- Cuối năm là thời điểm người lao động ngoại tỉnh đổ về Hà Nội để tìm việc làm, mong kiếm được ít tiền tiêu Tết. Thay vì chạy sô không hết việc như mọi năm, đến thời điểm này, tại nhiều “chợ” lao động, không khí trở nên vắng vẻ và hiu hắt vì... ế ẩm.


Đìu hiu chợ chiều

Ngay từ sáng sớm, tại chợ lao động chân cầu vượt Mai Dịch (Hà Nội) đã có rất đông người tập trung chờ việc. Đa phần họ là những người dân thất nghiệp từ mọi miền quê đổ về đây kiếm kế sinh nhai. Họ sẵn sàng làm mọi việc, từ lau dọn vệ sinh, rửa bát thuê, nấu cỗ, dọn dẹp cỗ cưới, bốc vác, thông cống, thông bể phốt... nếu có người thuê với giá hợp lý.

Cả buổi sáng ngồi vạ vật ở chân cầu vượt này, hiếm hoi lắm mới thấy có người đi xe chầm chậm có ý tìm người, chị Thơm cùng cả nhóm ở đây lại nhao lên, ùa ra hỏi: “Anh, chị cần người à? Mấy người? Đàn ông hay đàn bà? Cần làm việc gì ở đây chúng tôi đều làm được hết”. May mắn thì 1-2 người có việc, số còn lại tiu nghỉu quay về chỗ ngồi.

Chị Thơm than thở: “Cả tuần nay tôi ngồi chầu chực ở đây mà chưa hôm nào kiếm được việc”. Chị quê ở Vụ Bản, Nam Định, chồng mất sớm để lại 2 đứa con nhỏ, nhà được 3 sào ruộng nhưng làm mà chẳng đủ ăn. Thế nên mấy năm nay, cứ xong mùa màng đến lúc nông nhàn là chị lại gửi con ở nhà cho mẹ rồi khăn gói lên đây kiếm việc. Ban đầu, chị gánh vác thuê ở khu vực chợ Đồng Xuân, Long Biên nhưng giờ ở đó đông người quá, lại ít việc vì hàng hóa năm nay chưa nhiều. Đói việc, chị đành dạt về các chợ khác.

Giờ không chỉ gánh, vác thuê mà việc gì chị cũng nhận làm, miễn là có việc, “chứ cứ ngồi đuổi ruồi mãi thế này thì lấy gì mà ăn”, chị nói. Cuối năm, ai cũng hy vọng người dân ở đây sửa sang, dọn dẹp, lau chùi nhà cửa... những người như chị sẽ có việc để làm. Thế nhưng năm nay, kinh tế khó khăn, hình như người đi thuê làm cũng hạn chế. Phần lớn họ tự làm, việc gì vất vả lắm mới phải thuê. Vậy nên, dạt về chợ chân cầu vượt Mai Dịch cả tuần nay, hôm nào cũng ngồi tới tận trưa chị Thơm vẫn chẳng kiếm được việc gì làm.

Không chỉ riêng chợ lao động tại chân cầu vượt Mai Dịch mới rơi vào cảnh “trăm người bán” mà chẳng có “vạn người mua”, hầu hết các chợ lao động thời điểm này đều vắng khách.

Ngồi vạ vật cả ngày, thậm chí cả tuần ở chợ lao động mà nhiều chị em vẫn không kiếm nổi việc.

Tại chợ lao động khu vực đường Bưởi, vắng khách nên đám đàn ông hết túm năm tụm ba hết chơi tá lả lại lăn lóc nằm ngủ một góc. Anh Hinh (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết: “Mọi năm thời điểm này, dân có nhiều việc cần thuê người làm thì cũng là lúc chợ lao động bắt đầu đắt khách. Chúng tôi một khi ngày còn có cơ hội chạy sô được mấy chỗ. Nhưng năm nay, chẳng hiểu sao lại vắng vẻ thế”.

