Không thể chịu đựng thêm những chiêu trò “ăn cắp” của một số DN gas, mới đây một đơn vị đã tiến hành mổ xẻ các bình gas bị làm giả để vạch trần chân tướng sự việc.
'Trò bẩn' nghề gas: Thảm họa khôn lường!
Gas khốn đốn vì hỗn loạn thật - giả
Giá gas tháng 11 sẽ tiếp tục tăng
Thận trọng với gas giá rẻ bất ngờ
Gas khốn đốn vì hỗn loạn thật - giả
Giá gas tháng 11 sẽ tiếp tục tăng
Thận trọng với gas giá rẻ bất ngờ
Càng ngày, sự méo mó của thị trường gas càng trở nên hiển hiện, sinh động hơn con số mang tính ước lượng “30% bình gas đang lưu hành là giả”. Sau sự ra đi của Shell Gas, gần 100 doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng dân dụng cũng đang thở dài bất lực trước những trò làm ăn “kẻ cắp” ngày càng trắng trợn của các đối thủ.
Trước sự chậm chạp một cách đáng ngạc nhiên của các cơ quan quản lý, thị trường này gần như bị thả nổi theo kiểu “ai liều mạng kẻ ấy tất thắng”. Đã có một vài vụ phát hiện sang chiết gas trái phép với quy mô cực lớn lên tới hàng nghìn bình, nhưng theo Hiệp hội gas VN, con số hàng nghìn bình chỉ là một phần quá nhỏ bé.
Trên một thị trường kinh doanh không thấy bóng dáng rõ rệt của nhà quản lý, các chiêu trò làm giả cũng dần biến tướng trở nên tinh vi hơn, và “đẳng cấp” gian dối cũng ngày một hoàn thiện hơn. Mới đây nhất và đáng sợ nhất chính là việc mài chỏm bình để xóa dấu vết nhãn hiệu dập nổi, đồng thời thay tai xách và sơn lại nhãn hiệu mới để đánh cắp vỏ bình của đơn vị khác.
Chỉ vì mức lợi nhuận khoảng 200.000 đồng/bình gas “ăn cắp” theo cách này, những đơn vị kinh doanh thiếu đứng đắn đã tung được hàng triệu “quả bom” vào các gia đình, bởi khi chỏm bình bị mài mỏng và không đạt chiều dày tối thiểu, thì nguy cơ nổ gas tăng lên nhiều lần vì khả năng chịu áp lực ở điểm bị mài là rất yếu.
Nhãn hiệu gốc in chìm ở mặt trong chỏm bình đã tố cáo hành vi gian dối của các DN “ăn cắp”, mài chỏm bình gas và sơn nhãn hiệu của mình lên bình của DN khác |
Nguy hại hơn, theo một số DN gas, các bình gas được làm giả này vẫn được cơ quan kiểm định chứng nhận, vô tình hoặc hữu ý hợp thức hóa cho hành vi gian dối và tiếp tay đưa các "quả bom gas" tới tay người tiêu dùng.
Quá bức xúc với hành vi nguy hại này, một số đơn vị đã tiến hành "mổ" các bình gas bị mài và làm giả, kết quả cho thấy tất cả các bình gas "đáng ngờ" đều có đặc điểm là nhãn dập nguyên bản ở mặt trong chỏm bình một đường, còn nhãn hiệu sơn ngoài thân và trên tay xách một nẻo. Tệ hơn, nhiều bình trong số này đều có số series kiểm định như các bình gas an toàn khác.
"Chúng tôi đang bị ăn cắp mỗi ngày bởi các chiêu trò của những đơn vị thiếu liêm sỉ. Không chỉ thiệt hại trực tiếp về kinh tế, suy giảm thị phần mà còn lo ngại cho thương hiệu của mình nếu nhãn gas của DN mình xuất hiện trên những chiếc bình sang chiết lậu hoặc bị mài mòn", một ông chủ DN gas lớn ở Hà Nội (đề nghị không nêu tên) cho biết.
