Những vụ sáp nhập, thâu tóm ngân hàng đang khiến cho vị thế của nhiều đại gia thay đổi. Nhiều gương mặt vốn sáng chói một thời bất ngờ vụt tắt, tiền sụt giảm, trong khi có những người mới với túi tiền nhiều lên trông thấy khi sở hữu lượng cổ phiếu ngân hàng tăng lên.

Những ngôi sao một thời

Chiều 5/11, HĐQT Ngân hàng Sacombank đã họp và thống nhất thông qua nguyện vọng xin từ nhiệm của ông Đặng Văn Thành. Diễn biến khá nhanh nói trên cùng với việc ông Thành giờ chỉ còn nắm giữ gần 4% cổ phần Sacombank cho thấy vị thế của người sáng lập và dẫn dắt ngân hàng cổ phần hàng đầu tại Việt Nam đã thay đổi hoàn toàn.

Từ một người dẫn đầu có ảnh hưởng rất lớn, giờ đây người đàn ông gắn liền với nhiều thành công rực rỡ này chỉ còn là một cổ đông, một cổ đông thuần túy tại Sacombank.

“Cái bóng của anh Thành rất lớn” như lời của vụ Chủ tịch mới Phạm Hữu Phú, giờ có lẽ đúng, chỉ còn là cái bóng. Mặc dù tiền có thể được rút ra đầu tư vào các lĩnh vực khác, nhưng giá trị tài sản đứng tên ông Thành trên sàn chứng khoán tập trung không còn nhiều như trước đó, chỉ còn lại khoảng 800 tỷ đồng giá trị cổ phiếu và không còn thuộc tốp 10 người giàu nhất trên TTCK.

Cú “ngã ngựa” của đại gia Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch HĐQT, Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu sau những tin đồn rùm beng liên quan tới thâu tóm cũng khiến nhiều nhà đầu tư giật mình về số tiền thực của một số ông trùm.

Sự nổi tiếng của bầu Kiên với tên tuổi gắn liền với những ngân hàng, doanh nghiệp lớn, những đội bóng lớn, những chiếc xe hơi vào hạng nhất nhì miền Bắc… bỗng chốc sụp đổ và nhiều người tự hỏi không hiểu thực sự ‘ đại gia” này thực sự đã có bao nhiêu tiền? Và bước ngoặt cuộc đời liên quan tới vòng lao lý của ông sẽ khiến túi tiền của đại gia này còn lại bao nhiêu, và nằm ở đâu?

Cũng thất thế giống ông Thành, ông Nguyễn Văn Bảng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Habubank (HBB) trong cuộc họp báo công bố HBB sáp nhập vào Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) hồi đầu tháng 8 cho biết, sự việc là 1 bài học đối với Habubank và ông cũng như những người chèo lái con thuyền HBB phải chấp nhận sự thất bại để sáp nhập vào SHB.

Habubank từ một ngân hàng nổi danh tại Hà Nội với bề dày lịch sử 20 năm đã phải sáp nhập vào một ngân hàng có quy mô tương tự trong thế yếu hơn rất nhiều. Với tình trạng thua lỗ nặng nề, nợ xấu lớn và vốn chủ sở hữu gần như bị cụt, đại diện HBB đã không còn tiếng nói trong cuộc họp, có chăng chỉ là lời phát biểu chia sẻ sự nuối tiếc.

Một sự thật là cổ đông HBB mất tiền. Những cổ đông lớn, những người lãnh đạo của HBB cũng thua lỗ, thiệt hại đủ đường. Nó đi liền với túi tiền của chính họ.

Bên cạnh các ví dụ nêu trên, một vài trường hợp khác rất có thể sẽ phải tái cấu trúc, phải sáp nhập. Trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi cuối tháng 8, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, có ngân hàng vẫn báo lãi dù mất hết vốn.

Danh tính của các ngân hàng này cũng như các ông chủ của nó không được nêu cụ thể. Tuy nhiên, giới đầu tư trên thực tế cũng đã đoán già đoán non được những ngân hàng làm ăn bê bết tệ hại như vậy. Ông chủ của các ngân hàng này là ai? Bây giờ còn là ông chủ không và thực sự đã lao dốc như thế nào, nợ nần ra sao?… chắc thời gian sẽ trả lời.

Nhưng rõ ràng, có lẽ không ít đại gia mong được trở lại cái thời làm ăn ít tiền nhưng vững chắc xưa kia như ông Đặng Thành Tâm từng than thở về những khó khăn khi dính vào kinh doanh ngân hàng.

