Chính thức đánh bại đối thủ Mitt Romney để trở thành tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ 2 liên tiếp, sự "xưng vương" của Obama làm nức lòng hàng triệu trái tim, nhưng cũng khiến không ít người ngậm ngùi buồn tủi... Bản thân ông phải đối mặt với một nền kinh tế yếu kém.
38 tỷ phú Mỹ 'ghét' Obama
Gói kích thích QE3: Cứu cánh cho Obama?
Thất nghiệp: 'Gót chân Achilles' cản đường Obama
Người giàu đau khổ, người nghèo mỉm cười
Chiến thắng của tổng thống Obama và sự thất bại của ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney đương nhiên sẽ khiến cho những người luôn ủng hộ và kề vai sát cánh với Romney buồn lòng khi kỳ vọng về một người hùng có thể bảo vệ quyền lợi của họ bị sụp đổ sau một thời gian dài nỗ lực.
Giới giàu Mỹ là những người cảm nhận được sự sự thất vọng lớn hơn ai hết. Obama tái đắc cử đồng nghĩa với việc những chính sách khắc nghiệt về thuế má sẽ được áp dụng triệt để trong thời gian tới. Trong bối cảnh tỷ lệ nợ công đang ở mức đáng báo động thì giải pháp khó tránh khỏi là tăng thuế để giải quyết tình hình. Bản thân tổng thống Obama sẽ không có nhiều sự lựa chọn!
Người buồn nhiều không ai khác chính là những người nắm giữ nhiều tài sản, những chủ doanh nghiệp, đặc biệt là những người đã kêu gọi, thậm chí là đe dọa nhân viên phải bỏ phiếu cho Romney để ông này trở thành tân tổng thống. Chính sách thuế cao đánh vào người giàu có của Obama đã khiến giới này... thù ghét ông. Cũng chính vì lẽ đó, nhà giàu cần Romney hơn bởi theo họ Romney mới là người có thể bảo vệ quyền lợi, hay đúng hơn là khối tài sản khổng lồ của họ.
Và cũng hơn ai hết, Phố Wall đã phải đối mặt với trở mình đau đớn trước chiến thắng của Obama.
Ông Wellner - CEO của quỹ quản lý tài sản Papamarkou Wellner tại Phố Wall, cho biết, điều lo ngại lớn nhất của ông là tổng thống Obama lại muốn kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc tích lũy tài sản của giới đầu tư tài chính. Đó cũng là suy nghĩ chung của rất nhiều nhà quản lý quỹ tương hỗ và các nhà điều hành tại những doanh nghiệp Phố Wall. Bởi khi tham gia tranh cử, Obama đã tuyên bố, ông sẽ tiếp tục đưa ra những "liệu pháp" đặc biệt (thuế) đối với các loại cổ tức, các tổ chức đầu tư... đồng thời để mắt nhiều hơn đến ngành công nghiệp tài chính trong đó có ngân hàng.
Trong khi đó, chiến thắng của tổng thống Obama đã đem lại hy vọng cho nhiều người và nhiều khu vực kinh tế của Mỹ. Tuy hà khắc với giới giàu có nhưng vị tổng thống này lại giành sự quan tâm đặc biệt đối tượng thu nhập thấp. Ông đang nỗ lực mang đến cho họ một cuộc sống tốt hơn với những khoản trợ cấp thiết thực.
Bên cạnh đó, Obama cũng tích cực thúc đẩy một số ngành công nghiệp có đóng góp lớn cho an sinh xã hội hay những ngành đang gặp khó khăn do khủng hoảng và suy thoái kinh tế.
Một trong số đó là ngành công nghiệp y tế. Với những sáng kiến khá tích cực nhằm mang lại cho người dân điều kiện tiếp cận tốt hơn đối với các dịch chăm sóc sức khỏe, tổng thống Obama tiếp tục mang lại cho những lợi ích khá lớn lao cho những người tham gia lĩnh vực này trong đó có các nhà sản xuất thuốc, nhà cung cấp bảo hiểm và bệnh viện.
Với nỗ lực phục hồi thị trường bất động sản Mỹ, chính quyền Obama và cục dự trữ liên bang Mỹ dành sự quan tâm đặc biệt đến ngành xây dựng. Hạ thấp lãi suất về mức thấp nhất có thể để thúc đẩy nhu cầu đối với thị trường là một trong những việc mà Obama đã làm trong thời gian qua. Với nỗ lực đó, ngành công nghiệp xây dựng của Mỹ đã có thể khá vững vàng trong điều kiện khó khăn toàn cầu hiện nay. Nó không chỉ mang lại nguồn thu nhập tốt nhất cho những lao động không có trình độ học vấn cao mà còn tạo ra một hiệu ứng tích cực cho cả nền kinh tế.
