Với những con phố, ngõ nhỏ, hẹp, muốn vận chuyển đồ đạc, hàng hóa việc sử dụng xe ba bánh (xe lam) là hợp lý hơn cả. Vì thế, nhiều người coi nghề này là độc quyền và "bóc lột" khách hàng.
Bắt chẹt kháchNhận chuyển nhà từ ngõ 12 phố Đào Tấn ra tới số nhà 11, ngõ 5 đường Hoàng Quốc Việt, ông Nam - một chủ xe ba bánh, lấy giá 180.000 đồng cho quãng đường gần 3 km. Song, yêu cầu của ông là khi đến nơi, đồ đạc đã phải dọn sẵn ra ngoài đường, chỉ việc vận chuyển lên xe. 5h30, ông Nam có mặt đúng giờ theo yêu cầu của khách. Mất chừng 15 phút, đồ đạc đã được xếp gọn gàng lên chiếc xe ba bánh. Tuy nhiên, khi chủ nhà nhớ ra còn bộ bếp gas ở trên tầng thượng và đề nghị ông chờ một chút thì ông nhất định không chịu, với lý do phải chở nhanh, còn hẹn khách khác.
Đến nơi, ông Nam bắt phải để đồ đạc ở ngay vệ đường (cách nhà 150m) vì ngõ nhỏ, sâu, khó vào. Thế nhưng, sau khi khách đồng ý bồi dưỡng thêm 50.000 đồng nữa, ông lại vui vẻ cho xe vào tận trong cửa nhà.
"Tôi đã thỏa thuận ngay từ đầu là ngõ đó vào được xe ba bánh và chủ xe đã đồng ý. Nhưng đến nơi, chú ấy lại hậm hực chực đòi thêm tiền. 180.000 đồng chạy có 3 cây số, lại không phải bưng bê gì là được lắm rồi. Bỏ ra thêm 50.000 đồng không tiếc nhưng thấy bực vì thái độ quá quắt, bắt chẹt khách của mấy bác xe lam này", vị khách bức xúc.
Tình trạng độc quyền của lái xe ba bánh không phải hiếm khi xảy ra. Những trường hợp khách hàng hiền lành hoặc là nơi vận chuyển đến đi lại không dễ thường bị lái xe ba bánh bắt nạt.
Chẳng hạn, chỉ chở hàng hóa từ ngõ 624 Minh Khai ra tới Đội Cấn, anh Vũ Văn B. (lái xe ba bánh đỗ dưới chân cầu Vĩnh Tuy) cũng đã lấy 300.000 đồng của khách.
Chị Nguyễn Thu Giang, người thuê chuyến xe ba bánh này kể lại: "Tối hôm đó, trên đường đi làm về, tôi có hỏi cậu B. xem chở đồ từ nhà ra Đội Cấn hết bao nhiêu? Cậu ấy hỏi cụ thể địa chỉ, độ rộng của ngõ... chỗ chuyển đi, chuyển đến rồi phán 300.000 đồng và còn nhấn mạnh đó là giá hữu nghị lắm rồi và không có ai có giá khác. Ngoài ra, cậu ấy chỉ đồng ý đi vào giờ trưa hoặc giờ tan tầm vì chỗ đó cấm xe ba bánh".
Nghĩ tiếc tiền, chị Giang gọi điện cho một người lái xe ba bánh khác hay đứng ở khu vực đường Tam Trinh, nhưng giá của họ đưa ra còn đắt hơn của lái xe B. tới 50.000 đồng.
"Tôi hỏi có giảm không, họ chỉ nói mỗi câu không giảm rồi tắt phụt máy. Có vẻ họ thừa việc. Ngõ nhà tôi hẹp quá, chỉ thuê được xe lam, không thể thuê xe tải nên đành phải chấp nhận giá cắt cổ vậy. Lần đó chuyển nhà, mất tới 600.000 đồng/2 chuyến, trong khi nếu thuê xe tải chỉ mất 250.000 đồng", chị Giang kể.