Một bình gas "ăn cắp" bị mổ, kết quả cho thấy nhãn hiệu sơn ngoài và chữ dập bên trong chẳng liên quan gì nhau |
Vị này cũng đề nghị các cơ quan chức năng sớm làm rõ những hành vi gian dối ngày càng trắng trợn và công khai của các trạm nạp và đặc biệt là các công ty gas thiếu đứng đắn, bởi những hậu quả khôn lường mà cả người dùng lẫn các đơn vị chân chính đang phải gánh chịu. "Đến khi tai họa xảy ra với người tiêu dùng, hoặc thị trường gas bị người dân quay lưng thì các cơ quan chức năng vào cuộc cũng là quá muộn", vị này cho biết.
Trong khi các chiêu trò vi phạm pháp luật trắng trợn và đe dọa trực tiếp đến người tiêu dùng ở quy mô lớn vẫn chưa bị “sờ gáy”, người tiêu dùng không khỏi hoang mang trước câu chuyện thật giả của ngành gas. Theo lo ngại của phần lớn các DN, ngoài thiệt hại về kinh tế đang ngày một lớn của mỗi DN, nỗi lo lớn nhất là ngươi tiêu dùng quay lưng với ngành gas, lúc đó thì không riêng DN nào chịu thiệt.
Theo các DN, người tiêu dùng vẫn có cách phân biệt rõ ràng về các bình gas thiếu an toàn, vấn đề là ở chỗ họ thường không kiểm tra kỹ khi được lắp đặt hoặc thay thế bình.
Cụ thể, trên 4 bộ phận cơ bản của một bình gas (tay xách, chỏm trên, thân bình và đế bình) đều có thông tin để phân biệt. Trên tay xách có thể tìm thấy thông tin về năm sản xuất, nhãn hiệu, series kiểm định; chỏm trên bình cũng có nhãn hiệu dập nổi của công ty gas và thân bình có nhãn hiệu được phun bằng sơn. Đối với các bình gas chưa bị “chế tác”, các thông tin nói trên sẽ đồng nhất với nhau.
Các bình gas an toàn được sản xuất sau năm 2005 đều có nhãn hiệu hoặc chữ viết tắt dập nổi trên chỏm bình, đồng nhất với nhãn hiệu dập trên tay xách và sơn trên thân bình như trong ảnh minh họa trên. |
Cũng theo các đơn vị kinh doanh gas, từ 2005 đến nay tất cả các công ty gas có nhãn hiệu đều dập nổi nhãn hiệu của mình hoặc tên viết tắt lên chỏm bình. Do đó, người tiêu dùng có thể phát hiện bình gas giả bằng cách: xem trên tay xách, nếu năm sản xuất từ 2005 trở về sau nhưng trên chỏm bình không có chữ dập nổi hoặc chữ dập nổi một đằng, nhãn sơn trên thân bình một nẻo thì chắc chắn đó là bình gas đã bị mài chỏm, hoặc sang chiết lậu.
Tuy nhiên, người tiêu dùng lại phải bị ép làm nhà thông thái, trong khi những sự thật sờ sờ trước mắt mà các nhàn quản lý vẫn khoanh tay đứng nhìn quả là điều đáng tiếc, đáng buồn và… đáng ngờ.
Và câu chuyện của ngành gas chắc sẽ còn rất dài, khi các DN thú thật rằng với lượng bình gas thiếu an toàn, bị làm giả tung ra thị trường lên tới hàng triệu bình, việc thu hồi, hủy bỏ đã vượt quá sức của mỗi DN. Câu chuyện càng dài, mối họa với mỗi gia đình dùng gas sẽ lớn dần lên và chưa biết bao giờ thì cái thị trường đang nhốn nháo này phát nổ.
(Theo Dân trí)