- 63% số doanh nghiệp nói các khoản chi không chính thức đã tạo cơ chế "bất thành văn" để giải quyết chóng vánh công việc. Lý do: công chức đã cố tình gây khó dễ cho DN.
Sáng nay, 20/11, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đã phối hợp tổ chức họp báo công bố kết quả khảo sát xã hội học về tham nhũng từ góc nhìn người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức.
Cuộc khảo sát thực hiện từ tháng 2-4/2012 trên 2.601 người dân, 1.058 doanh nghiệp thuộc 10 tỉnh (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Huế, Nghệ An, Đồng Tháp, Hải Dương, Sơn La) và 1.801 cán bộ công chức ở 5 bộ (GTVT, Công Thương, Tài chính, Tài nguyên - Môi trường và Xây dựng).
Lót đường bằng tiền và quà biếu
Tiền và quà biếu đã trở thành phương tiện khá thông dụng để các DN, người dân khơi thông công việc của mình trong các giao dịch với công chức.
Theo cơ quan thanh tra, người dân, DN đều phàn nàn, vì các bộ công chức cố tình gây khó dễ cho họ trong nhiều giao dịch cho nên, họ buộc phải móc hầu bao hối lộ để giải quyết vấn đề, hoặc củng cố các mối quan hệ bằng việc biếu xén quà, tiền nhân dịp lễ... Đó là động cơ phổ biến nhất khiến doanh nghiệp, người dân đưa hối lộ.
Khi các vấn đề vẫn khó giải quyết, cán bộ công chức càng có động cơ để ép DN tiếp tục "vòng xoáy" này.
Cụ thể hơn, trong mối quan hệ trên, cơ quan thanh tra phát hiện, có
tới 63% doanh nghiệp cho rằng cán bộ công chức cố tình dây dưa và 29%
người dân cho biết lý do đưa hối lộ cũng là vì công việc bị cố tình dây
dưa như vậy.
Về phía cán bộ công chức, cũng có khoảng 22% số này đã chứng kiến các đồng nghiệp của mình cố tình trì hoãn công việc để đòi hối lộ.
Điều tra kỹ thêm về các mục đích hối lộ, cơ quan thanh tra cũng khẳng định, có 37% người dân khi gặp khó khăn là đưa tiền ngay lập tức để giải quyết công việc và 59% doanh nghiệp nói rằng, đôi khi khó khăn, họ mới xử lý bằng cách đưa tiền hoặc biếu quà.
Kết quả là, một cơ chế "bất thành văn" là phải trả các khoản không chính thức để giải quyết chóng vánh công việc đã được hình thành. 63% doanh nghiệp và 53% người dân đã xác nhận như vậy.
Thật lo ngại hơn khi các hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện hơn. Nếu như năm 2005, chỉ có 56% doanh nghiệp và 25% người dân cho biết cán bộ công chức cố tình gây khó khăn cho họ thì tới năm 2012, số người dân than phiền có giảm, chỉ còn 18% nhưng số doanh nghiệp vẫn phàn nàn chuyện bị gây ách tắc trong công việc bởi công chức lại tăng lên, tới 67%.
Kinh doanh tồi tệ hơn khi đưa hối lộ
Thanh tra Chính phủ cho biết, nhìn vào số liệu trên thì thấy, hối lộ có tác dụng vì hầu hết, vấn đề của người dân, doanh nghiệp đã được giải quyết phần nào. Đáng chú ý là, người dân cho biết họ chủ động đưa hối lộ. Song, khi hỏi kỹ thêm, vì sao họ lại làm vậy thì đã số câu trả lời thường là, họ cũng thấy người khác làm vậy, hay đơn giản, đó chỉ là một món quà cảm ơn. Như vậy tốt hơn là họ phải tiếp tục giải quyết những thủ tục phức tạp.
Đối với các doanh nghiệp, lý do cũng tương tự. Dù các đối tượng này đều thừa nhận, các khoản chi phí không chính thức là rất tốn kém. Tuy nhiên, điều đáng nói là DN nào nhanh chóng hối lộ thì thực tế, kết quả kinh doanh lại tồi tệ hơn. Thậm chí, nhiều DN vẫn sai lầm nghĩ rằng, những khoản hối lộ sẽ được bù trừ lại.
