Sáng nay, TAND TP Bà Rịa, Vũng tàu mở phiên xét xử lưu động sơ thẩm Trần Kiều Hưng (44 tuổi, ngụ TP.HCM) về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.


{keywords}

Bị cáo Trần Kiều Hưng tại phiên xử lưu động sáng 30/9.

Theo cáo trạng, khoảng 10h20 ngày 19/4/2016, tại km 62 Quốc lộ 51, Đội tuần tra giao thông đường bộ do Phòng Cảnh sát giao thông công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra lỗi chạy xe quá tốc độ của xe ô tô BKS 51F-51925 do Lê Minh Tài điều khiển.

Lúc này, Hưng xuống xe xuất trình giấy “công lệnh” ghi tên Trần Kiều Hưng, chức vụ Phó Cục trưởng Cục Quản lý kinh tế chính phủ kiêm đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ được cử đi công tác các tỉnh trong và ngoài nước. Người mang công lệnh trên được ưu tiên đặc biệt khi tham gia giao thông như tốc độ, lấn tuyến, đỗ đậu.

Công lệnh mà Hưng trưng ra có cả chữ ký ghi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và có mộc đóng dấu đỏ. Hưng đề nghị các đồng chí Công an giao thông để xe Hưng tiếp tục đi làm nhiệm vụ.

Nghi ngờ công lệnh trên là giả, Đội tuần tra giao thông đã đưa Hưng về cơ quan điều tra Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu để làm rõ.

Đến ngày 20/4, Cơ quan điều tra tiến hành khám xét nơi ở của Hưng tại TP Hồ Chí Minh và thu giữ một giấy công tác đề ngày 12/7/2012 cấp cho Hưng với chức vụ Phó Cục trưởng Cục quản lý kinh tế đối ngoại do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký và dấu đóng của Thủ tướng Chính phủ và một số giấy tờ khác.

Ngoài ra, vợ của Hưng cũng giao nộp cho Công an một bộ đồng phục màu xám, một huy chương chiến sỹ vẻ vang, huy hiệu in cờ búa liềm, một bảng tên có hình quốc huy và dòng trên ghi văn phòng Thủ tướng chính phủ.

Ngày 31/5/2016, Văn phòng Chính phủ có công văn xác định Văn phòng Chính phủ không có ai tên Trần Kiều Hưng và cũng không phát hành giấy công lệnh cho người có tên trên.

Cơ quan điều tra đã thu thập mẫu chữ ký của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ để trưng cầu giám định so với mẫu chữ ký và con dấu trong công lệnh Hưng trưng ra. 

Kết quả cho thấy mẫu chữ ký công an thu thập và chữ ký trên tờ công lệnh của Hưng không phải cùng một người ký. Chữ ký được tạo ra bằng phương pháp in phun. Đối với con dấu trên tờ công lệnh của Hưng cũng được tạo ra bằng phương pháp in phun màu.

Tại cơ quan điều tra, Hưng khai học xong lớp 9 thì nghỉ học. Đến tháng 12/2015, Hưng gặp người tên Lèng Công Huân (không rõ lai lịch), Huân giới thiệu là cán bộ vụ tổng hợp thuộc văn phòng Chính phủ. Hưng mua của Huân giấy công lệnh giả có chữ ký của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giá 1.500 USD và giấy công lệnh giả có chữ ký của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải với giá 1.000 USD.

Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn xác nhận với cơ quan điều tra không có người nào tên Lèng Công Huân làm việc tại nơi đây. Hưng khai trước đó từng 2 lần bị CSGT tỉnh BR-VT kiểm tra lỗi chạy quá tốc độ và nhờ công lệnh giả nên được bỏ qua.

Tại phiên xét xử, Hưng khai nhận mặc dù chỉ học đến lớp 9 nhưng do có nhiều năm từng trải, xông pha nên nắm rất rõ về lĩnh vực tài chính và được nhiều tập đoàn uy tín nhận làm việc. Mục đích của Hưng khi mua những giấy tờ trên là để nhằm đối phó với CSGT khi xe vi phạm.

Theo Báo Công an nhân dân