- Giang tự đứng ra quản lý hoạt động của chợ,  thu tiền chỗ ngồi bán hàng, cưỡng đoạt của 15 bị hại số tiền trên 103 triệu đồng.

Ngày 29/11, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Lưu Thị Kim Giang (SN 1970, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) ra xét xử tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Bị hại trong vụ án này là hàng chục tiểu thương buôn bán lặt vặt tại khu chợ tạm Tân Mỹ, quận Nam Từ Liêm.


{keywords}
Lưu Thị Kim Giang tại tòa.

Chuyên bán thịt lợn ở chợ chợ Tân Mỹ, đến năm 2011, Giang cùng toàn bộ các tiểu thương kinh doanh tại đây đều phải chuyển sang khu chợ tạm.

Là "ma cũ", Giang nhanh chóng vươn lên vị trí nữ "đại ca", thường xuyên cưỡng đoạt tiền của những người “buôn thúng bán mẹt” tại chợ tạm này.

Giang tự cho mình quyền quyền sắp xếp, thu tiền chỗ ngồi bán hàng cũng như quyết định ai được bán hàng. Tiểu thương nào không chịu nộp tiền, Giang sẽ sai đàn em đuổi đánh, chửi bới, không cho bán hàng tại chợ hoặc hất đổ hàng hóa.

Ban đầu, Giang thu tiền chỗ ngồi là 200.000 đồng/tháng, đến tháng 8/2014, Giang tăng mức thu lên đến 500.000 đồng/tháng.

Đối với những người mới đến chợ tạm Tân Mỹ buôn bán và chưa có chỗ ngồi ổn định, Giang bắt họ phải đóng tiền “xây dựng chợ” từ 2 triệu đồng đến 6 triệu đồng, tùy loại hàng kinh doanh. Sau đó, những người này tiếp tục phải nộp tiền hàng tháng như mọi người.

Những ai chống đối sẽ bị Giang chửi bới, đe dọa đuổi khỏi chợ hoặc cho người đến xử lý, gây sự hất đổ hàng hóa, lấy hàng nhưng không trả tiền hoặc kê bàn chen lấn chỗ bán hàng.

Giang quy định, vào khoảng ngày 15 âm lịch hàng tháng, những người bán hàng phải nộp tiền cho Giang.

Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2013 đến 3/2016, Giang đã chiếm đoạt tiền của nhiều người bán hàng tại chợ tạm Tân Mỹ.

"Tức nước vỡ bờ"

Trong số các nạn nhân của Giang có chị Trần Thị Hồng M. Chị M. buôn bán rau ở chợ Tân Mỹ nhiều năm nay. Đến tháng 6/2014, Giang đến gặp chị M. yêu cầu nộp tiền "luật" 300.000 đồng/tháng.

Bị đe dọa, nhưng vì muốn yên ổn buôn bán để có tiền trang trải cuộc sống, chị M. đã phải chấp nhận nộp tiền bảo kê đều đặn. Đến tháng 10/2014, Giang lại tự ý tăng giá tiền "luật", đòi thu của chị M. và những tiểu thương khác 500.000 đồng/tháng.

Đến tháng 2/2016 do hàng rau ế ẩm, chị M. xin Giang hạ tiền bảo kê xuống còn 400.000 mỗi tháng. Đến tháng tiếp theo, khi nộp tiền “luật” chị M. chỉ có 300.000 đồng nộp cho Giang.

Không đồng ý, Giang ném tiền vào mặt chị M., đồng thời đe dọa: “Mày có đưa đủ không? Tao cho người đến xử lý mày".

Sáng 26/3, khi chị M. và chồng đang dọn hàng ra bán thì bị Giang xông đến hất đổ hết gánh hàng và kê chiếc bàn gỗ vào chỗ ngồi của chị M. kèm lời đe dọa: "Tao sẽ cho người khác bán chỗ của mày". Khi chị M. tức giận phản ứng lại liền bị Giang túm tóc đánh tới tấp.

"Tức nước vỡ bờ", chị M. đã dũng cảm đến công an trình báo và Giang bị bắt sau đó. 

Cùng cảnh ngộ như chị M, còn có ít nhất 14 tiểu thương khác cũng bị Giang thường xuyên gây sức ép, đe dọa và buộc phải nộp tiền bảo kê hàng tháng. Tổng số tiền Giang cưỡng đoạt của 15 bị hại là trên 103 triệu đồng.

Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa phúc thẩm, nữ "đại ca" chối tội. Tuy nhiên HĐXX cấp sơ thẩm cho rằng, căn cứ vào các lời khai của những người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng và các tài liệu khác có trong hồ sơ, đủ căn cứ kết luận Giang phạm tội Cưỡng đoạt tài sản.

HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo mức án 6 năm tù giam. Tại phiên tòa phúc thẩm, Giang khai, có người đứng đằng sau sai khiến bị cáo làm việc đó. Tuy nhiên, chị ta không chỉ ra được người sai khiến mình là ai.

Cho rằng các quyết định tại bản án sơ thẩm đối với bị cáo là đúng pháp luật, nhưng mức hình phạt áp dụng đối với bị cáo có phần nghiêm khắc, HĐXX cấp phúc thẩm quyết định giảm cho Giang 2 năm tù, xuống còn 4 năm tù giam.

T.Nhung