“Ngày hôm qua, tôi chỉ kiếm được 90.000 đồng, nhưng đã phải bỏ ra một nửa số tiền đó để ăn uống, chẳng để ra được là mấy. Nhưng những hôm như thế còn là may. Nhiều hôm ra chợ ế chẳng ai thuê, không kiếm được đồng nào mà vẫn phải ăn đấy”. Khi được hỏi, không có việc làm sao không về quê, anh Hinh lắc đầu cho hay, về quê cũng không có việc gì làm. Ở đây biết đâu kiếm được việc nên anh cố bám trụ, may ra còn thêm thắt được chút ít, gần Tết hi vọng việc nhiều hơn để còn có ít tiền về lo cái Tết cho vợ con.

Mặc dù kinh tế khủng hoảng, người đến thuê lao động cũng ít đi nhưng nhiều người lao động vẫn quyết bám trụ tại thành phố. Chị Phương (Tam Nông, Phú Thọ) kể: “Chồng tôi đi làm thợ xây rồi, công việc chưa hẳn ổn định nhưng mỗi tháng còn kiếm được vài triệu đồng. Tôi cũng cố kiếm thêm tiền phụ giúp anh nuôi con cho đàng hoàng”.

Dạo trước may mắn có hôm kiếm được 200.000-300.000 đồng/ngày, nhưng thời gian này ngồi từ sáng sớm tới tận trưa, thế mà cả tuần đều ế việc - chị Phương chia sẻ.

Lo cái Tết thiếu thốn

Ai cũng tưởng vào dịp cuối năm thì nhu cầu cần lao động thời vụ tăng hơn các thời điểm khác do công việc xây dựng, sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa... tăng. Thế nhưng sự thật thì tìm việc cuối năm không hề đơn giản, thậm chí còn là cuộc vận lộn mưu sinh đầy khó nhọc đối với những người chân ướt chân ráo ra Hà Nội.

Anh Sĩ quê ở Thái Thọ, Thái Bình mới lên Hà Nội kiếm việc ở các chợ lao động được hơn tuần nay đã cảm thấy uể oải vì cảnh vạ vật chờ đợi cả ngày vẫn chẳng có người thuê. Anh kể, cơn bão vừa rồi về đúng vụ thu hoạch nên vụ hoa màu năm nay gần như mất trắng. Thu dọn đống đổ nát sau bão, 2 vợ chồng anh đã tính phải lên Hà Nội tìm việc làm từ giờ đến cuối năm để có tiền lo cho cái Tết đang tới gần. Thế nhưng, từ hôm lên đến giờ “tôi chỉ toàn tiêu tiền thôi, may mà vợ tôi được người ta thuê rửa bát với lau chùi nhà cửa theo giờ nên tạm thời vẫn có đồng ra đồng vào”.

“Năm nay khó khăn chung rồi nhưng cứ thế này việc ít mà người thì đông chẳng biết có kiếm nổi tiền lo cho cái Tết này không, nghĩ chỉ thương bọn trẻ ở nhà thôi”, anh buồn bã.

Việc ít, thu nhập eo hẹp trong khi giá phòng trọ, điện nước rồi chi phí ăn uống cứ leo thang hàng ngày nên nhiều người lao động phải xoay sở làm cả những công việc vào ban đêm như đào cống rãnh, xúc bùn đất lên ôtô để chở về công trường. Nhiều chị em làm gánh, vác thuê ở chợ Long Biên phải thức dậy từ 1-2h sáng rồi đến 10h trưa thì dạt sang chợ Đồng Xuân.

Chị Hòa (Hưng Yên) bảo rằng gánh hoa quả ở chợ Long Biên rất vất vả vì có gánh nặng tới 60-70kg. Nhưng với chị và nhiều chị em làm công việc này, điều đó chẳng thấm tháp vào đâu bởi ở thời điểm “người nhiều việc ít” như thế này thì chuyện kiếm được việc đã là hạnh phúc lắm rồi. “Nếu may mắn có việc đều đều thế này thì ít nhất tôi cũng lo được cái Tết cho gia đình, sắm cho bọn nhỏ mỗi đứa bộ quần áo mới, chứ không thì tội quá”.

Kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu hơn nên đối với những người ngoại tỉnh là lao động thời vụ thì cơ hội kiếm việc làm lại càng ảm đạm. Vật vờ mưu sinh giữa chốn Thủ đô, những người lao động ấy đang nặng trĩu nỗi lo về một cái ăn, cái mặc với cuộc sống và công việc mịt mờ trước mắt.

Bài, ảnh: Bảo Hân