- Với lợi thế tiềm năng, tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây 2 từ Đà Nẵng xuyên qua Quảng Nam sang Lào và kết nối với các nước khu vực sẽ tuyến đường ngắn nhất dẫn đến thương cảng Đà Nẵng.
Mở cửa vùng tây đất Quảng
Không phải đến bây giờ chính quyền địa phương hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng mới đặt vấn đề khai thông cánh cửa kinh tế phía tây Quảng Nam xuyên qua các nước trong khu vực, mà cách đây hơn 10 năm, ý tưởng về con đường chiến lược phát triển kinh tế đã được khai thông.
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, bây giờ là Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cách đây hơn 10 năm đã cũng lãnh đạo tỉnh quyết tâm khai thông cảnh cửa phía tây của tỉnh bằng việc mở cửa khẩu quốc tế Đắk-Ốc tại xã La Dê, huyện Nam Giang, Quảng Nam.
Ngày đó, ông Phúc nói rằng tuyến đường từ Đà Nẵng kết nối đường Hồ Chí Minh qua quốc lộ 14 D vừa mới xây dựng lên cửa khẩu Đắk-Ốc và xuyên qua Sê Kông (Lào) để kết nối các nước trong khu vực là tuyến hành lang kinh tế Đông Tây thứ 2 ngắn nhất mà Quảng Nam quyết tâm đầu tư xây dựng để khai phóng tiềm năng kinh tế phía tây của tỉnh.
Bắt đầu từ ý tưởng con đường xuyên Á thứ 2, chính quyền địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng quyết tâm đầu tư xây dựng bằng nhiều nguồn vốn. Ngay sau khi hai tuyến quốc lộ 14 B và 14 D hoàn thành, cửa khẩu quốc tế Đắk-Ốc đã được khai thông và khu kinh tế cửa khẩu cũng đã được chính quyền địa phương Quảng Nam đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Tuyến đường lên biên giới Nam Giang, Quảng Nam đã được đầu tư xây dựng cách đây hơn 10 năm. |
Để khai thông toàn tuyến kinh tế đông tây này, chính quyền Quảng Nam nhiều năm qua đã hợp tác với Sêkông (Lào) để bàn tính đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ cửa khẩu Đắk-Ốc nối thủ phủ Sêkông dài hơn 123km bằng cách kêu gọi đầu tư từ nhiều nguồn. Trong đó, có cả vốn ODA của Quảng Nam giúp Lào xây dựng. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho 123 km này vẫn ách tắc vì cơ chế.
Tuyến đường này sẽ kết nối vùng cao nguyên Boloven (Lào) qua Chongmek - Nakhon - Bangkok (Thái Lan), mà theo các nhà kinh tế, sẽ ngắn hơn tuyến hành lang kinh tế Đông Tây qua cửa khẩu Lao Bảo hơn 250 km.
Khát vọng từ hành lang kinh tế Đông - Tây 2
Để biến khát vọng thành hiện thực trong chiến lược phát triển kinh tế từ phía tây làm động lực phát triển kinh tế khu vực miền Trung nói riêng và Đà Nẵng nói chung, tuyến đường bộ xuyên các nước khu vực Đông Nam Á từ Đà Nẵng qua Quảng Nam sang Lào và các nước trong khu vực đã được các nhà kinh tế hoạch định với tên gọi: Tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây 2
Tham vọng của các bên là biến tuyến hành lang kinh tế thứ 2 thành cánh cửa giao thương, nhưng suốt hơn 10 năm qua vẫn chưa được khai phóng vì thiếu nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng.
Để mở toang cảnh cửa phía Tây này, chính quyền TP. Đà Nẵng vừa có văn bản đệ trình lên Bộ Kế hoạch và đầu tư xin trợ giúp vốn từ việc vận động Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ vốn.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho biết, sau nhiều ngày chờ đợi, UBND TP. Đà Nẵng đã nhận được công văn hồi đáp của Bộ Kế hoạch - Đầu tư về những đề nghị của Đà Nẵng. Hiện ADB đang xem xét kiến nghị này để quyết định có đầu tư hay không. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế nhận xét, với quyết tâm của chính quyền địa phương, cùng với cơ sở hạ tầng ban đầu đã được đầu tư cơ bản cũng như các thủ tục hành chính cơ bản đã được khai thông, khả năng chắc chắn là ADB sẽ tài trợ phần còn lại của dự án.
Hiện tuyến đường trong lộ trình hành lang kinh tế Đông - Tây 2 (EWEC2) đã được đầu tư xây dựng cơ bản. Chỉ còn khoảng 123km từ cửa khẩu Đăk-Ốc đến Sêkông chưa được thảm nhựa và 76,6km QL14D (từ Bến Giằng đến cửa khẩu Đăk-Ốc thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam) cần được nâng cấp, cải tạo mở rộng làn đường. Các phân khu chức năng, như khu kinh tế cửa khẩu Đắk-Ốc, đã được xây dựng và qui hoạch cụ thể làm nền tảng cho chiến lược phát triển kinh tế phía Tây.
Nếu được Chính phủ chấp thuận và ADB tài trợ vốn, dự án EWEC 2 dự kiến thực hiện từ năm 2013-2016 trên địa bàn hai tỉnh Quảng Nam (Việt Nam) và Sêkông (Lào) với tổng vốn dự kiến khoảng 320 triệu USD được vận động tài trợ từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của ADB. Chi phí giải toả, đền bù để thực hiện dự án sẽ do ngân sách địa phương có tuyến hành lang EWEC2 đi qua đóng góp cũng đã được chính quyền hai tỉnh thống nhất.
Ông Văn Hữu Chiến khẳng định, tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây nối từ cảng Đà Nẵng qua cửa khẩu Đăk-Ốc (Quảng Nam) sang cao nguyên Boloven (Lào) đến Băngkok (Thái Lan) có vị trí rất thuận lợi và rất quan trọng làm đòn bẩy trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực nói chung và miền Trung Việt Nam nói riêng.
Vũ Trung