Chủ đầu tư 2 dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A khẳng định: “Nếu Thủ tướng bảo dừng, không chấp thuận thì chúng tôi sẽ chấp nhận dừng”.
Sáng 8/11, Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã tổ chức họp báo tại Hà Nội, công bố thông tin hai dự án thủy điện đang gây nhiều tranh cãi là Đồng Nai 6 (135MW) và Đồng Nai 6A (106MW).
Chủ đầu tư kêu oan
Chia sẻ với báo chí, ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đức Long Gia Lai, chủ đầu tư hai dự án cho biết, Tập đoàn đã đăng ký làm việc với tỉnh Đồng Nai, đã mời Đoàn ĐBQH và lãnh đạo tỉnh đến trực tiếp khu vực dự án, xem xét cân nhắc thật kỹ coi dự án có ảnh hưởng gì không, có tác động gì để chia sẻ với chủ đầu tư, để chúng tôi còn tiếp tục thực hiện”.
Trước những phân tích về mặt tiêu cực của dự án vừa qua trên báo chí, ông Bùi Pháp lại cho rằng, đó là thông tin chưa chính xác.
“Vì thế, rất tội, rất cực cho DN hơn 6 năm trời chuẩn bị công tác đầu tư, liên tục đưa ra giải pháp để giảm thiểu nhất về môi trường, tiếng ồn, đướng sá. Giờ, chúng tôi không biết đi đâu về đâu. Dự án có 4 năm xây dựng, đã mất 1 năm chuẩn bị, còn 3 năm thôi. Chúng tôi rất khó khăn, không biết kêu ai”, ông Pháp ấm ức.
Ông Bùi Pháp - Đại diện chủ đầu tư. (Ảnh PH) |
Chưa hết, ông còn cho biết vì hệ lụy từ thông tin nên: “Thời gian gần đây, cổ phiếu Tập đoàn đã đi xuống, ngân hàng không cho vay tiền, các cổ đông liên tục gọi điện hỏi, chất vấn. Vì dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm trong chiến lược phát triển của Tập đoàn”
Mới đây, hôm 31/10, tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định không đầu tư hai dự án. Theo tỉnh, dự án nằm trong vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới - Vườn Quốc gia Cát Tiên, là khu trọng yếu có ảnh hưởng rất lớn đề đa dạng sinh học của Vườn. Đặc biệt, khu vườn này lại đang trong quá trình được UNESSCO thẩm định, xem xét công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
“Chúng tôi mong được đối chất với các báo đài… Có gì thắc mắc, chúng tôi sẽ cam kết trả lời thích đáng, để báo chí tiếp tục thông tin đúng, nếu đúng chúng tôi cầu thị, tiếp thu, nhưng nếu không đúng thì cực cho DN, nhất là trong lúc đang khó khăn”, ông Bùi Pháp nhấn mạnh.
Không ảnh hưởng ngiêm trọng đến môi trường
Quay trở lại chủ đề chính của cuộc họp báo, ông Bùi Pháp khẳng định, dự án không ảnh hưởng nhiều tới môi trường: “Tất cả những bản báo cáo đánh giá tác động môi trường mà chúng tôi đã ký, đã gửi Bộ Tài nguyên Môi trường hoàn toàn không có sự sao chép”.
Thay mặt cho đơn vị lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, PGS.TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và tài nguyên, Đại học Quốc gia TP HCM chỉ ra một loạt ưu điểm của hai dự án này.
Theo ông, so với phương án trong quy hoạch năm 2002, dự án đã được giảm thiểu mọi tác động tới môi trường.
Cụ thể, tổng diện tích chiếm đất của hai dự án chỉ còn 372,23ha, giảm 1.581,77 ha. Trong đó, diện tích chiếm đất rừng thuộc khu Cát Lộc, Vườn Quốc gia Cát Tiên là 136,98 ha, giảm 595,02ha, diện tích chiếm rừng phòng hộ cũng chỉ còn 235,25ha (rừng phòng hộ Nam Cát Tiên, rừng phòng hộ Đồng Nai và Lộc Bắc ), giảm 986,77 ha so với phương án quy hoạch cũ.
Rừng Cát Tiên - nơi xây dựng hai thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. |
Minh chứng cho điều này, ông Phước đã khẳng định: “Phần lớn, hơn 136ha rừng bị mất là rừng nghèo. Hơn nữa, diện tích chiếm rừng lớn nhất là Đồng Nai 2,3,4,5 thì không có ý kiến mà ở Đồng Nai 6, 6A, chiếm ít nhất lại có ý kiến”.
