- Cho rằng Viettel tắc trách trong việc quản lý thông tin khách hàng dẫn đến tổn thất tinh thần cho mình, ông T.M.T. đã khởi kiện đòi bồi thường tổng cộng 50 triệu đồng. 

Ngày 21/6, TAND TP.HCM đã mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại về tinh thần, sức khỏe giữa nguyên đơn là ông T.M.T. (52 tuổi, TP.HCM) và bị đơn là Tập đoàn viễn thông quân đội.

Kiện vì “bom” khủng bố

Theo nội dung đơn khởi kiện, ông T. trình bày: năm 2008, ông bắt đầu sử dụng dịch vụ của Công ty viễn thông Viettel thuộc tập đoàn viễn thông quân đội (gọi tắt là Công ty Viettel) để thuê bao số điện thoại 0980804…theo phương thức thuê bao trả trước.

Sau một thời gian sử dụng đến đầu tháng 3/2010, ông T. liên tục bị các số thuê bao của Công ty Viettel gọi điện thoại quấy phá, đe dọa với những âm thanh lạ như tiếng nước sôi, tiếng gió thổi, thậm chí cả tiếng chọc tiết lợn…Từ đó, tinh thần ông bị suy sụp nghiêm trọng đến mức phải đến bệnh viện tâm thần để điều trị.

Trước sự việc trên, ông T. đã nhiều lần đề nghị trung tâm chăm sóc khách hàng của Viettel tại TP.HCM cung cấp thông tin cá nhân của các chủ thuê bao có hành vi quấy rối trên để ông khởi kiện họ ra tòa, yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng phía Viettel không cung cấp.

Nhiều người không khỏi đau đầu vì “bom” điện thoại

Do đó, nguyên đơn đã phải khiếu nại đến công an xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM nhờ điều tra, xem xét. Tuy nhiên, khi cơ quan công an vào cuộc thì tên và địa chỉ của các chủ thuê bao do Viettel cung cấp cho công an không có thực nên công an không thể giải quyết.

Ông T. cho rằng việc Viettel từ chối cung cấp thông tin cá nhân của các số thuê bao nói trên và việc tắc trách trong việc quản lý thông tin khách hàng dẫn đến thiệt hại cho ông vì bị “khủng bố” qua tin nhắn. Từ đó, ông khởi kiện ra tòa yêu cầu Viettel phải bồi thường tổng cộng 50 triệu đồng (gồm 4 triệu đồng chi phí điều trị và 46 triệu đồng tiền bồi thường tổn thất tinh thần). 

Không chứng minh, không được bồi thường

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viettel xác nhận đầu năm 2010, ông T. có gọi điện lên tổng đài phản ánh tình trạng trên. Sau khi tiếp nhận phản ánh của ông T., kết quả kiểm tra cho thấy số điện thoại 0169674… có gọi đến số thuê bao của ông T. 4 lần nên đã tiến hành cảnh báo, nhắc nhở đến số thuê bao quấy rối.

Ngày 10/3/2010, ông T. tiếp tục liên hệ trực tiếp trung tâm chăm sóc khách hàng yêu cầu xử lý số thuê bao trước đây cùng 2 số thuê bao khác vì có hành vi quấy rối. Ngoài ra, ông T. cũng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân của tất cả các thuê bao đã quấy rối ông nhưng vì quy định bảo mật thông tin của khách hàng nên Viettel từ chối đề nghị trên.

Ngày 30/3/2010, do không đồng tình nên ông T. tiếp tục liên hệ với Trung tâm chăm sóc khách hàng tại TP.HCM yêu cầu Công ty Viettel phải bồi thường tổn thất cho ông. Tuy nhiên, hành vi quấy rối là hành vi chủ quan của các khách hàng sử dụng dịch vụ, trong giới hạn nhà cung cấp, Viettel đã hỗ trợ cung cấp công cụ (call blocking - chặn cuộc gọi) và xử lý ngăn chặn theo yêu cầu nhằm hạn chế việc quấy rối. Viettel không có lỗi nên không chấp nhận yêu cầu bồi thường của nguyên đơn.

Đại diện Viettel cũng cho biết sau khi nhận được công văn của Công an xã Lê Minh Xuân về việc đề nghị cung cấp thông tin của các thuê bao di động có hành vi quấy rối để phục vụ công tác điều tra, Viettel đã cung cấp toàn bộ thông tin về các chủ thuê bao nói trên đăng ký và có trong cơ sở dữ liệu do khách hàng đăng ký. Về tính chính xác của những thông tin này, Viettel không xác minh vì đây là thuê bao trả trước.

Từ đó, đại diện Viettel cho rằng việc ông T. bị quấy rối là phát sinh trong quan hệ cá nhân của khách hàng, Viettel chỉ là nhà cung cấp dịch vụ và đã xử lý vụ việc đúng theo quy định, Viettel không phải là đối tượng quấy rối khách hàng nên không chấp nhận bồi thường.

Tại phiên phúc thẩm, các bên giữ nguyên quan điểm.

Ông T. cung cấp cho tòa kết quả giám định tâm thần của cơ quan chức năng. Về các âm thanh “lạ” trong các cuộc đến từ những thuê bao quấy rối, ông T. xác định chỉ có bản thân ông nghe thấy chứ không có một chứng cứ nào khác. Tuy nhiên, ông giữ nguyên yêu cầu đòi Viettel phải bồi thường. Đáp lại quan điểm của ông T., đại diện Viettel giữ nguyên ý kiến như tại phiên sơ thẩm.

Sau khi xem xét, Hội đồng xét xử nhận định: mặc dù trong hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, phía nguyên đơn khai có bị các số thuê bao di động quấy rối nhưng ngoài lời khai do bản thân nghe thấy, ông T. không đưa ra được chứng cứ nào khác. Bên cạnh đó, mặc dù kết quả giám định tâm thâm xác nhận ông T. có bị ảnh hưởng tổn thương tinh thần nhưng không xác định nguồn gốc tổn thất do đâu, cụ thể là nguyên nhân nào…Do vậy không có cơ sở xác định việc các thuê bao quấy rối đã dẫn đến tổn thất tinh thần cho nguyên đơn.

Đối với Viettel, tòa nhận định việc bị đơn từ chối cung cấp thông tin cá nhân khách hàng cho ông T. là đúng, phù hợp với quy định. Khi có công văn yêu cầu của cơ quan chức năng, Viettel đã cung cấp toàn bộ thông tin trên cơ sở đăng ký của khách hàng. Việc Viettel không xác minh các thông tin khách hàng trên là phù hợp với quy định vì đây là những thuê bao di động trả trước. Từ đó, Hội đồng xét xử đã bác đơn kháng cáo cũng như toàn bộ yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông T, giữa nguyên phán quyết của bản án sơ thẩm.

M.Phượng