Ghi nhận tại các chợ khu vực TP.HCM, việc chi cục Quản lý thị trường siết chặt quản lý mặt hàng áo ngực, dẫn đến hệ luỵ: người bán giấu hàng, người có nhu cầu mua áo ngực giá rẻ không biết tìm mua ở đâu.
Hé lộ gốc tích chất 'lạ' trong áo ngực phụ nữ
Sự thực về những 'thần dược' làm nở ngực siêu tốc
Phát hiện áo nịt ngực phụ nữ có chất độc lạ gây ngứa
Sự thực về những 'thần dược' làm nở ngực siêu tốc
Phát hiện áo nịt ngực phụ nữ có chất độc lạ gây ngứa
Cho đến hôm qua, ngày 4.11.2012, các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn chưa công bố kết quả kiểm tra “chất lạ” và “hạt lạ” nằm trong các loại áo ngực Trung Quốc gây ngứa ngáy cho người mặc, là chất gì? Tính đến nay, đã có hơn 20.000 áo ngực Trung Quốc bị các chi cục quản lý thị trường TP.HCM, Hà Nội, Thanh Hoá, Đà Nẵng… tịch thu hoặc tạm giữ vì không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kinh doanh không đầy đủ hoá đơn chứng từ, sản phẩm chứa chất lạ… Trong đó, TP.HCM chiếm nhiều nhất với 11.000 chiếc.
Hàng nội không thể vào chợ
Theo các doanh nghiệp ngành may, hầu như toàn bộ thị trường áo ngực bình dân, với mức giá 20.000 – 60.000 đồng/chiếc, đang bán trên toàn quốc hiện nay là hàng Trung Quốc. Hàng nội toàn thị trường mới chỉ có khoảng 30 thương hiệu do hơn mười nhà sản xuất cung ứng, như các hiệu Gwen’s (công ty Hoà Mỹ), Annie (Anh Khoa), Relax (Sơn Việt), Wannabe (Nữ Hoàng Thời Trang), Misaki (Vera), Softy (Pháp – Việt)… và có giá cao: bình quân 120.000 – 250.000 đồng/chiếc.
Bà Bùi Thị Hạnh Thu, phó tổng giám đốc hệ thống siêu thị Co.opmart, nói: “Áo ngực Việt Nam loại có giá rẻ nhất bán trong siêu thị cũng đã hơn 80.000 đồng. Nhà cung cấp có khuyến mãi cũng không cạnh tranh nổi với áo ngực ở chợ chỉ 20.000 – 50.000 đồng/chiếc”. Chính vì thế mà hiện nay, áo ngực nhãn Việt gần như chỉ bán trong các siêu thị hoặc một vài cửa hàng đại lý, do hàng nội không thể cạnh tranh giá rẻ với hàng Trung Quốc trên kênh phân phối chợ. Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất áo ngực đa phần đều là nhà sản xuất quy mô nhỏ, vốn ít, không đủ năng lực tài chính để phát triển mạng lưới bán lẻ riêng nên đành nương nhờ kênh siêu thị để bán hàng.
Bà Phạm Thị Thuý, giám đốc công ty Pháp Việt chuyên sản xuất áo lót, cho biết: “Để may một chiếc áo ngực, tiền công thợ đã là 30.000 đồng, 25 loại nguyên phụ liệu phải đặt mua từ nhiều nơi, số lượng lớn thì giá thành cũng khoảng 50.000 – 58.000 đồng/chiếc, cộng các khoản thuế, tiền mặt bằng, chiết khấu bán lẻ… giá áo ngực Việt Nam không thể nào rẻ như hàng đang có ở chợ được”. Bên cạnh đó, theo bà Thuý, muốn bỏ hàng ra chợ, một mặt phải trường vốn cho tiểu thương mua hàng trả chậm, việc thu hồi công nợ khá vất vả, mặt khác tiểu thương không thích lấy hàng Việt vì giá cao.
Người tiêu dùng đã nhiều phen lo lắng với hàng hóa Trung Quốc và nay, áo ngực từ Trung Quốc đã gây hoang mang với không ít người. |
Theo phân tích của một số doanh nghiệp, có thể thấy chỉ chừng 5% phụ nữ Việt Nam có khả năng mua áo ngực hàng cao cấp nhập từ nhiều nước với mức giá từ 250.000 đồng/chiếc trở lên, khoảng 7 – 10% có khả năng mua áo ngực ngoại nhập hoặc sản xuất trong nước với mức giá từ 100.000 – dưới 250.000 đồng, còn lại đến 75% phụ nữ (chiếm tỷ lệ trên 50% của khoảng 90 triệu dân, trong đó 76% trên 15 tuổi) chỉ có thể mua áo ngực với mức giá dưới 100.000 đồng/chiếc. Nếu tính mức chi tiêu bình quân 50.000 đồng/chiếc áo ngực, và nhu cầu hai sản phẩm/năm, thì thị trường áo ngực bình dân của phụ nữ Việt Nam cần tới 70 triệu chiếc/năm với tổng giá trị khoảng 3.500 tỉ đồng.
Cả nước có hơn 2.000 doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc, nhưng chỉ có vài đơn vị tham gia sản xuất đồ lót, trong khi nhu cầu và khả năng tiêu thụ đều khá lớn cho thấy dường như doanh nghiệp chưa mặn mà với thị trường này. Số liệu khảo sát thị trường đồ lót năm 2010 của một doanh nghiệp tại quận Tân Bình, hàng nội chỉ chiếm chưa đến 5% doanh thu thị trường quần – áo lót ở Việt Nam (ước khoảng 8.000 tỉ đồng/năm với mức bình quân cả năm là 150.000 đồng/nữ và 50.000 đồng/nam).
Theo bà Nguyễn Thị Điền, chủ doanh nghiệp may An Phước, đầu tư sản xuất áo ngực đòi hỏi vốn lớn, có thể lên đến 500.000 đôla Mỹ cho một chuyền may do các loại máy móc thiết bị đều là loại chuyên dụng đắt tiền. Việc đào tạo công nhân rất vất vả. Muốn có thợ lành nghề phải mất ba năm trở lên vì may áo ngực đòi hỏi đường may chính xác từng milimét. Một khó khăn nữa là đầu tư cho nghiên cứu mẫu mã, thiết kế, đặt mua nguyên phụ liệu từ nhiều quốc gia…
Những phân tích trên cho thấy, nhà sản xuất Việt Nam đang bó tay trước việc cung cấp áo ngực giá rẻ. Người thu nhập thấp nếu không mua áo ngực Trung Quốc thì không có hàng để dùng!
(Theo SGTT)