- Lo sợ thực phẩm "bẩn" lọt vào bữa cơm gia đình, không ít bà nội trợ thành phố rỉ tai, đua nhau săn tìm các nguồn thực phẩm quê để đảm bảo bữa ăn "sạch" cho gia đình.

Bất an với thực phẩm bẩn, độc hại

"Bây giờ đi chợ, nhìn rau, củ cái gì cũng xanh mơn mởn, bằng mắt thường khó mà phân biệt được thực phẩm nào ướp, phun thuốc hay bảo quản bằng chất cấm nào đó. Tôi cũng cảnh giác không mua các loại rau, củ, quả trái mùa vì đấy toàn hàng nhập về vậy mà vẫn thấy lo" - chị Hoàng Tâm (Nhân Mỹ, Mỹ Đình, Từ Liêm), bất an.

Tâm lý lo sợ, e dè với các thực phẩm được bày bán tại chợ không chỉ là của riêng chị Tâm mà là nỗi lo lắng chung của nhiều bà nội trợ. Bác Ngọc Bích (khu tập thể Phương Mai, Đống Đa), cho biết: "Hôm trước nhà tôi vừa đổ nguyên một nồi thịt đi, không thể ăn được vì sau khi đun lên thấy nồng nặc mùi giống như mùi thuốc kháng sinh. Có lẽ do tôi không cẩn thận đã mua phải thịt con lợn ốm mà không biết. Sau lần đó, nhà tôi sợ thịt suốt một thời gian không dám ăn, cũng không dám mua mà chuyển sang ăn đậu, cá, tôm".

Đáng lo ngại hơn là không chỉ rau, củ, quả nhập khẩu từ Trung Quốc mới chứa các chất độc hại mà gần đây, nhiều loại thực phẩm sản xuất trong nước cũng bị phát hiện chứa hoá chất vượt mức cho phép, khiến người dân hoang mang hơn.

Chị Nga ở phố Vĩnh Hồ, Ngã Tư Sở chia sẻ: "Trước kia nhà tôi hay ăn măng khô, nhất là vào dịp Tết, tôi hay nhờ mua loại ngon, mua nhiều để dự trữ và biếu ông bà ăn nữa. Thế nhưng đợt này, đọc báo thấy nói măng chứa lưu huỳnh nên tôi thấy không yên tâm. Năm nay chắc chẳng có nhu cầu mua nhiều măng nữa mà".

Chị Nga kể, vì bận việc nên chị ít có thời gian vào bếp nấu nướng, cứ đi làm về là tạt qua chợ mua đồ ăn sẵn. Bây giờ, thì thói quen ấy thay đổi hẳn vì chị không yên tâm mua thực phẩm đó. "Ngay cả bây giờ, có mua gà, tôi cũng mua gà sống, nhờ người ta làm lông ngay tại chỗ rồi đem về nhà chế biến. Phải nhìn tận mắt các công đoạn làm mới đảm bảo mình mua được thực phẩm sạch".

Rủ nhau mua thực phẩm quê

Trước "ma trận" thực phẩm bẩn bủa vây, nhiều bà nội trợ đã rỉ tai, bày cách để săn tìm các nguồn thực phẩm quê như rau vườn, cá đồng, trứng gà ta... để đảm bảo bữa ăn "sạch" cho các thành viên trong gia đình.

Chị Nguyệt ở Khương Trung, Ngã Tư Sở vì đang chăm con nhỏ nên lúc nào cũng rất cần nguồn thực phẩm sạch. Nhà chật, chị chẳng thể tận dụng được chỗ nào để trồng rau vào hộp xốp như mọi người bày nên cách duy nhất là nhờ bố mẹ ở quê cung cấp nguồn rau sạch hàng tuần.

"Cứ một tuần một lần, chồng mình ra bến xe nhận hàng các cụ ở quê gửi lên. Từ rau xanh đến quả chanh, củ tỏi chẳng thiếu thứ gì cả. Tuy nhiên rau củ không được phong phú như ngoài chợ trên này bởi ở quê mùa nào thức ấy không có các loại rau, quả trái mùa",chị Nguyệt nói. Không phong phú nhưng chị yên tâm về chất lượng.

