- TAND TP.HCM mở phiên sơ thẩm xét xử đại án gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (viết tắt là VNCB). Đây là một trong những đại án gây thiệt hại số tiền lớn nhất từ trước đến nay.

Đại gia bất động sản

Trong số 36 bị cáo hầu tòa, Phạm Công Danh (SN 1965, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh) bị cáo buộc với hai tội danh “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

{keywords}
Vụ án tại ngân hàng Xây dựng gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng 

Ông Danh bị truy tố theo quy định tại khoản 3 điều 165 và khoản 3 điều 179 bộ luật Hình sự. Người này cũng được xác định giữ vai trò chính, chủ mưu trong vụ án.

Trước khi bị khởi tố, Phạm Công Danh được dư luận và giới doanh nhân biết đến là ông chủ tập đoàn Thiên Thanh, một trong những đại gia trên thương trường.

Tập đoàn này có hàng chục đơn vị trực thuộc, kinh doanh nhiều lĩnh vực từ vật liệu xây dựng, thiết bị nội thất; ô tô – dịch vụ ô tô; du lịch – nhà hàng – khách sạn; tài chính – dịch vụ tài chính cho đến bất động sản..

Thiên Thanh từng nổi đình đám khi được biết đến là chủ sở hữu số lượng lớn bất động sản và các dự án tầm cỡ như: Khu du lịch nghỉ dưỡng Long Hải Bearch Resort (Bà Rịa – Vũng Tàu), khách sạn Thiên Thanh Tam Kỳ (Quảng Nam), dự án khu phức hợp Thiên Thanh Chi Lăng Plaza – Đà Nẵng với tổng kinh phí đầu tư xây dựng lên tới 750 triệu USD...

Ngay thời điểm trước khi bị bắt, Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh từng gây sốt khi nói về đại dự án đầu tư xây dựng khu phức hợp Trung tâm thương mại vật liệu xây dựng – nội thất có 4 mặt tiền (Tô Hiến Thành, Đồng Nai, Tam Đảo, Thành Thái) thuộc phường 15, quận 10, TP.HCM với quy mô xây dựng 500.000m2, vốn đầu tư dự kiến ít nhất 500 triệu USD.

Giấc mộng nhà băng

Đi lên từ ngành vật liệu xây dựng (tiền thân là hãng Gạch bông Hương Sơn tại Quảng Ngãi) nên việc phát triển ngành vật liệu xây dựng rất được Phạm Công Danh quan tâm. Hơn 5 năm trước, Thiên Thanh đã kiến nghị với Bộ Xây dựng cho phép thành lập một ngân hàng chuyên về xây dựng nhưng chưa được chấp thuận.

{keywords}
Phạm Công Danh tại phiên tòa sáng 19/7

Đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước thanh tra ngân hàng Đại Tín (Trustbank), kết luận thực trạng tài chính của Trustbank rất xấu. Vốn chủ sở hữu bị âm gần 2.855 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 6.062 tỷ đồng. Do vậy, Trustbank bị NHNN) đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Về khái niệm kiểm soát đặc biệt, theo khoản 1 điều 146 luật Các tổ chức tín dụng quy định“kiểm soát đặc biệt là việc một tổ chức tín dụng bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước do có nguy cơ mất khả năng thanh toán”. Trên cơ sở kết quả thanh tra, NHNN đã có phương án tái cơ cấu Trustbank theo hướng cho phép nhóm cổ đông cũ chuyển nhượng cổ phần cho nhóm cổ đông mới.

Không bỏ lỡ cơ hội, Phạm Công Danh đã đứng ra nhận chuyển nhượng lại cổ phần từ các cổ động cũ của Trustbank sau đó đưa người vào tiếp quản, điều hành và tiến hành lập phương án tái cơ cấu. Khi phương án được chấp thuận, ông này tổ chức đại hội cổ đông bất thường và chính thức đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Trustbank.

Các cá nhân vốn là trợ thủ đắc lực của ông này cũng có tên trong danh sách ban lãnh đạo Trustbank gồm: Phan Thành Mai giữ chức danh Tổng giám đốc, Mai Hữu Khương (thành viên HĐQT, phụ trách tài chính của Thiên Thanh) giữ chức danh Giám đốc khối kinh doanh.

Ngày 23/3/2013, Trustbank được đổi tên thành ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (viết tắt là VNCB).

Không thể phủ nhận công lao gây dựng tập đoàn Thiên Thanh cũng như những mặt tích cực của ông Đặng Công Danh nhưng đại án 9.000 tỷ đồng và những hệ lụy vẫn là điều nhức nhối.

M.Phượng