Một câu hỏi đặt ra là, liệu hối lộ có làm cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn không? Câu trả lời là không.
Kết quả khảo sát cho thấy, khi không đưa hối lộ trong 1 năm thì kết quả kinh doanh của DN tốt hơn 0,13, nhưng nếu đưa hối lộ thì kết quả kinh doanh chỉ "tốt" hơn 0,03. Nói cách khác, kinh doanh hiệu quả hơn khi DN không hối lộ. Họ đã tìm phương án khác thay thế hối lộ để kinh doanh tốt hơn.
Chia sẻ tại cuộc họp báo, bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, nói: "Hệ thống tham nhũng được nuôi dưỡng bằng cả cầu và cung, trong một vòng tròn luẩn quẩn của các vấn đề quan liêu và các khoản chi không chính thức, bị đòi hỏi, chào mới để giải quyết vấn đề. Thông thường, các khoản tiền này bắt nguồn từ phía cung".
"Tuy nhiên, đây không phải là đổ lỗi hoặc buội tội ai mà quan trọng là từ sự thật của vấn đề, chúng ta cần đưa ra giải pháp sáng tạo hơn. Khi tham nhũng bắt đầu ở phía cung thì cần phải thay đổi thái độ của xã hội tốt hơn. DN và người dân cần hiểu, họ có lựa chọn khác ngoài hối lộ. Thực tế chứng minh, các DN chọn giải pháp thay thế hối lộ đã hoạt động tốt hơn", bà Kwa Kwa nhấn mạnh.
Cần chế tài cho sự thiếu minh bạch
Như bà Kwa Kwa bày tỏ, cuộc khảo sát hi vọng sẽ chiếu một tia sáng thực sự làm giảm tham nhũng.
Nhóm nghiên cứu đã khẳng định, báo chí đã đóng góp rất lớn trong việc chống tham nhũng, khi có hơn 80% cả DN và công chức cho rằng, báo chí phát hiện thạm nhũng trước cả khi cơ quan chức năng phát hiện. Hơn 85% số này khẳng định, áp lực từ báo chí đã giúp các vụ tham nhũng khỏi bị "chìm xuồng".
Cơ quan thanh tra cũng cho hay, những nơi minh bạch hơn, có cải cách hành chính thì sẽ ít có tham nhũng hơn, tỷ lệ từ 30- 40%.
Phá vỡ vòng luẩn quẩn "đưa hối lộ" giữa DN, người dân, công chức là khó, nhưng cơ quan thanh tra cho biết, các biện pháp phòng chống tham nhũng vẫn có thể đạt kết quả tốt.
Nhóm nghiên cứu khảo sát đã đưa ra 7 khuyến nghị để chữa trị căn bệnh này. Trong đó, khuyến nghị đầu tiên là cần xây dựng một cơ chế minh bạch thông tin thực sự, với chế tài giám sát chặt chẽ. Đáng chú ý, có tới 87% ý kiến cho rằng, cần ban hành Luật Tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, cần trao quyền cho báo chí tiếp cận dễ hàng hơn.
Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành có đưa ra những điều khoản về điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng nhưng lại bỏ ngỏ vấn đề thực thi, phòng ngừa tham nhũng. Thời gian qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã yêu cầu phải công khai, minh bạch nhưng lại thiếu chế tài.
Ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, bày tỏ: "Tham nhũng là vấn nạn không chỉ đối với Việt Nam mà rất nhiều quốc gia khác đang phải đối mặt. Mức độ, biểu hiện tham nhũng khác nhau và không phụ thuộc vào chế tộ chính trị hay trình độ phát triển".
Tuy nhiên, vị Phó Tổng thanh tra Chính phủ thừa nhận: "Ở Việt Nam, đây là vấn đề còn nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Những giải pháp phòng chống tham nhũng thời gian qua đã có phát huy hiệu quả nhưng chưa tạo sự chuyển biến rõ nét. Vì vậy, những ngày này, Quốc hội Việt Nam đã tích cực thảo luận Sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng ban hành năm 2005 để nâng cao hiệu quả chống tham nhũng thời gian tới".
Phạm Huyền