Việc áp trần lãi suất cho vay đã được đặt ra và có thể sẽ được bàn thảo để áp dụng trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thì cần phải thận trọng. Thời điểm cần thiết có trần lãi suất cho vay đã qua, trong khi đó việc can thiệp bằng hành chính này về dài hạn có thể gây ra những bất lợi.

DN mong đợi

Thông tin từ phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2012 cho thấy, Chính phủ đang xem xét việc áp dụng trần lãi suất cho vay và giảm lãi suất cho vay để giúp DN tiếp cận được nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Việc áp trần lãi suất đã được nhiều chuyên gia đề cập vào thời điểm nóng bỏng nhất khi lãi suất lên đến 20%. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã có nhiều diễn biến theo chiều thuận trên mặt bằng lãi suất.

Lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng với DN hiện nay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ dao động quanh mức 10% - 13%/năm, đối với lĩnh vực kinh doanh khác ở mức 12% - 15%/năm. Tuy vậy có một số ngân hàng vẫn có những khoản cho vay DN với lãi suất lên tới 17% -17,5%/năm.

Mặc dù vậy, mặt bằng lãi suất này được cho là khá cao nếu so sánh với các nước trong khu vực thì gấp từ 2-3 lần và làm giảm sức cạnh tranh của các DN Việt Nam.


Nhiều DN khi được hỏi cho biết với mức lãi suất vay trên 10% năm thì trong tình hình hiện nay kinh doanh sẽ không có hiệu quả.

Ông Lê Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thể thao Động lực cho biết chúng tôi đi vay hiện vẫn phải chịu lãi suất 13%, với mức này thì không thể kinh doanh nổi. Trong khi Trung Quốc và Thái Lan lãi suất cho vay hiện chỉ ở mức 4%-5%, chúng ta cao gấp hơn 2-3 lần của họ nên không cạnh tranh nổi.

“Chi phí cao hàng không xuất khẩu được. Trước đây Trung Quốc là thị trường lớn của chúng tôi, năm nay thì gần như đã mất vì giá cao không xuất nổi”, ông Thành nói.

Theo ông Lại Văn Toàn, Chủ tịch Hiệp hội các DN nhỏ và vừa tỉnh Lạng Sơn, ngân hàng thừa vốn, DN thiếu vốn ai cũng biết. Tại Lạng Sơn đã thành lập hẳn 1 tổ chuyên trách để giải quyết vấn đề này. DN và ngân hàng cũng đồng ý bắt tay nhau, nhưng khi đi vào thực hiện thì vướng. Nhiều DN chỉ cần vay 2- 3 tỷ đồng để phát triển sản xuất hiện rất khó. Ngoài đầu ra khó khăn thì lãi suất cao cũng làm nhiều DN nản lòng.

Vì thế, hầu hết DN đều ủng hộ việc áp trần lãi suất cho vay và mong muốn sớm đưa vào áp dụng.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất cho vay cũng không khả thi bởi các ngân hàng sẽ lách trần bằng cách thu thêm những khoản phí ngoài lãi suất như phí thu xếp vốn, phí thẩm định, phí bảo hiểm...

Trước đây đã có giai đoạn chúng ta thực hiện trần pãi suất cho vay rồi và các ngân hàng đã lách trần bằng cách cộng thêm khoảng 1,5%-3% các loại phí vào khoản vay ngoài lãi suất thì cũng vẫn vậy chẳng thay đổi được gì.

Bất lợi của giải pháp hành chính

Theo chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực thì vấn đề quan trọng là khi áp trần lãi suất cho vay đã vô tình đánh đồng rủi ro của các khách hàng với nhau. Các ngân hàng khi cho vay thường phân loại khách hàng. Với những khách hàng tốt sẽ có mức lãi suất khác với những hàng có nhiều rủi ro. Nay áp một mức trần thì không còn phân biệt khách hàng tốt và khách hàng xấu được nữa.

“Đây là biện pháp hành chính, việc thực hiện trong 1 giai đoạn nhất định có thể cần thiết nhưng lâu dài cần loại bỏ nếu không sẽ làm méo mó thị trường”, ông Cấn Văn Lực nói.

Có ý kiến cho rằng việc đặt trần lãi suất tiền vay là không cần thiết. Bởi lẽ, khi dư vốn, kết hợp với lạm phát giảm thì lãi suất tiền vay phải giảm. Diễn biến lạm phát hiện nay hoàn toàn có cơ sở cho việc hạ lãi suất.


Lạm phát tính đến tháng 11/2012 là 6,52% so với tháng 12/2011, ước tính cả năm sẽ ở khoảng 7,5%. Năm 2013, chúng ta phấn đấu giảm lạm phát xuống thấp hơn nữa, từ 6,5-7%. Với mặt bằng như vậy, đưa lãi suất huy động giảm xuống khoảng 7,5-8%/năm, cộng với 2,5- 3% chi phí thì các ngân hàng hoàn toàn có thể thực hiện lãi suất cho vay tầm 10% trở lại. Các ngân hàng huy động vốn thì cũng cần cho vay, lãi suất cao sẽ khó cho vay. Hiện nhiều ngân hàng đang thừa vốn phải mua trái phiếu Chính phủ với lãi suất từ 9,25%-10%.

Ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay và áp trần buộc ngân hàng phải giảm chi phí và giảm lãi suất giúp DN tiếp cận vốn dễ hơn, sẽ đóng góp cho kinh tế tốt hơn. Vấn đề lách trần lãi suất bằng các khoản phí thì chúng ta đã biết và có thể kiểm soát được. Tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước cần ban hành hướng dẫn cụ thể trong đó quy định rõ cái gì được làm cái gì không thì sẽ kiểm soát tốt hiện tượng này.

Trong khi đó, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2012 diễn ra hôm 3/12, nhóm công tác ngân hàng đưa ra góc nhìn đáng chú ý về việc Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất cho vay đối với 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên từ tháng 5/2012 đến nay.

Thông tư số 14/2012/TT-NHNN, ban hành ngày 4/5/2012, quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng trong nông nghiệp, xuất khẩu, DN vừa và nhỏ và công nghiệp hỗ trợ. Ban đầu, cơ chế đó xác định trần lãi suất cho vay theo trần lãi suất huy động cộng với 3%/năm, thành 15%/năm. Sau đó, mức trần này lần lượt hạ xuống còn 14%/năm và hiện là 13%/năm.
Dù xem đây là một chính sách ưu đãi, hỗ trợ về lãi suất nhưng các chuyên gia quốc tế cho rằng cần xem lại hiệu quả.

Theo đó, các chuyên gia cảnh báo, “chúng tôi cũng lo ngại rằng biện pháp hành chính này sẽ dẫn tới tình trạng các ngân hàng cho vay ít hơn đối với những lĩnh vực trên so với trước, vì ngân hàng sẽ ít khả năng thu được đủ mức lợi nhuận tương ứng với mức rủi ro phải gánh chịu hơn”, báo cáo của nhóm công tác ngân hàng viết.

Điều quan trong là, “Kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng của Chính phủ đã xác định đúng nhu cầu của ngân hàng phải áp dụng các quy trình quản trị rủi ro chặt chẽ hơn, trong đó có quy định về định giá khoản vay theo mức rủi ro tương ứng.

Chính thống đốc Nguyễn Văn Bình khi trả lời cử tri cũng cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất cho vay tối đa đối với 4 lĩnh vực ưu tiên nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên được tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với mức lãi suất thấp hơn. Khi hoạt động sản xuất, kinh doanh được phục hồi trở lại, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ ổn định bền vững sẽ xem xét bỏ trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên này.

Trần Thủy