, chúng ta đều biết rất phí lý nhưng lại không có biện pháp nào ngăn chặn kịp thời.

DN lao theo đà đầu cơ và thực tế cho thấy,cứ ông nào nhảy sang những lĩnh vực bong bóng (và không kịp rút ra) là chết.

Tôi có một anh bạn DN lớn ở miền Trung trước sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, ăn nên làm ra, rất thành công nhưng “tự nhiên” đi đầu tư vào một khu resort rất to, một khu du lịch lớn, vào bất động sản là bị sa lầy ngay. Toàn bộ tiền tích lũy đầu tư vào đó và khó khăn đổ vỡ cũng từ đó. Nhiều DN khác cũng tương tự như vậy.

Có doanh nhân sở hữu những thương hiệu lớn lừng danh một thời cũng không thoát khỏi sự cám dỗ của làn sóng đầu cơ vào chứng khoán, đất đai, bất động sản đã sao nhãng việc cải tiến công nghệ, phát triển thương hiệu, đã bị các DN khác vượt lên, để mất thị trường.

Điều tồi tệ hơn, khi xẹp bong bóng, DN khó khăn theo phản ứng dây chuyền.

Trong bất kỳ bối cảnh nào, dù khó khăn đến đâu, bản năng của DN là luôn tìm mọi cách để thích ứng, tồn tại. Nhưng vấn đề là họ cần đầy đủ thông tin, từ thông tin đối tác đến định hướng chính sách của Chính phủ.

Ông Vũ Tiến Lộc

DN Việt còn bàng quan với hội nhập

- Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho khách quan, ông nhìn nhận thế nào về về năng lực của các DN?

Ta đòi hỏi minh bạch thông tin nhưng có một thực tế đáng buồn là nhiều DN không chủ động tích cực tiếp cận thông tin.

Vừa rồi, trong một cuộc gặp mặt của câu lạc bộ các DN dẫn đầu tại một thành phố lớn, một cuộc khảo sát nhanh đã được thực hiện với câu các hỏi: DN có nắm được thông tin về lộ trình hội nhập ASEAN + Trung Quốc vào 2015 không? Và DN đã chuẩn bị như thế nào cho thời điểm đó?

Rất tiếc, ngay trong những DN dẫn đầu của chúng ta, có tới trên 42% DN bảo là không biết, và cũng ngần ấy DN tiếp theo bảo là có nắm được lộ trình nhưng không biết làm gì. Chỉ có 15% DN còn lại cho hay đã nắm rõ và có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng.

Chúng ta đều biết, năm 2015 là dấu mốc rất quan trọng. Lúc đó, thuế suất nhập khẩu trong thị trường ASEAN +Trung Quốc ở nhiều mặt hàng sẽ về 0- 5%. Tôi đi các nước thấy DN của các nước ASEAN đều đang tích cực chuẩn bị cho một kế hoạch cạnh tranh rất bài bản, và thực tế hàng hóa của các nước này cũng đang tràn mạnh vào VN. Thế mà, nhiều DN Việt Nam lại bàng quan.

Cùng đó, quản trị DN lại kém, thậm chí là luộm thuộm. Nhiều DN lớn vẫn quản trị theo kiểu gia đình, sự phát triển của công ty phụ thuộc vào bản thân người đứng đầu, không tiếp cận được hệ thống quản trị hiện đại, đến khi thay đổi nhân sự là rủi ro.

Để phát triển bền vững về lĩnh vực kinh doanh, cần tập trung vảo ngành nghề cốt lõi, nhưng về thị trường thì phải đa dạng hóa. Nhưng nhiều DN của ta thì làm ngược lại, thị trường quá tập trung còn kinh doanh thì ôm đồm, cái gì cũng làm, nên thất bại.

Điều đó lý giải vì sao, trong cùng bối cảnh khó khăn hiện nay, bức tranh DN ở Việt Nam có sự tương phản rõ nét, FDI vẫn trụ vững, xuất siêu, còn DN trong nước khẩu giảm mạnh, đóng cửa. Nội lực DN Việt Nam yếu hơn hẳn DN FDI, chứng tỏ năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam có vấn đề.

Giảm thuế, nâng cao năng lực cạnh tranh và quản trị cho DN

- Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ nhưng hầu hết các DN chưa thỏa mãn, đặc biệt là chính sách thuế. Ông có ý kiến gì?