Chị Nguyệt cũng tâm sự, lâu nay gia đình chị đã tẩy chay không ăn hoa quả Trung Quốc, nhất là táo, lựu, lê... vì sợ bị ngâm hóa chất. Chị cho biết: "Hoa quả bây giờ gia đình thường ăn là chuối, bưởi, ổi hay đu đủ là những thứ dân mình tự trồng, ăn vừa lành lại chứa nhiều vitamin. Thi thoảng các cụ ở quê trồng được quả gì trong vườn là đóng gói gửi lên chất đầy tủ lạnh để con cháu ăn dần, hiếm hoi lắm mới phải đặt chân ra chợ."

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có bố mẹ ở quê thường xuyên cung cấp sẵn thực phẩm sạch, nhiều chị em, nhất là giới văn phòng thường mách nhau những địa chỉ tin cậy để tìm mua hàng quê chất lượng.

Chị Ngân - nhân viên FPT Cầu Giấy, cho biết, ở trên mạng nội bộ của công ty chị có hẳn một mục bày bán các sản phẩm của nhân viên công ty. Trước đây, đó chỉ là nơi mọi người quảng cáo, bán đặc sản của quê mình và chỉ nhộn nhịp mỗi dịp Tết, những lúc như thế mọi người mới đặt hàng đông bởi tâm lí mua đồ lạ về làm quà.

Thế nhưng, từ ngày thấy nhu cầu dùng thực phẩm quê, sạch tăng cao một số người đã nhanh tay kiếm thêm được nghề tay trái. Không cứ là đặc sản vùng miền mà có thêm nhiều loại thực phẩm thường ngày. Chị kể, lên các gian hàng online của công ty chẳng thiếu thứ gì, từ rau, hoa quả, gạo, gà, giò, bánh đa, miến... đều từ nguồn hàng ở quê gửi lên, ai có nhu cầu chỉ cần đặt trước là có hàng đảm bảo mang đến tận phòng.

Có truờng hợp, chị em văn phòng khi tìm được những cửa hàng bán rau sạch, hay nguồn cung cấp thực phẩm quê trên các diễn đàn là mách nhau đặt hàng để được giảm tiền vận chuyển tới tận nơi. Mỗi khi có ai về quê chơi có khi còn được gửi gắm nhờ mua hộ ít rau sạch.

"Có lần, chị trong cơ quan mình về quê mang rất nhiều bao ngọn su su, bí xanh  lên, nhìn ngon mắt thế là lần sau thấy chị ấy về là mình lại gửi mua giùm một ít mang lên dùng dần", chị Thủy, nhân viên công ty truyền thông ở Láng Hạ, chia sẻ.

Nhiều bà nội trợ để mua được thực phẩm quê còn chịu khó dậy sớm đi đến các chợ đầu mối tìm mua hàng của những người bán hàng rong, xe thồ. Đây là những mặt hàng mà người dân ở dưới quê trồng, đến mùa thu hoạch mới đem lên bán nên nhiều bà nội trợ tin tưởng vào chất lượng.

"Nhìn bằng mắt đã thấy những sản phẩm này khác hẳn so với các rau, quả bày bán ở chợ thông thường. Tuy không được mượt và non nhưng là đồ không phun thuốc, có hôm đi sớm tôi còn mua được những mớ tép, mớ cá rô đồng mà họ mới bắt được, có bán đắt hơn một tí thì vẫn cố mua." - bác Hà ở ngõ 322/22/28 đường Mỹ Đình, Từ Liêm, người thường xuyên dậy sớm đi chợ Mỹ Đình, cho biết.

Chưa thể khẳng định được thực phẩm quê hoàn toàn là sạch và an toàn, tuy nhiên trước tình trạng thực phẩm bẩn, nhiễm độc tràn làn thì việc lựa chọn các nguồn thực phẩm quê là lựa chọn tin cậy mà nhiều bà nội trợ ưa chuộng với hy vọng đảm bảo an toàn cho bữa cơm gia đình.

Bảo Hân