Người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp Nhật Bản đang thắt chặt hầu bao trước triển vọng ảm đạm của nền kinh tế. Điều này càng làm cho kế hoạch ngăn chặn nguy cơ suy thoái của thủ tướng Yoshihiko Noda trở nên khó khăn hơn rất nhiều.


Cắt giảm chi tiêu

Theo số liệu của ngân hàng trung ương BOJ, các gia đình Nhật Bản đang nắm giữ lượng tiền mặt ở mức cao nhất kể từ năm 2005. Báo cáo của Văn phòng Nội các hôm thứ Hai vừa qua chỉ ra rằng, tiêu dùng cá nhân - lượng chiếm đến gần 60% cả nền kinh tế - đã giảm 0,5% trong quý thứ III và góp phần khiến GDP nước này giảm đến 3,5% trong quý tài chính vừa qua.

Tình trạng bất ổn trong hoạt động tiêu dùng cho thấy, chính phủ đang phải đối mặt với những thử thách rất lớn để vực dậy đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này. Bên cạnh nỗ lực hàn gắn lại mối quan hệ với Trung Quốc để củng cố xuất khẩu, thủ tướng cần phải đưa ra những biện pháp kích thích tiêu dùng ngay tại thị trường trong nước.

Chỉ số niềm tin tháng 10 về triển vọng kinh tế ba tháng tới đang ở mức thấp nhất kể từ sau thảm họa động đất hồi năm ngoái khi chỉ đạt 41,7 điểm. Thêm vào đó, kế hoạch cắt trợ cấp kinh doanh xe hơi và tăng thuế mua hàng để cải thiện ngân sách chính phủ cũng đang khiến cho người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp thêm bi quan và lo lắng.

Theo số liệu của văn phòng Nội các, tiêu dùng quý thứ III vừa qua đã giảm 1,8%/ năm sau khi giảm 0,4% vào quý trước. Đây là lần sụt giảm liên tiếp đầu tiên kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ngày 26/10 vừa qua, chính phủ đã công bố gói kích thích tăng trưởng trị giá 9 tỷ USD với mong muốn có thể đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng ảm đạm hiện nay. Tuy nhiên, có lẽ chừng đó vẫn còn chưa đủ bởi thực tế thì sự èo ọt trong tiêu dùng cũng như sản xuất vẫn đang tiếp diễn. “Chính phủ không có nhiều công cụ để cải thiện tình hình kinh tế vì nhiệm kỳ của họ không còn nhiều. Thâm hụt ngân sách quá lớn trong khi những bất đồng chính trị khiến cho các bên khó khăn trong việc đàm phán và đưa ra quyết định cho các giải pháp”, ông Hiroaki Muto, chuyên gia phân tích tại tổ chức quản lý tài sản Sumitomo Mitsui tại Tokyo cho biết.


Tâm lý bi quan của người dân cũng có thể được cảm nhận thông qua thị trường đầu tư. Theo dữ liệu của ngân hàng trung ương nước này thì tỷ lệ các loại chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu trong tổng tài sản hộ gia đình Nhật Bản đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2005.

“Mọi người không có động lực cũng như niềm tin để mạo hiểm trong các quyết định đầu tư. Họ chỉ gửi tiền vào ngân hàng và rằng trong thời gian tới họ cũng chưa thể dịch chuyển sang hoạt động đầu tư chứng khoán” ông Masamichi Adachi, chuyên gia kinh tế cấp cao tại JPMorgan Securities Japan tại Tokyo cho biết.

DN không dám đầu tư

Trong khi đó, các công ty thì đang tăng cường cắt giảm chi phí để đối phó với tình trạng sụt giảm lợi nhuận. Giải pháp được đưa ra là giảm lương và sa thải nhân viên.

Tập đoàn điện tử Renesas - nhà sản xuất bộ vi điều khiển lớn nhất thế giới - dự kiến cắt giảm hàng ngàn lao động. Trong khi đó, Sharp, Panasonic và Sony đã công bố khoản lỗ kỷ lục vào năm ngoái và cũng đang tiến hành giảm số lượng nhân viên cũng như dây chuyền sản xuất để cải thiện tình hình.

Khó khăn, doanh nghiệp tìm kiếm mọi giải pháp nhằm hạn chế các khoản chi. Tiêu dùng vốn giảm 3,2%, mức thấp nhất kể từ quý II năm 2009 khi mà các công ty ngày càng tỏ ra bi quan trước triển vọng tăng trưởng tại cả thị trường trong và ngoài nước.

Cụ thể số lượng đơn hàng thiết bị máy móc tháng 9 - một chỉ số cho tiêu dùng vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp cũng giảm mạnh nhất kể từ sau thảm họa động đất.

Trong khu vực sản xuất hàng điện tử ốm yếu của Nhật Bản hiện nay, tập đoàn Sony dự định giảm 29% chi tiêu vốn cho đến năm tháng 3/2013. Mức cắt giảm của Panasonic là 27% sau khi chứng kiến khoản lỗ khủng trong lĩnh vực sản xuất Tivi.

Trong khi đó, các công ty này cũng đang phải khó khăn vật lộn để cạnh tranh với các đối thủ đáng gờm như Samsung, Apple. Ngoài ra sự tăng giá của đồng tiền Yên đã khiến cho hoạt động xuất khẩu trở nên khó khăn và đắt đỏ.

Cũng theo số liệu của chính phủ, sản lượng xuất khẩu giảm 10,3% trong tháng 9 trong khi xuất khẩu ròng thì giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 quý gần đây. Tính trong cả quý thứ III, xuất khẩu của Nhật Bản giảm 5,0%, mức giảm lớn nhất kể từ quý thứ II năm ngoái. Động thái tẩy chay hàng hóa Nhật Bản của người tiêu dùng Trung Quốc đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến các nhà xuất khẩu đặc biệt là các hãng sản xuất xe hơi trong đó có Nissan.

Các nhà phân tích cho rằng, giới doanh nghiệp Nhật Bản đang phải đối mặt với rất nhiều bất ổn nên họ khó có thể lạc quan để đưa ra các quyết định chi tiêu. Và tình hình này còn kéo dài và chưa thể sớm thay đổi.

HungNinh (Theo Bloomberg, Guardian)