Gần 30 năm làm nghề, đại tá Ngô Huy Tiếp từng giải phẫu chừng hơn 3000 xác chết, góp phần làm sáng tỏ nhiều vụ trọng án và giải oan cho nhiều người vô tội ở Hải Phòng.

{keywords}

Đại tá Tiếp trong một lần tác nghiệp với tử thi đã được chôn cất.

Có 'duyên' với… nghề rùng rợn

Hiện tại, đã bước sang tuổi 72, sức khỏe kém đi, chân tay chậm chạp, những những ca khó của ngành pháp y Hải Phòng người ta vẫn phải nhờ tới vị đại tá tuổi thất thập cổ lai hy ra mặt.

Đơn giản là bởi kinh nghiệm và bản lĩnh trong cái nghề xét nghiệm thi thể của ông vẫn còn vô cùng hữu dụng.

Về hưu đã hơn chục năm, nhưng cứ hễ nhắc tới 2 chữ "pháp y", vẻ mặt của ông Tiếp lập tức lại sáng bừng vẻ hào hứng và sôi nổi.

Cũng phải, hễ gắn bó quá lâu với bất cứ điều gì, người ta chắc chắn sẽ nảy sinh sự gắn bó, tình cảm, bất kể đó có là một nghề... rùng rợn như mổ pháp y.

Ông Tiếp còn kể, những ngày mới nghỉ việc, ông phát cuồng lên vì cảm giác nhớ nghề, dù rằng cái nghề của ông chỉ suốt ngày làm bạn với những thi thể, dao kéo và những điều người bình thường hễ nhìn là chạy!

Ông Tiếp trầm ngâm bảo, có khi cái nghề này nó chọn tôi cậu ạ. Từng thi đỗ 3 trường một lúc gồm Bách khoa, Mỹ thuật và Y Hà Nội, nhưng rốt cuộc ông lại quyết định chọn ngành y.

{keywords}

Đại tá Tiếp bảo, ông có duyên với nghề mổ pháp y (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nguyện vọng ban đầu của ông cũng không hề có liên quan tới nghề pháp y rùng rợn kia, mà như bao cậu sinh viên trẻ tuổi khác, ông vẫn đeo đuổi tâm nguyện hành nghề cứu chữa người.

Thậm chí, sau này khi ra trường, ông cũng từng hành nghề cứu người tới tận 10 năm tại bệnh viện Thanh Miện, Hải Dương, nơi ông làm trưởng khoa ngoại sản.

Ấy vậy mà cuối cùng, số phận lại run rủi đưa đẩy ông về với cái nghề mà ông chưa từng nghĩ sẽ gắn bó với mình, để rồi suốt cả phần đời còn lại, ông Tiếp làm quen với nghiệp "đồ tể" - như ông từng hài hước tự trào.

Tính tới thời điểm về hưu, ông Tiếp đã trực tiếp khám nghiệm chừng 3000 tử thi. Mỗi một tử thi là một câu chuyện đau buồn, thậm chí là rùng rợn và kinh khủng.

Ông Tiếp bảo, cả đời làm bạn với tử thi, gần như không còn kiểu chết gì mà ông chưa từng chứng kiến.

Từ nhẹ nhàng như chết bệnh trên giường cho tới kinh khủng như tai nạn giao thông nát bét, hoặc đáng sợ hơn nữa là những xác chết trôi trương phềnh to như con trâu mộng, ông không những chứng kiến mà còn phải tự tay khám nghiệm, giải phẫu để tìm ra nguyên nhân cái chết của họ.

Trong hầu hết mọi lần khám nghiệm, ông đều chỉ có một mình bởi thời điểm trước, chỉ có duy nhất bác sĩ Tiếp là bác sĩ pháp y của ngành công an Hải Phòng. Hì hục cưa, mổ, khám nghiệm rồi khâu hoàn chỉnh lại thi thể bất kể trưa nắng hay đêm tối, thậm chí cả ngày mùng 1 Tết.

Hơn cả phim kinh dị

Cứ ngỡ đã chọn cái nghiệp pháp y, hẳn bất cứ vị bác sĩ pháp y nào cũng thuộc dạng "gan hùm mật gấu" và miễn nhiễm với những nỗi sợ hãi, nhưng hình như tôi đã nhầm.

