Lương, thưởng Tết ngành ngân hàng được quan tâm, bởi không chỉ là thu nhập của người lao động mà còn phản ánh kết quả kinh doanh của họ.


Năm 2012 đang trôi qua quá nhanh, quá ngắn đối với các chỉ tiêu quá dài đặt ra đầu năm. Dự tính sơ bộ, năm nay có thể trên dưới 90% ngân hàng thương mại không thể hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu đại hội cổ đông giao, đặc biệt là chỉ tiêu lợi nhuận.

Muốn biết doanh nghiệp sống khỏe hay không, có lẽ nên nhìn vào thu nhập nhân viên. Theo hướng này, tin nhắn “thăm dò” về tình hình lương thưởng Tết năm nay của giới ngân hàng gửi đi, thông tin nhận được là một kênh tham khảo cụ thể.

“Năm nay đừng MƠ thưởng Tết, chỉ mong lương tháng 13 thôi!”; “Không bị chậm lương đã là may rồi, chán!”; “Cũng chưa rõ. Có lẽ còn chờ vào… tình hình thu hồi nợ :)”… Những tin nhắn trả lời ý gần giống nhau như vậy: bi quan.

Lỡ đã tạm ứng…

Chúng tôi đã tìm hiểu thông tin từ lãnh đạo một số ngân hàng thương mại, và nhận thấy lương và thưởng Tết năm nay về cơ chế vẫn như những năm gần đây, nhưng lại rất khác.

Chẳng hạn, có ngân hàng xác định rõ ngay từ đầu năm: lương cán bộ nhân viên sẽ được đảm bảo yếu tố trượt giá, được tăng tối thiểu phải bằng mức tăng của lạm phát; mức thưởng bình quân là 5 tháng lương cố định. Tuy nhiên, cơ chế này không nêu rõ các điều kiện đi kèm, như mức độ hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh đến đâu.

Có một tình huống đặt ra, giả sử ngân hàng đã “lỡ” chi trả lương thưởng quá tay trước đó và vượt quá đơn giá so với lợi nhuận khi chốt lại kết quả kinh doanh thì sao? Tổng giám đốc một ngân hàng trả lời rằng, nếu vậy thì coi như anh đã… tạm ứng lương của năm kế tiếp.

Một cơ chế khác, áp dụng phổ biến hơn trong ngành là xây dựng một đơn giá, trình đại hội đồng cổ đông thông qua từ đầu năm. Theo đó, anh làm được nhiều hưởng nhiều, làm được ít hưởng ít.


Cụ thể, đầu năm đại hội đồng cổ đông sẽ xác định quỹ lương thưởng là một tỷ lệ phần trăm theo lợi nhuận, thường khoảng 20 - 30%. Nếu vượt các chỉ tiêu kinh doanh, tùy mức độ có thể nới đơn giá này và tính thưởng Tết. Với riêng hội đồng quản trị, ban điều hành, thông thường mức thưởng cũng được xác định như vậy, khoảng 0,25 - 0,28% lợi nhuận.

Đây được xem là một cơ chế khá công bằng, bởi được gắn với từng đơn vị kinh doanh. Nhất là với những trường hợp sáp nhập, hợp nhất, nó xóa bỏ được “nỗi niềm” hay lo ngại bị cào bằng ở cán bộ nhân viên ngân hàng nhận sáp nhập, hoặc ở thành viên hợp nhất trước đó được đánh giá cao hơn, mạnh hơn.

Như trường hợp Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), trả lời về cơ chế lương thưởng sau khi nhận sáp nhập Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank), ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SHB cho biết, sẽ công bằng khi gắn cụ thể với mức độ hoàn thành chỉ tiêu tại mỗi đơn vị, thậm chí xét theo mỗi người.

