Trong 3 năm (từ 1975 đến 1978), trên toàn thành phố đã xảy ra 45.000 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có tới gần 1.400 vụ cướp. Đã có gần 170 người bị bắn chết, gần 200 người bị thương; tài sản bị cướp gồm hơn 1.200 lượng vàng, gần 70 viên kim cương, 15 ôtô, 370 xe máy, 460 đồng hồ...
Một tháng giết 13 mạng người
Gây hoang mang dư luận lúc bấy giờ là vụ bắt cóc tống tiền con nghệ sĩ Kim Cương, con bác sĩ Lã Hỷ và bắn chết vợ chồng nghệ sĩ cải lương Thanh Nga ngay trước cửa nhà. Hoặc băng cướp Võ Tùng Hội gồm 33 tên đã dùng 14 khẩu súng, 3 ôtô, 20 xe máy, gây ra gần 100 vụ cướp, bắn chết 2 người, bắn bị thương 3 người.
Hay băng nhóm của Lễ, Nghĩa sẵn sàng lia súng bắn chết toàn bộ người trong gia đình nào chúng chọn ra tay và trong vòng một tháng chúng đã giết chết 13 mạng người chỉ để lấy tiền hùn với bạn mở lò bánh mì…
Lực lượng săn bắt cướp (SBC) của thành phố được thành lập để giải quyết tình trạng đó.
Dựng lại hiện trường vụ bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương |
Theo lời kể, 23h hôm 26/11/1978, khi diễn xong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga ở rạp hát Cao Đồng Hưng - bây giờ là nhà sách Cao Đồng Hưng gần chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, Thanh Nga lên chiếc xe hiệu Volkswagen sơn màu xám nhạt do chồng bà cầm lái để về nhà. Nữ diễn viên ngồi băng ghế phía sau với con trai có biệt danh Cúc Cu, 5 tuổi. Ở ghế trước, cạnh tài xế là võ sư Nguyễn Văn Các - vệ sĩ bảo vệ Thanh Nga.
Khi xe dừng trước cổng nhà (Bùi Thị Xuân, quận 1), vệ sĩ Các bước ra mở cửa bất ngờ có chiếc Honda đi tới. Hai tên lạ mặt nhảy xuống, dùng súng ngắn khống chế anh vào trong xe. Chúng tiếp tục uy hiếp vợ chồng Thanh Nga để bắt bé Cúc Cu.
Vợ chồng nghệ sĩ chống cự, chúng liên tiếp nã đạn bắn chết cả hai rồi vọt mất. Viên đạn trúng ngực trái đã cướp đi sinh mệnh của Thanh Nga ở tuổi 36.
Lúc đó, cả nước tiếc thương cho người nghệ sĩ tài hoa yểu mệnh và yêu cầu cơ quan công an phải làm rõ.
Bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương
Thời điểm vụ trọng án xảy ra có nhiều ý kiến đưa ra, trong đó có nhận định vụ án đau lòng xuất phát từ việc bắt cóc người. Trước đó một năm cũng có vụ bắt cóc tương tự, chưa tìm ra thủ phạm.
Theo đó, tháng 6/1977, công an nhận được tin Toro, 5 tuổi, con trai của vợ chồng nghệ sĩ Kim Cương, bỗng biến mất tại khu vực nhà trẻ Vườn Hồng thành phố. Trong lúc cả gia đình hoảng hốt, chia nhau khắp các ngả đường tìm kiếm thì một người đàn ông nói giọng Nam Bộ gọi điện thoại tới nhà, xưng tên Hải Phong. Anh ta thông báo đang giữ cháu bé và đòi 100 cây vàng để chuộc.
Người lạ mặt không quên trấn an rằng Toro vẫn được ăn uống đầy đủ, được mua đồ chơi mới và đang ở một nơi bí mật rất xa thành phố.
Số tiền quá lớn lúc đó với bất cứ ai. Nghệ sĩ Kim Cương nói với người thương lượng rằng gia đình chỉ gom được 18 cây. Nhóm bắt cóc đồng ý đổi Toro với giá 20 cây vàng.