Tới chính ông Tiếp - giai thoại sống của ngành pháp y Hải Phòng và cả Việt Nam nữa cũng chẳng phải "sắt đá" gì. Bản thân ông từng bị xác chết hù cho sợ vỡ mật, nôn ọe suốt mấy ngày trời không nuốt nổi bất cứ thứ gì trong lần đầu tiên mổ pháp y.

{keywords}

Đại tá Ngô Huy Tiếp, người từng mổ hơn 3000 thi thể (Ảnh NVCC)

"Bản lãnh" và sức đề kháng mạnh mẽ trước những hình ảnh rùng rợn, những thứ mùi kinh dị của thi thể hoàn toàn do... rèn luyện mà thành. Như ông Tiếp hài hước bông đùa: "Thối ngửi mãi cũng quen, chứ còn khi chưa quen thì đối diện với những thi thể cũng là một điều kinh khủng lắm!".

Cái lần đầu tiên ông Tiếp đảm nhận công việc bác sĩ pháp y lại là một ca cực khó. Có vẻ như số phận cũng muốn thử thách ông Tiếp trước khi để ông gắn bó với cái nghề đáng sợ này, nên ca đầu tiên ông tiếp xúc đã khiến ông suýt "bỏ của chạy lấy người".

Số là thi thể mà ông khám nghiệm ngày ấy lại chết trong một hoàn cảnh khá oái oăm: Nằm chết bên trong một thùng phuy chứa xăng cỡ lớn.

Cái xác đang trong thời kỳ phân hủy mạnh nên không thể nào đưa ra ngoài, vì vậy người ta buộc phải lấy máy hàn cắt phần nắp của phuy xăng ra một cái lỗ đủ để ông bác sĩ pháp y chui lọt.

Khung cảnh lúc đó hệt như trong một cuốn phim kinh dị.

Không gian chật hẹp của thùng phuy kết hợp với mùi thối nồng nặc của xác đang trong thời kỳ phân hủy mạnh khiến nước mắt, nước mũi của ông cứ thế trào ra.

Tuy nhiên, đó chỉ là phần mở đầu khá nhẹ nhàng để chào đón vị tân bác sĩ pháp y.

Màn rùng rợn nhất mà ông Tiếp không thể nào quên được cho tới tận bây giờ chính là lúc ông run run đưa kéo vào cắt trang phục của thi thể để bắt đầu khám nghiệm.

Mũi kéo vừa chạm vào phần áo, cắt chưa hết một đường thì hàng ngàn hàng vạn con côn trùng nằm phía trong xác chết thấy động ào ào bay túa ra.

Khổ nỗi, chúng cũng như ông Tiếp đều bị nhốt lại phía bên trong không gian của phuy xăng, chỉ có một ít bay lọt được ra ngoài. Vậy là chúng bám đầy lên người, lên mặt, chui cả vào quần áo, mồm miệng, lỗ mũi, lỗ tai của ông bác sĩ pháp y mới vào nghề.

Cái cảm giác bị "vạn trùng khủng bố" ấy ông Tiếp bảo, cả đời ông không làm sao quên được.

{keywords}

Ông "đồ tể" từng có nhiều kỷ niệm hãi hùng với thi thể người chết (Ảnh NVCC)

Không chỉ là cái rùng mình khi đám côn trùng bé tí cứ lúc nhúc bò lên người mình, mà kinh rợn nhất là cảm giác những thứ dịch thi thể bám đầy trên người lũ côn trùng ấy đang được... xoa lên mọi nơi trên cơ thể, kể cả mồm miệng khiến ông nôn thốc nôn tháo ngay tại chỗ.

Tới tận mấy ngày sau, ông vẫn còn thấy cái mùi kinh khủng ấy phảng phất ở mũi mình và hễ ăn bất cứ thứ gì vào miệng đều bị nôn ra bằng sạch.

Những tưởng, trải nghiệm đầu tiên kinh dị ấy sẽ làm ông Tiếp "tởn tới già", nhưng kỳ lạ thay, sau khi những sợ hãi và ám ảnh kia qua đi, ông Tiếp lại cảm thấy... bình thường.

Rồi dần dà, làm nhiều quen tay, những thứ từng khiến ông sợ đến chết đi sống lại kia nay cũng trở thành chuyện nhỏ.

Ông bảo, đời pháp y còn có nhiều thứ đáng phải quan tâm hơn là xác chết hay mùi thối nhiều lắm. Và một trong những thứ đó chính là trách nhiệm nặng nề của những người "bắt tử thi lên tiếng" như ông.

(Theo Trí Thức Trẻ)