Gần 80 tuổi, cụ Trần Văn Thêm (Yên Phong, Bắc Ninh) có hơn 40 năm âm thầm gõ cửa các cơ quan chức năng, xin được rũ bỏ tiếng oan giết em. 

Giọng run run, cụ Thêm kể: Ngày 23/7/1970, cụ rủ người em họ đạp xe cọc thồ từ Yên Phong, Bắc Ninh lên vùng Tam Dương để bán thuốc lào, rồi mua trám đen về bán kiếm sống. 

Đến huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú (cũ) thì trời đã nhá nhem tối, hai người tìm đến nhà người quen xin ngủ nhờ nhưng không được. Hai anh em đành tìm đến căn lều cắt tóc quây bằng liếp tre ven đường, gần cầu Diện, xã Đồng Tĩnh để ngủ tạm.

Hơn 12 giờ đêm, cụ Thêm thức giấc ngồi hút thuốc lá, bất ngờ bị đánh trộm một đòn rất mạnh vào đỉnh đầu. Cụ ôm đầu hô “Cướp, cướp”…

Người em họ cụ Thêm vừa tỉnh giấc cũng bị kẻ thủ ác bổ tới tấp vào đầu, bất tỉnh. Khoảng 4 giờ sáng, hai người được đưa đến bệnh viện huyện Tam Dương cấp cứu. Cụ Thêm đề nghị các bác sĩ ở đây liên lạc về gia đình, thông báo hai người bị cướp, đang được cấp cứu để mọi người ở nhà yên tâm.

Thế rồi, cụ Thêm bị bắt, đưa về Công an huyện Tam Dương.

Sau đó cụ Thêm mới bàng hoàng khi biết, người em họ đã tử vong và cụ trở thành nghi phạm giết người, bị đưa đến trại giam ở Việt Trì. Chuỗi ngày tháng cay đắng, oan khuất bắt đầu từ lúc đó.

Tại hiện trường chỉ có hai người, một người bị bổ vào đầu tử vong, còn cụ Thêm, tuy cũng bị thương ở đầu nhưng không chết. Cơ quan điều tra cho rằng cụ ngụy tạo vết thương đó.

Giữa tháng 8/1972, cụ Thêm ra hầu tòa tại TAND tỉnh Vĩnh Phú (cũ). Cụ kể: “Trước Tòa, tôi nói tôi không giết em họ, bản thân tôi cũng bị bọn cướp đánh vỡ đầu. Mặc dù vậy, Tòa nhận định, tôi đã dùng cọc xe đạp thồ đánh nhiều phát vào đầu nạn nhân, làm anh này tử vong để cướp tiền".

Với 2 tội danh giết người và cướp của, HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên phạt cụ Trần Văn Thêm án tử hình.

Cụ Thêm làm đơn kháng cáo

Vào tháng 8/1973, phiên tòa phúc thẩm được xử lưu động tại sân vận động Việt Trì. Cụ Thêm mong có bản án minh oan cho mình.

Nhưng Tòa phúc thẩm bỏ ngoài tai những lời kêu oan, tuyên bị cáo Trần Văn Thêm có tội, giữ nguyên bản án tử hình.

Trong những ngày bị giam tại trại giam Phủ Đức, tỉnh Vĩnh Phú (cũ) để chờ ngày thi hành án tử hình, tử tù Trần Văn Thêm liên tục kêu oan....

Cụ Thêm nhớ lại: “Hồi ấy, tôi dùng ngón tay mình làm bút, cắn đầu ngón tay cho bật máu ra, rồi viết lên bất kì tờ giấy nào nhặt được trong trại giam. Khi không có giấy, tôi viết thư lên màn xô trắng được phát để chống muỗi đốt vào ban đêm”.

Một ngày định mệnh, cụ thấy cán bộ quản giáo vào phòng giam, tháo cùm chân và dẫn ra ngoài. Người quản giáo bất ngờ đưa cụ bộ quần áo dân sự mới, và thông báo, cơ quan công an đã bắt được hung thủ giết em họ cụ.

Cụ Thêm kể: “Sau đó, cán bộ công an đưa tôi về một đơn vị thuộc Bộ Công an đóng ở Hà Nội. Về đến phòng làm việc của công an, anh cán bộ nói: “Năm hết, Tết đến, chúng tôi có trách nhiệm đưa ông về nhà".

Tôi được giải thích do có vết thương trên đầu, nên Bộ Công an cấp cho giấy chứng nhận miễn lao động nặng, rồi đưa ra bến xe Gia Lâm đi xe khách về nhà, mà không có một loại giấy tờ nào khác.

Ra tù vẫn bế tắc

Về đến quê nhà, không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh vô tội, cụ Thêm sống trong sự dày vò, xỉ vả của người đời khi mang tiếng giết em. Nhiều năm qua đi, cụ kiên trì viết đơn gửi đi khắp nơi, kiến nghị các cơ quan chức năng minh oan cho mình.

Nhưng cụ chỉ nhận được câu trả lời chung chung "không quản lí hồ sơ”, hoặc “không tìm thấy hồ sơ”.

Các văn bản sau này đều được 2 người nhận ủy quyền đi gõ cửa các cơ quan kêu oan.

Văn bản số 587/CV/PT ngày 7/3/2005 ghi: "Không có căn cứ để xác định ông đã bị xét xử oan".

