Theo ước tính của TS Nguyễn Trí Hiếu, tỷ lệ nợ xấu hiện khoảng 15% và cần gấp 2,5 lần số dự phòng hiện nay mới đủ để xử lý. Con số dự phòng rủi ro các ngân hàng  khoảng 70 ngàn ty, tức là phải cần số tiền lên đến 175 ngàn tỷ.


Tại buổi tọa đàm về chính sách tiền tệ 10 tháng đầu năm, TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho biết, nợ xấu là vấn đề lớn nhất của hệ thống ngân hàng và là cốt lõi của nền kinh tế hiện nay.

Nợ xấu dẫn đến đóng băng tín dụng, nếu không gỡ được "băng tín dụng" này thì không thể hạ được lãi suất, các doanh nghiệp không khó tiếp cận được vốn ngân hàng.

Theo TS Nghĩa, vốn ngân hàng có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế. Cụ thể, vốn tín dụng ảnh hưởng 82% đầu tư của khu vực tư nhân, tín dụng ngân hàng cũng ảnh hưởng hơn 30% đầu tư công của chính phủ (trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 30/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết nợ xấu xây dựng cơ bản khoảng 90 nghìn tỷ đồng). Tín dụng ngân hàng cũng ảnh hưởng 28% nhu cầu vốn đầu tư FDI.

Trong phiên giải trình trước Quốc hội ngày 31/10/2012, Thống đốc ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối năm nay, ngân hàng nào không trích lập đủ dự phòng rủi ro thì không được chia cổ tức. NHNN sẽ có biện pháp thanh tra giám sát cần thiết để đảm bảo lợi nhuận của ngân hàng trước tiên để giải quyết nợ xấu.

"Do vậy, đóng băng tín dụng là thảm họa của nền kinh tế, đây là điều cần nỗ lực xử lý. Muốn xử lý nợ xấu thì Chính phủ phải làm, nếu không thực hiện kịp thời thì doanh nghiệp chết ngày càng nhiều", ông Nghĩa nói.

Để xử lý nợ xấu, có 2 vấn đề được đặt ra là quy mô nợ xấu chính xác hiện nay là bao nhiêu và nguồn nào để xử lý nợ xấu.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, số liệu tỷ lệ nợ xấu 10% được đưa ra đã cách đây khoảng 5 tháng. Từ đó đến nay, kinh tế chưa có dấu hiệu cải thiện, doanh nghiệp khó có cơ hội phục hồi nên theo ý kiến của ông, tỷ lệ nợ xấu hiện phải lên tới 15%.

"Nếu lấy tổng dư nợ 2,5 triệu tỷ đồng nhân với 15% thì nợ xấu hiện đâu đó khoảng 375 nghìn tỷ đồng. Theo kinh nghiệm quốc tế, 50% số này là nợ mất vốn", TS Hiếu nói.

Để xử lý nợ xấu, TS Nguyễn Trí Hiếu đưa ra 2 nguồn là dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng và tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, với mức dự phòng 70 nghìn tỷ đồng mà các tổ chức tín dụng trích lập được đem so với số nợ xấu 375 nghìn tỷ đồng thì vị chuyên gia này cho rằng "số trích lập dự phòng rủi ro quá ít. Chúng ta cần ít nhất 2,5 lần số trích lập dự phòng trên để bù đắp nợ xấu".

Với nguồn thứ hai là xử lý tài sản đảm bảo, theo thông tin từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, 85% khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo với tổng giá trị tới 135% so với giá trị nợ xấu. Song, ông Hiếu cho rằng, hiện nay giá bất động sản xuống thì giá trị tài sản đảm bảo cũng bị ảnh hưởng.

Trước đề án thành lập công ty mua bán nợ, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, việc làm này là cần thiết bởi bản thân các ngân hàng không thể tự xử lý nợ xấu (từ nguồn dự phòng rủi ro và tài sản đảm bảo).

"Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất thành lập công ty mua bán nợ xấu vốn 100 nghìn tỷ đồng, nhưng ít nhất 25% trong đó cần là tiền mặt và có ngay lúc này. Số tiền này có thể tiền đến từ ngân sách qua phát hành trái phiếu, còn lại là từ ngân hàng thương mại, các tổ chức quốc tế.

Đóng góp thêm ý kiến về nguồn lực xử lý nợ xấu, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh không khẳng định xử lý nợ xấu cần lấy từ ngân sách Nhà nước hay nguồn nào khác. Tuy nhiên, vị này đưa ra một đánh giá đặc biệt.

Theo ông, "Chưa bao giờ, ít nhất trong mươi mười lăm năm trở lại đây ngân sách Việt Nam khó khăn như vậy".

Tổng thu ngân sách nhà nước đến ngày 15/10 chỉ đạt đạt 70,7% dự toán năm, trong khi số chi đạt 75,1% dự toán, mà chỉ còn gần 2 tháng nữa là hết năm. Bội chi ngân sách nhà nước tính tới giữa tháng 10 là hơn 155 nghìn tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch.

Ngân sách hiện nay không biết lấy đâu ra tiền. Hết tháng 9/2012, thâm hụt ngân sách đã chiếm 6,2% GDP. Năm nay, Chính phủ ước tính tăng trưởng kinh tế 5%, nếu giữ nguyên quy mô thâm hụt ngân sách hiện nay thì bối chi ngân sách tính trên GDP sẽ cực lớn do mẫu số bị thu hẹp, TS Vũ Đình Ánh cho hay.

Ngoài ra, theo TS Nguyễn Thị Mùi - Giám đốc trường Đào tạo và Phát triển nhân lực ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank), việc giải quyết nợ xấu hiện nay còn phải chịu áp lực giải trình xã hội lớn.

Theo bà Mùi, để thành lập một công ty hay mua bán nợ thì cần giải quyết 3 vấn đề. Nếu đặt ở NHNN thì có cơ quan này cần có đủ quyền để giải quyết nợ xấu ở các lĩnh vực khác, bên cạnh đó cần xác định nguồn lực từ đâu, có đủ lực lượng am hiểu vấn đề nợ xấu để xử lý hay không.

Khi có con người, đủ nguồn lực và thâm quyền thì có thể giải quyết được nợ xấu, TS Nguyễn Thị Mùi cho hay.

(Theo Gafin)