Hà Nội nhiều khu vực ngõ nhỏ, sâu, việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng, đồ đạc... phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ lái xe lam. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều lái xe lam đã "lên mặt" với khách. Và nghề này kiếm được tiền cũng không khó.
Hỏi thăm mấy bác lái xe ba bánh, phóng viên tìm được tới một xưởng chuyên sản xuất loại phương tiện này. Theo ông chủ cửa hàng cơ khí, xây dựng Trung Hiếu (số 6, tổ 22 Định Công, Hoàng Mai), việc sản xuất của nhà ông không thể đáp ứng nhu cầu. Muốn có xe thì phải đặt trước khoảng 1 tuần đến 10 ngày.
"Dạo này khá nhiều người mua loại xe ba bánh để chạy, có cả thanh niên, có cả thương binh hay người khuyết tật. Xe không cần phải đăng kiểm. Logo xe thương binh, số điện thoại... chỉ cần ra 1 cửa hàng quảng cáo, bảo họ cắt cho mất mấy chục nghìn đồng là thành xe thương binh, công an ít khi kiểm tra", ông Hiếu cho hay.
Nguy hiểm
Ngoài tình trạng độc quyền, nhiều lái xe ba bánh còn phóng nhanh, vượt ẩu, chở cồng kềnh, có những hành động, lời lẽ thiếu văn hóa...
4h chiều, đoạn đường Đê La Thành bắt đầu đông các phương tiện di chuyển. Một chiếc xe ba bánh chở những thanh sắt dài vội lao về phía khu vực Giảng Võ. Lái xe là một thanh niên khoảng chừng 30 tuổi, đầu đội mũ cối, vận bộ quần áo xanh như nhân viên đô thị. Không còi, phanh kém, bằng lời nói, người lái xe ba bánh khiến những người tham gia giao thông phía trước, bên cạnh đều phải né tránh. Nếu không cẩn thận, đoạn sắt sẽ va vào xe và khiến người lái xe ngã ngay. Nhiều người tham gia giao thông bực bội vì hành động của lái xe ba bánh.
Chuyển đồ của một gia đình từ đường Bưởi sang tới Trần Duy Hưng vào giờ hành chính, anh Nguyễn Văn V., lái xe ba bánh ba bánh len lỏi vào các con phố, ngõ ở Hoa Bằng, Yên Hòa... để né cảnh sát giao thông. Trong diện tích nhỏ của phần thùng sau, anh B. xếp đầy hàng lỉnh kỉnh từ xô chậu, bàn ghế; phía bên trên nóc là đệm. Chằng không cẩn thận, một cây phơi quần áo phía bên thành xe tuột ra, đập qua đập lại theo hướng đi của xe. Thấy vậy, nhiều người đi đường nhắc nhưng anh V. không quan tâm, lao vun vút trên con phố nhỏ. Vào những khúc cua nhỏ trên đường Nguyễn Khang, để tránh va chạm, người đi đường phải dừng lại, nép vào một bên để cho xe ba bánh chạy qua.
Bà Nguyễn Thị Lan, bán nước trên phố Nguyễn Khang cho biết, hàng ngày có đến cả chục chiếc xe ba bánh chạy qua đây. Hầu như xe nào cũng chở hàng hóa cồng kềnh, chằng không cẩn thận, gây nguy hiểm cho người đi đường.
"Tôi bực nhất là mấy cậu thanh niên, đi ẩu lắm. Có những hôm xe ba bánh còn va chạm vào người khác vì chở cồng kềnh quá. Mấy cậu đó khi làm cho người ta ngã ra, cũng không thèm dừng lại hỏi han xem thế nào mà đi thẳng", bà Lan bức xúc.
Trước thực trạng trên, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội đã yêu cầu các Đội CSGT triển khai đợt ra quân xử lý mạnh đối với loại xe ba bánh, xe tự chế. Khi lực lượng CSGT kiểm tra mà người điều khiển không xuất trình được giấy tờ, sẽ tiến hành thu giữ phương tiện. Tuy nhiên, chỉ như nước đổ lá khoai khi đợt ra quân kết thúc, tình trạng cũ sẽ lại tiếp tục tái diễn.
Châu Giang