Bên cạnh nỗ lực giảm lãi suất ngân hàng và tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho DN, theo chúng tôi, thuế thu nhập doanh nghiệp cần giảm sớm về 20%.

Hiện nay, thuế thu nhập DN của ta là 25% là mức cao so với khu vực. Thái Lan mới đây đã giảm từ 30% xuống thẳng 23%. Ở Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, thuế cho DN vừa và nhỏ chỉ còn 17%.
Thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất,.. cần xem xét giảm xuống. Chúng ta cũng cần tiếp tục mở rộng các chính sách giãn, hoãn thuế cho các DN.


- Theo ông, chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần điều chỉnh như thế nào?

Chính sách hỗ trợ DN nên tập trung vào bộ phận DN có tiềm năng cạnh tranh nhưng đang gặp khó khăn tạm thời. Đối với những DN vẫn đang hoạt động tốt, chính sách vẫn cần hỗ trợ để họ tiếp tục vượt lên tốt hơn, đóng góp vào tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế.

Hỗ trợ DN không phải có nghĩa là chỉ nhằm cứu các DN không có khả năng cạnh tranh. Chúng ta biết rằng có những DN cứ được hỗ trợ mãi mà vẫn khó khăn, đến lúc buông là chết. Tức là, càng hỗ trợ bao nhiêu thì nguồn lực ngân sách sẽ mất đi bấy nhiêu, như gió vào nhà trống. Cứu DN bằng cách đó thì chỉ làm cho nền kinh tế đi xuống.

Bên cạnh biện pháp tài chính nhằm giảm chi phí cho DN như giảm tiền thuê đất, giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng…, Chính phủ cần có chương trình tổng thể, hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực quản trị của DN. Đây là lúc cần có sự phối hợp đồng bộ, đồng loạt ra quân của tất cả các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội DN, các tổ chức khoa học…, trong các nỗ lực nhằm cung cấp thông tin, hướng dẫn, đào tạo, tư vấn cho DN về tái cấu trúc, về xây dựng hệ thống quản trị, về chiến lược kinh doanh…

Có lẽ, một chương trình phổ cập và nâng cao kiến thức về quản trị DN theo kiểu chương trình “bình dân học vụ” đang rất cần thiết đối với một phần không nhỏ các doanh nhân hiện nay.

DN không thể đòi hỏi Chính phủ phải có một gói kích cầu với quy mô lớn trong bối cảnh hiện nay. Đó sẽ là đòi hỏi không khả thi và thực sự, nguồn lực Chính phủ cũng rất hạn chế. Điều quan trọng mà Chính phủ có thể tập trung làm là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh những cải cách theo hướng kinh tế thị trường, cải cách khu vực DNNN, cải cách hành chính một cách quyết liệt, giúp cho DN thấy rõ định hướng chính sách, tiên liệu được hướng điều hành của Chính phủ để tự cứu lấy mình.

Ví dụ như câu chuyện tăng lương, chúng tôi đã kiến nghị lộ trình tăng lương trong 3 năm, mỗi năm 15%, DN chủ động được kế hoạch sản xuất kinh doanh, chuẩn bị nguồn lực.

Trong bối cảnh hiện nay, không thể có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải thay đổi- thay đổi cách nghĩ, cách làm không còn phù hợp. Chính phủ phải thay đổi cách điều hành. DN phải thay đổi quản trị. Phải quay trở lại những yếu tố nền tảng. Cả Chính phủ và DN đều cần minh bạch.

2 năm, 100.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường

“Các doanh nghiệp đều rất khó khăn. Số các DN thua lỗ rất lớn. Số DN có lãi không nhiều.

Cho đến nay, đã có tới 30% DN giải thể, hoặc ngừng hoạt động, 70% DN còn lại đang rất khó khăn. Dự kiến, cả năm 2012, số DN giải thể, ngừng hoạt động là 50.000 DN, cộng với xấp xỉ 50.000 DN giải thể, ngừng hoạt động vào năm ngoái thì tổng số DN rút khỏi thị trường trong 2 năm qua (2011-2012)đã lên tới 100.000 DN, bằng 50% tổng số DN rút khỏi thị trường trong suốt 20 năm qua. Đó là con số đáng báo động.

Dự báo trong 1- 2 năm tới, DN sẽ còn tiếp tục khó khăn”

Phạm Huyền (thực hiện)