{keywords}

Luật sư Vũ Văn Lợi - người tìm ra 2 bản án oan sai của cụ Trần Văn Thêm tại cơ quan công an tỉnh Bắc Ninh 


Đến ngày 26/3/2007, toà hình sự TANDTC có văn bản số yêu cầu cụ Thêm phải mang tài liệu để chứng minh ông bị oan. Ngày 7/3/2014, VKSNDTC có văn bản trả lời: Không tìm thấy tài liệu liên quan đến vụ án của ông như ông trình bày trong đơn . Do đó không có căn cứ để xác định ông đã bị xét xử oan.

Sự việc rơi vào bế tắc thì ngày 5/11/2014, phòng hồ sơ công an tỉnh Bắc Ninh gửi công văn phúc đáp công văn của công ty luật Hòa Lợi khẳng định: Hiện công an Bắc Ninh có lưu giữ 2 hồ sơ liên quan vụ án giết người xảy ra tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú năm 1970. Bị can Trần Văn Thêm sinh 1937. Tuy nhiên, các tài liệu khác của vụ án thì không thể tìm thấy ở bất cứ cơ quan tố tụng nào.

Cuối tháng 3/2015, ông Nguyễn Văn Hòa và cụ Thêm tìm gặp cụ Cù Văn Tiện, nguyên Phó Phòng Hình sự Công an tỉnh Vĩnh Phú, hiện đang nghỉ hưu tại khu 3, xã Vĩnh Chấn, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.

Cụ Tiện là người thụ lí và chỉ huy điều tra, phát hiện thủ phạm đích thực của vụ án. Ngoài 80 tuổi, cụ vẫn minh mẫn, vụ việc xảy ra đã hơn 40 năm, nhưng cụ vẫn nhớ như in, kể vanh vách từng chi tiết. Cuộc gặp cảm động khi hai người già, một là “tử tội”, một là ân nhân cứu người kia thoát án tử…

Cụ Tiện kể: “Khi vụ án xảy ra, tôi vẫn công tác ở Bộ Công an, nên không biết. Từ tháng 12/1972 tôi mới được điều về tỉnh Vĩnh Phú, công tác tại Phòng bảo vệ cơ quan văn hóa tư tưởng (bảo vệ nội bộ Sở Công an tỉnh). Năm 1974, ngay sau khi được bổ nhiệm Phó Phòng cảnh sát hình sự, tôi bắt tay vào thụ lí vụ án giết người, liên quan đến Trần Văn Thêm. Tôi cũng có nghe anh em báo cáo, tại trại giam Phủ Đức có tử tù Thêm liên tục kêu oan, còn cắn đầu ngón tay lấy máu viết lên màn xô trắng, thậm chí xé cả chăn của trại để viết thư kêu oan…”.

Vì sao Công an tỉnh Vĩnh Phú lại điều tra lại vụ án?

Cụ Tiện cho biết, cụ chỉ được xem chứ theo nguyên tắc không được giữ, lá đơn kêu oan của tử tù Trần Văn Thêm, có bút tích của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng phê vào góc đơn: “Hủy án tử hình với Trần Văn Thêm, giao tỉnh Vĩnh Phú điều tra lại với thành phần khác”.

Qua quá trình điều tra, căn cứ vào hiện trường xảy ra vụ án, xem xét các dấu vết để lại trên đầu tử tù Trần Văn Thêm, đồng thời xin ý kiến quyết định khai quật hộp sọ nạn nhân đưa về Viện khoa học hình sự Bộ Công an giám định, nhận thấy không đủ chứng cứ vì còn nhiều điểm mâu thuẫn.

{keywords}

 Cụ Trần Văn Thêm - người mang án tử hình suốt 43 năm (ảnh chụp ngày 7/8/2016)

Cùng lúc đó, Ban Giám thị trại cải tạo Phố Lu, Lào Cai cung cấp cho Công an tỉnh Vĩnh Phú nguồn tin: Đối tượng Phan Thanh Nhàn đang cải tạo tại trại có biểu hiện chính là thủ phạm giết người tại cầu Diện, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương. Đối tượng, một kẻ trộm cắp mới 17 tuổi, chưa đủ tuổi thành niên, nên chỉ đưa đi tập trung cải tạo giáo dưỡng. Qua đấu tranh, đối tượng đã khai nhận đầy đủ hành vi phạm tội.

Hiện trường vụ án được dựng lại. Cụ Tiện nói : “Hôm đó, sau khi thu giữ được chiếc búa bổ củi, là hung khí gây án, tôi còn mượn thêm 4-5 chiếc búa cùng loại để đối tượng nhận dạng. Nhàn đã nhận dạng đúng ngay chiếc búa gây án... Cuộc thực nghiệm thu được kết quả phù hợp với lời nhận tội của đối tượng và các hồ sơ, tài liệu khác. Từ đó khẳng định Trần Văn Thêm bị bắt, xử án tử hình là oan sai…”.

Đối tượng bị đưa ra xét xử, kết án. Năm 1984, đối tượng này trốn trại về gây ra vụ cướp tiền tại thị trấn Me huyện Tam Dương và bị bắn chết. Còn cụ Thêm được trả tự do từ ngày 27/12/1975 (âm lịch) tới nay. Cụ Tiện khẳng định, ngày đó không có bản án Giám đốc thẩm như bây giờ, mà chỉ có văn bản trình xin ý kiến của Công an tỉnh Vĩnh Phú, được Bộ Công an phê chuẩn trả tự do cho cụ Trần Văn Thêm…

Như vậy, sau 43 năm kể từ ngày tòa tuyên án sơ thẩm tuyên án tử hình, vụ án oan sai của cụ Thêm mới bắt đầu được làm sáng tỏ.

Khúc Hạo