Sau đó, từ lộ trình đã vạch sẵn, cha của Toro đến điểm hẹn. Khi nhận diện được miếng vải cắt từ chiếc áo con mặc lúc bị bắt cóc, ông chấp thuận giao vàng.
Không lâu sau, Toro được thả tại bãi cỏ trước nhà thờ Đức Bà, quận 1.
Dựng lại hiện trường cảnh băng bắt cóc theo dõi bé Toro, con nghệ sĩ Kim Cương tại khu nhà trẻ |
Để sớm kết thúc chuyên án, người dân khỏi hoang mang, các trinh sát phải tìm kiếm dấu vết từ ngoại tuyến. Những cán bộ giỏi nhất được hóa trang thành người lái xe ôm, người bán trà đá, đạp xích lô và thậm chí phải đi móc bọc (nhặt rác, nhặt bao lylon)…để tìm nguồn tin.
Một trinh sát tâm sự, hồi đó anh em trong ban chuyên án sợ nhất chúng sẽ tiếp tục ra tay. Và điều đó đã xảy ra.
Nổ súng bắn 2 kẻ bắt cóc
Tháng 3/1979, bé Phương, con trai của bác sĩ Lã Hỷ bị bắt cóc tại trường học. Vật làm tin là cái áo của bé Phương ném trước nhà. Do gia đình nạn nhân bị đe dọa nên họ không dám hợp tác với công an.
Trinh sát trong vai người đạp xích lô phát hiện vợ bác sĩ Lã Hỷ ra khỏi nhà nên đạp theo sau. Vị cán bộ phát hiện một người khả nghi mặc quần tây, áo sơmi trắng đứng sẵn bên trụ điện. Phía bên kia đường là một thanh niên đội mũ lưỡi trai đỏ, mặc bộ đồ jean, ngồi trên chiếc 67 mang biển số tỉnh Hậu Giang.
Có một điều khác lạ vì thời điểm ấy các tỉnh miền tây Nam Bộ thường đi xe không số. Ngoài ra, chân phải người thanh niên này luôn để sẵn trên cần đạp xe máy.
Thấy bóng dáng vợ bác sĩ Hỷ, cả hai tên nhanh tay ném áo nhận diện rồi chộp túi vàng phóng xe đi.
"Tình huống cấp bách, thấy không thể theo phương án đã vạch, tôi móc khẩu súng trong người ra vừa chạy bộ theo vừa bóp cò. Với ý định bắn vào bánh xe nhưng do chúng đánh võng nên đạn trúng vào bô thủng lỗ, viên tiếp theo định bắn vào chân phải tên cầm lái lại trúng vào sườn xe, xoẹt lửa… thêm một phát nữa thì trúng tên mặc áo trắng ngồi sau khiến hắn giật thẳng người lên, máu loang đỏ áo. Điều không ngờ là viên đạn còn xuyên qua và ghim lại trong người tên ngồi trước”, một trinh sát năm đó hồi tưởng.
Bị thương nhưng 2 tên vẫn kịp trốn thoát. Rồi kẻ bắt cóc với viên đạn trong người đã bị bắt tại bệnh viện Chợ Rẫy. Hắn đã chịu khai ra đồng bọn.
Một tháng sau, lực lượng SBC mới phá xong vụ án. Băng nhóm này thực hiện cùng lúc 3 vụ bắt cóc, hai vụ thành công là bắt cóc con bác sĩ Lã Hỷ, con nghệ sĩ Kim Cương, vụ không thành dẫn đến giết chết nữ nghệ sĩ Thanh Nga…
Với 3 vụ án trên, hàng trăm trinh sát thời điểm đó đã phải ăn quán, ngủ đình và nhập đủ loại vai trong khoảng thời gian dài. Có lẽ niềm vui lớn nhất với họ là tìm thấy bé Phương để trao lại cho gia đình bác sĩ Lã Hỷ.
Theo Zing.vn