Đối mặt với một nền kinh tế yếu kém
Người Mỹ đã đặt niềm tin vào Obama rằng ông sẽ là người khắc phục tốt nhất nền kinh tế đang trì trệ. Song, trên thực tế, ông chưa làm được gì nhiều để tăng tốc độ tăng trưởng và giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Sự chiến thắng của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng, theo Reuters, trước đối thủ Mitt Romney là khó khăn bởi sự thất vọng của cử tri về tốc độ tăng trưởng chậm chạp, sự phục hồi yếu kém của nền kinh tế cũng như những lo ngại về nợ công cao.
Do vậy, cơ hội tốt nhất của tổng thống để kích thích tăng trưởng là loại bỏ các mối đe dọa suy thoái kinh tế và cắt giảm chi tiêu chính phủ, những điều gây ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư kinh doanh.
"Obama sẽ phải lưu tâm đến một số vấn đề tài chính để thúc đẩy sự vận động kinh tế" ông Mark Zandi, nhà Kinh tế của Moody tại Pennsylvania cho biết. "Nếu ông ấy không làm được điều đó thì nền kinh tế Mỹ sẽ bế tắc".
Nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang nỗ lực để đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ giống như sau cuộc suy thoái năm 2007-2009.
Tổng sản phẩm quốc nội chỉ có 2,1% trong hai năm qua. Khoảng 23 triệu người Mỹ thất nghiệp và thiếu việc làm, rất nhiều trong số họ phải kiếm sống bằng những công việc bán thời gian.
Ngoài những khoản vay không bền vững lên đến 16 nghìn tỷ USD của chính phủ, suy thoái kinh tế để lại những vết sẹo lâu dài lên thị trường lao động, điều này có thể kéo theo tỷ lệ thất nghiệp sẽ vẫn giữ ở mức cao trong nhiều năm tới. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng đang chậm lại ở các nước khác ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu của Mỹ.
Nếu thực hiện đầy đủ kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách của Obama thì kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng trong năm 2013, một số nhà kinh tế mong đợi ông sẽ ban hành một số hình thức giảm thuế đối với các hộ gia đình.
Thu nhập trung bình của các hộ gia đình giảm 38% giai đoạn 2007-2010, giá nhà đất giảm mạnh, mức giảm kỉ lục trong thời gian qua; ước tính gần 11 triệu người Mỹ nợ thế chấp nhiều hơn tài sản họ có.
Ngoài ra, nhiều người bị mất việc trong giai đoạn suy thoái kinh tế, đặc biết là trong các lĩnh vực xây dựng, nhà đất, tài chính sẽ khiến lực lượng lao động Mỹ thiếu các kỹ năng mà các nhà tuyển dụng cần. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 7,9% trong tháng 10.
Chưa kể, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và sự phát triển chậm lại của Trung Quốc cũng ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp Mỹ.
"Chúng ta đang ở trong một nền kinh tế toàn cầu hóa và không có một nền kinh tế nào phát triển mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là một vấn đề không hề dễ dàng đối với Obama", Laurenti, nhà kinh tế của Mesirow Financial ở Chicago, nhận xét.
Nhìn chung, trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống này, người Mỹ sẽ phải xác định họ tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn và các nhà đầu tư cũng sẽ phải điều chỉnh nhiều để phù hợp với điều kiện một nền kinh tế có nguy cơ tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế thì với sự điều hành của tổng thống Obama, dù nền kinh tế khó có thể có những bước đột phá mạnh mẽ nhưng tương lai kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ổn định.
Vẫn còn quá sớm để nói liệu Obama có thể mang đến cho nền kinh tế Mỹ tia hi vọng lớn lao hay không, nhưng có một điều chắc chắn rằng, tổng thống vừa tái đắc cử sẽ tiếp tục thực hiện những chính sách mà ông đã dày công theo đuổi. Và như vậy, cũng dễ hiểu thôi khi trong nền kinh tế đó, sẽ có người nhận được ân sủng, và nhiều người khác thì phải chịu thiệt thòi!
HungNinh - Vân Anh (tổng hợp)