Có một tình huống đặt ra, giả sử ngân hàng đã “lỡ” chi trả lương thưởng quá tay trước đó và vượt quá đơn giá so với lợi nhuận khi chốt lại kết quả kinh doanh thì sao? Tổng giám đốc một ngân hàng trả lời rằng, nếu vậy thì coi như anh đã… tạm ứng lương của năm kế tiếp. Với những trường hợp bị rơi vào tình huống này, Tết năm nay hẳn không ít nỗi niềm…

“Nếu được chọn lại nghề…”

Bắt cuộc gọi hỏi thăm, một lãnh đạo ngân hàng thương mại khác trả lời phóng viên: “Ban lãnh đạo cũng vừa tan họp lúc 9h tối. Cũng tình cờ khi bạn hỏi về chuyện lương, thưởng năm nay, vì họp xong mấy anh chị lắc đầu nói, đại ý lương thì cũng có cao thật, nhưng chẳng mấy khi được về ăn cơm tối với gia đình…”.

“Nếu được chọn lại nghề ban đầu, có lẽ tôi sẽ chọn nghề khác. Như lúc này chỉ ước được đi dạy học, hay nghề nào đó được có nhiều thời gian gần gũi với vợ con hơn”, vị lãnh đạo trên chia sẻ.

Cùng tâm trạng, một cán bộ tín dụng từ chối và “cáu” khi nói về lương thưởng Tết, bởi bối cảnh hiện nay “giữ được cái mạng của mình đã tốt rồi!”. Ông giải thích, khi môi trường xấu đi cũng bộc lộ nhiều rủi ro có thể ngoài tầm kiểm soát; nghề tín dụng dễ trở nên khắc nghiệt với những trách nhiệm pháp lý…

Đúng là môi trường kinh doanh đã xấu đi. Năm 2012 đang trôi qua quá nhanh, quá ngắn đối với các chỉ tiêu quá dài đặt ra đầu năm. Dự tính sơ bộ, năm nay có thể trên dưới 90% ngân hàng thương mại không thể hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu đại hội cổ đông giao, đặc biệt là chỉ tiêu lợi nhuận.

Nếu được chọn lại nghề ban đầu, có lẽ tôi sẽ chọn nghề khác. Như lúc này chỉ ước được đi dạy học, hay nghề nào đó được có nhiều thời gian gần gũi với vợ con hơn. Một lãnh đạo ngân hàng thương mại

Kết quả dự tính đó bước đầu đã thể hiện ở các sự kiện sa thải lao động, cắt giảm mạnh lương thưởng được phản ánh thời gian gần đây. Và sẽ định hình rõ nét hơn bằng các con số vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh sắp tới.

Một người trong cuộc phân tích rằng, về cơ chế có vẻ như các ông chủ vẫn tạo điều kiện như cũ, theo kết quả lợi nhuận, làm được nhiều hưởng nhiều. Chính vì thế mà sức ép lợi nhuận luôn lớn ở mỗi người. Vậy nên người ta có động cơ sát sườn để tạo cho được lợi nhuận, thậm chí che dấu nợ xấu để hạn chế trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận đỡ bị chia sẻ.

Và ông bức xúc: “Nhưng cơ chế đó là cũng để bảo đảm lợi ích của các ông chủ, của các cổ đông. Tức là giới hạn chi phí và làm sao phải tạo cho được lợi nhuận để chia cổ tức. Đành rằng năm nay kinh doanh rất khó, lợi nhuận giảm mạnh nên lương thưởng giảm đi nhiều. Nhưng tôi lấy ví dụ, con trâu kéo cày, những ngày đông giá rét vẫn có lương thực dự trữ để chăm sức về sau, còn đây lợi nhuận được đồng nào năm nào cũng chia hết. Tôi nói cái hình ảnh con trâu ấy, nếu bạn viết báo thì cứ viết như thế”.

Có lẽ, bức xúc của người trong cuộc trên không hẳn chỉ có riêng trong ngành ngân hàng, khi nhìn về tình hình lương thưởng tại nhiều doanh nghiệp năm nay…

 (Theo VnEconomy)