Gương mặt thay thế

Trái ngược với tình cảnh thất thế và túi tiền suy giảm, thậm chí sụt giảm vì nợ nần, vì thua lỗ do bất động sản, chứng khoán, vàng bạc… nhiều đại gia bất ngờ lộ diện với túi tiền rất rủng rỉnh. Họ mua gom cổ phiếu ngân hàng vào để nâng cao vị thế của mình.

Ông Đỗ Quang Hiển là một trường hợp như vậy. Chưa biết SHB mới có còn vướng mắc gì sau vụ sáp nhập SHB-HBB không, nhưng thực tế, điều mà các nhà đầu tư nhìn thấy là ông Hiển giờ là chủ tịch của một tổ chức tín dụng có quy mô lớn gấp đôi so với ban đầu, và được xếp vào hàng đầu trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam.

Danh tiếng của doanh nhân đi lên từ lĩnh vực điện tử, điện lạnh, sản xuất xe máy và kinh doanh điện thoại di động từ những năm 90 này trở nên vang lừng hơn bao giờ hết khi mà SHB với trên 8.000 tỷ đồng vốn điều lệ giờ nằm trong tay ông bầu này.

SHB đã nhanh chóng thu hồi được 1.000 tỷ đồng nợ xấu và đang tiếp tục khắc phục những hậu quả của HBB để lại, cũng như tái cấu trúc doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực phá sản Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco) của đại gia Diệu Hiền. Chỉ thế thôi, Bầu Hiển hẳn sẽ có vị trí đáng kể trong danh sách những người giàu nhất trên TTCK.

Một gương mặt gây bất ngờ lớn nhất trên thị trường tài chính trong năm 2012 có lẽ là đại gia Trầm Bê. Trong giới ngân hàng, vài năm gần đây nhiều người đã biết đến ông. Tuy nhiên, với người ngoài ngành và ngay cả trên TTCK thì đó vẫn là một cái tên xa lạ.

Đó là trước đây. Còn giờ đây, nhắc đến Trầm Bê, nhiều người có thể nghĩ ngay tới thương vụ thâu tóm Ngân hàng Sacombank. Tất nhiên, khó ai có thể biết đại gia gốc Trà Vinh này có tài sản là bao nhiêu. Và sau vụ “nhảy” vào mua cổ phần Sacombank, các nhà đầu tư mới biết được phần nào về khối của cải của ông.

Mặc dù ông không nắm nhiều cổ phần STB nhưng 3 người con của ông là Trầm Trọng Ngân, Trầm Khải Hòa và Trầm Thuyết Kiều đều đang sở hữu rất nhiều cổ phiếu này và nằm trong tốp 100 người giàu nhất trên TTCK (ông Ngân đang nắm giữ khoảng trên 900 tỷ giá trị cổ phiếu STB, ông Hòa khoảng 400 tỷ đồng).

Hiện ông Trầm Bê là Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank, Chủ tịch Bệnh viện Triều An, thành viên Công ty Đầu tư Xây dựng Bình Chánh. Tính tới đầu tháng 8/2012, ông còn nắm giữ hơn 33 triệu cổ phần Ngân hàng Phương Nam (tương đương trên 10%)…

Với sự xuất hiện đột ngột tại Sacombank cùng với hàng ngàn tỷ đồng giá trị cổ phiếu được các thành viên gia đình ông Trầm Bê nắm giữ, có thể thấy túi tiền của đại gia này rủng rỉnh tới mức độ nào. Sau thâu tóm, túi tiền của người đàn ông không muốn xuất hiện nhiều trước công chúng này đã được công khai đáng kể. Nó cho thấy ông đang giàu lên, trái ngược với tình trạng đi xuống của một số đại gia khác.

Ngoài Trầm Bê, một tên tuổi khác cũng đang nổi lên như cồn là ông Nguyễn Đăng Quang. Mặc dù tiếng tăm của ông gắn liền với sự phát triển như vũ bão của Masan, với vốn điều lệ hiện khoảng 7.000 tỷ đồng. Nhưng trên thực tế, ông còn là 1 đại gia trong lĩnh vực ngân hàng. Ông Quang hiện vẫn là Phó chủ tịch thứ nhất HĐQT Ngân hàng Techcombank..

Trong thời khủng khoảng - khi mà nền kinh tế có nhiều trục trặc, hoạt động không hiệu quả, sự đào thải doanh nghiệp. Khủng hoảng bao giờ cũng vậy, nó sẽ khiến nhiều người tuột dốc từ đỉnh vinh quang xuống tận bùn đen, nhưng cũng là cơ hội để nhiều người vươn lên cao hơn nữa. Tất nhiên, với những người đang vượt lên trên khủng hoảng, họ đáng được hưởng thành quả. Và thành quả này sẽ kéo dài nếu sự phát triển là căn cơ, ổn định.

Mạnh Hà