Đã có những áp lực về việc cần giảm tiếp lãi suất. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình giảm lãi suất vừa qua và đòi hỏi giữ vững ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát thì câu hỏi đặt ra là giảm lãi suất lợi trước mặt không bằng hại lâu dài.

Một số chuyên gia đang dự báo về khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ trần lãi suất huy động thêm 1%. Tuy nhiên cũng có ý kiến ngược lại cho rằng, với các chỉ số kinh tế vĩ mô đến thời điểm này thì không cần thiết và không còn dư địa để giảm lãi suất.

Lãi suất sẽ giảm?

Các chuyên gia nghiêng về chiều hướng lãi suất giảm cho rằng, hiện nay đã có đủ điều kiện để hạ lãi suất huy động từ 9% xuống còn 8% qua đó tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay giúp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cuối năm và hỗ trợ cho các DN.

Điều này nghe có lý vì đầu tư vào bất động sản, chứng khoán thời gian qua đều không ăn thua, còn đầu tư vào vàng thì rủi ro cao, vào ngoại tệ cũng không tốt bởi tỷ giá ngoại tệ từ đầu năm đến nay gần như không có biến động.
Mới đây, các ngân hàng lại không còn được phép huy động vàng mà người gửi vàng sẽ phải chịu phí, khiến cho việc gửi tiền nội tệ vào ngân hàng vẫn là kênh tốt nhất hiện nay.

Với mức lãi suất tiền gửi từ 9% -12% thì người gửi tiền đang có thực lãi dương khá cao và hoàn toàn yên tâm. Nhờ đó, lượng tiền chảy vào ngân hàng tương đối lớn, các ngân hàng đang dư thừa thanh khoản.
Số liệu của NHNN cho thấy, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 10/2012 chỉ đạt mức 3,36%, trong khi huy động lại tăng mạnh tới 14%, kết quả là một dòng tiền đã “trôi” về kênh trái phiếu.


Theo các số liệu, ngày 21/11 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành 3.803 tỷ đồng tín phiếu để hút tiền về. Cụ thể, trên thị trường mở, đã phát hành 2.210 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 56 ngày với lãi suất 6%/năm; phát hành 1.593 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 91 ngày với lãi suất 6,8%/năm. Đáng chú ý là tính riêng trong 3 ngày phát hành tín phiếu gần đây (ngày 15,16 và 21/11), Ngân hàng Nhà nước đã hút về trên 12.000 tỷ đồng với lãi suất 6-6,8%/năm.

Bên cạnh đó, do khó khăn cho vay, nhiều ngân hàng đang đổ tiền mua trái phiếu Chính phủ. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết, tính đến ngày 21/11/2012, đã có 132.274 tỷ đồng trái phiếu trúng thầu. Trong đó, 89% các thành viên tham gia là ngân hàng. Lãi suất trúng thầu dao động trong khoảng 9,35 - 10%/năm, cao hơn chút ít so với trần lãi suất huy động.

Lượng mua trái phiếu của các ngân hàng tăng mạnh trong quý IV năm nay là điều bất thường so với mọi năm thường các ngân hàng giảm mua trái phiếu để phục vụ cho vay và giữ thanh khoản cuối năm.

Trong khi báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tuần qua lãi suất liên ngân hàng giảm tất cả kỳ hạn đối với các giao dịch bằng VND. Cụ thể lãi suất giao dịch bình quân ở mức 1,83%/năm (qua đêm), 3,04%/năm (1 tuần), 3,28%/năm (2 tuần). Đây là tín hiệu cho thấy nhiều ngân hàng đang dư thanh khoản.

Thanh khoản dư thừa là nguyên nhân trong vài tuần trở lại đây, một số ngân hàng đã giảm lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng. Ví như, tại Techcombank lãi suất huy động cao nhất hiện chỉ còn 12%/năm thay vì mức 12,5%/năm trước đây. Hay như Eximbank lãi suất cũng được giảm 0,3 – 0,8% chỉ còn ở mức 12%/năm. ACB cũng vừa thay đổi biểu lãi suất huy động. Theo biểu mới áp dụng của ACB, mức lãi suất huy động VND cao nhất 13%/năm đã được kéo xuống 12,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng cũng giảm còn 12%/năm thay vì 12,5%/năm trước đó…

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thì muốn hỗ trợ DN phục hồi, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh chắc chắn phải tính tới việc giảm lãi suất.

Một số ngân hàng cũng cho biết hiện nay lãi suất cho vay của họ với các DN ở mức 10%/năm, cao hơn lãi suất huy động 1% tuy nhiên các DN vẫn cho là cao, vay không hiệu quả. Việc hạ lãi suất huy động sẽ tạo điều kiện để ngân hàng hạ lãi suất vừa giúp tăng trưởng tín dụng vừa hỗ trợ các DN.

Cố giảm gây bất lợi về sau

Tuy nhiên cũng có không ít các ý kiến cho rằng căn cứ vào các chỉ số kinh tế vĩ mô, đến thời điểm hiện nay thì dư địa để hạ lãi suất không còn.

Có ý kiến cho rằng lạm phát tính đến tháng 11/2012 đã tăng 6,52% so với tháng 12 năm 2011. Nếu tính thêm cả tháng 12 tới thì sẽ ở mức trên 7%, nếu hạ trần lãi suất xuống còn 8% và các ngân hàng giảm lãi suất huy động thì lãi thực dương của người gửi tiền còn rất thấp, vì vậy kênh gửi tiền nội tệ sẽ không còn hấp dẫn nữa và huy động vốn của các tổ chức tín dụng sẽ gặp khó khăn.

Một phân tích khác cho thấy, lãi suất huy động hiện nay là 9%/năm, lãi suất ngoại tệ là 2%, nếu tính theo lạm phát cả năm ở mức 6% thì dư địa giảm lãi suất là 2% nhưng lạm phát hiện là 6,52% so với tháng 12/2011 và 7,08% so với tháng 11/2011. Với chỉ số lạm phát này thì không còn dư địa để giảm lãi suất nữa.

Nếu lãi suất giảm xuống 8%/năm, rất có thể người dân sẽ chuyển sang trạng thái ngược lại là chối bỏ nội tệ. Diễn biến mới trên thị trường hiện nay là không còn rõ xu hướng chuyển dịch ngoại tệ sang nội tệ nữa, thay vào đó là trạng thái giằng co hoặc hình thành xu hướng ngược lại. Do đó phải rất thận trọng trong điều hành giảm lãi suất những tháng cuối năm.



Một số ngân hàng cho biết, lãi suất hiện tại không còn là vấn đề lớn với DN. DN không muốn vay vốn là do chưa có đầu ra, chứ không phải là do lãi suất cao. Những DN tốt, có dự án tốt, ngân hàng vẫn chấp nhận cho vay với lãi suất thấp.

Giám đốc một chi nhánh ngân hàng tại Đồng Nai cho biết, một số DN sản xuất kinh doanh thức ăn gia súc ở đây, có đầu ra ổn định là khách hàng quen thuộc đang gây sức ép yêu cầu phải giảm lãi suất cho vay xuống 6,5-7%/năm. Vì hiện có ngân hàng đang mời chào họ vay lãi suất chỉ 6,5%/năm. Cho vay lãi suất 6,5%/năm ngân hàng sẽ lỗ, nhưng có ngân hàng vẫn sẵn sàng cho vay với mức này, như vậy vấn đề không phải là lãi suất cao hay thấp mà do chính các DN.

Trần Thủy