Theo kết quả kiểm kê diện tích rừng bị ảnh hưởng của dự án thì chỉ có 1,16% diện tích (4,32ha) là rừng giàu, 6,6% là rừng trung bình. Còn lại, tới 80,52% (299,1ha) là rừng nghèo, rừng hỗn giao, lồ ô, tre nữa. Ngoài ra, có 6,36% diện tích tương ứng 23,68ha là đất có gỗ và không có gỗ tái sinh, cây rừng phân tán, 3,84% tương ứng 14,31ha là đất trống cây bụi, 5,66ha (1,52%) là ruộng rẫy, đường mòn, khe suối.
Thậm chí, Viện này đánh giá, với 262,85 ha phần đất bị ngập do làm dự án tăng cường thêm độ ẩm, mực nước ngầm cho khu vực xung quanh, góp phần làm tăng sự phong phú hệ sinh thái trong khu vực.
Ông Phước cũng khẳng định, hai dự án không có tác động đáng kể tới dòng chảy sông Đồng Nai và không ảnh hưởng khu ngập nước Bàu Sáu . Trong 18 dự án thủy điện được thống kế ở miền Bắc, miền Trung hiện nay, hai công trình thủy điện này có hồ chứa nhỏ nhất. Tỷ lệ diện tích mặt hồ trên 1MW nhỏ hơn gần 10 lần tỷ lệ trung bình và nhỏ hơn 37 lần so với tỷ lệ của thủy điện Trị An (400MW), đồng nghĩa đã giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến môi trường.
Bên cạnh đó, phạm vi chiếm đất của dự án không có dân cư và đất nông nghiệp, nên không phải đền bù tái định cư, do vậy, không làm xáo trộn cuộc sống, văn hóa của người dân khu vực dự án.
100% ý kiến dân đồng ý triển khai?
Gây bất ngờ nhất trong họp báo là đại diện Viện Môi trường- Tài Nguyên đã khẳng định, 100% ý kiến người dân khu vực dự án đồng tình triển khai dự án.
Thế nhưng trước đó, theo ghi nhận của báo chí, đã có tới 4.000 chữ ký kiến nghị dừng dự án, hàng loạt tỉnh như Bình Phước, Lâm Đồng đã không ủng hộ dự án. Đặc biệt, mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường cũng đã trả lời báo chí nói rằng trong điều kiện hiện nay, sẽ không thể triển khai hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A.
Trước luồng ý kiến này, TS Phước vẫn bảo vệ quan điểm: “4.000 ý kiến lấy trên web nên không chính thức. Còn ở đây, chúng tôi lấy ý kiến là có xác nhận, là ý kiến chính thức”.
Theo ông, đó là kết quả dựa trên việc khảo sát lấy ý kiến qua phiếu của 137 người dân, 81 hộ, có ý kiến chính quyền 6 xã… là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dự án. Chúng tôi cam đoan phiếu thu thập ý kiến đó, và có ý kiến chính quyền 6 xã có chữ ký, dấu hẳn hoi là ý kiến thực sự của họ”.
Tuy nhiên, trước dư luận cũng các ý kiến về việc cân nhắc của các nhà khoa học trong thời gian qua, ông Bùi Pháp cho biết: “Những việc góp ý, chúng tôi sẽ tiếp thu. Nếu đúng dự án có vấn đề thì việc dừng là do Thủ tướng quyết. Nếu Thủ tướng bảo dừng, không chấp thuận thì chúng tôi sẽ dừng”.
Theo báo cáo đầu tư và dự án đầu tư năm 2009, thủy điện Đồng Nai 6 và
thủy điện Đồng Nai nằm ở vị trí trung lưu dòng chính sông Đồng Nai và là
rìa phía Bắc của khu Cát Lộc- Vườn Quốc gia Cát Tiên. Hai dự án không
nằm trên địa phận tỉnh Đồng Nai mà cách khu vực Bàu Sấu ở khu rừng cấm
Nam Cát Tiên của Vườn Quốc gia Cát Tiên (thuộc huyện Tân Phú, tỉnh Đồng
Nai) tới 30km. Theo đường sông, thủy điện Đồng Nai 6 cách Bàu Sấu 60km,
Đồng Nai 6A cách 50km. Rừng cấm này cách 70km rừng phòng hộ Nam Cát
Tiên, huyện Đăk R lấp, tỉnh Đăk Nông. |
Phạm Huyền