- VKS căn cứ theo công văn 4342 của Bộ Y tế để nêu quan điểm luận tội với bị cáo Hoàng Công Lương, nhưng sau phần giải thích của Bộ Y tế, đại diện VKS cho rằng công văn này đã gây hiểu nhầm.

Tại phiên xét xử BS Hoàng Công Lương và 2 bị cáo trong vụ án xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình chiều qua, đại diện Bộ Y tế có mặt tại toà để làm rõ nhiều nội dung trong công văn trả lời cơ quan điều tra.

Cùng câu hỏi, 2 câu trả lời

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, ông là người thừa lệnh Bộ trưởng ký 2 công văn gồm công văn 4342 ngày 2/8/2017 gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình và công văn số 2322 ngày 27/4/2018 gửi Văn phòng luật sư Nguyễn Chiến - bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương.

Sở dĩ HĐXX cho triệu tập đại diện Bộ Y tế do phần trả lời có sự khác nhau giữa 2 công văn dù cùng câu hỏi. Nội dung này đã được LS Trần Hồng Phúc đề cập trong phiên xử cuối tuần trước.

Cụ thể, cơ quan điều tra có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị làm rõ 6 câu hỏi, trong đó nội dung câu số 4: “Sau khi sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2, có cần thiết phải xét nghiệm, kiểm tra, sinh hoá, tiêu chuẩn nước khi đưa hệ thống lọc nước vào sử dụng không, căn cứ vào văn bản hướng dẫn cụ thể nào?”. 

{keywords}
Ông Nguyễn Huy Quang, đại diện Bộ Y tế tại phiên toà


Trong công văn 4342, Bộ Y tế trả lời: “Sau khi sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2, nhất nhất phải làm xét nghiệm để kiểm tra chất lượng nước có phù hợp với tiêu chuẩn AAMI (gồm 25 chỉ tiêu) hay không. Việc xét nghiệm tồn dư hoá chất là bắt buộc, đồng thời khuyến cáo xét nghiệm thêm vi khuẩn và độc tố Endotoxin”.

Tuy nhiên trong công văn 2322, Bộ Y tế nói chưa có quy trình sửa chữa, thay thế với hệ thống RO nên thực hiện theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Đồng thời khẳng định, hiện chưa có văn bản nào quy định phải kiểm tra tất cả các chỉ tiêu, tiêu chuẩn của AAMI sau khi khi bảo dưỡng.

HĐXX yêu cầu giải thích rõ sự khác biệt, một cái là bắt buộc, một cái là khuyến cáo, ông Quang cho rằng 2 công văn này không có mâu thuẫn, việc trả lời 4342 là dựa theo hợp đồng ký kết giữa công ty Thiên Sơn và BV.

“Bản chất của AAMI là tiêu chuẩn VN, cái này áp dụng tự nguyện. Còn trong hợp đồng giao kết có tiêu chuẩn đó thì phải thực hiện trách nhiệm theo hợp đồng”, ông Quang giải thích.

“Theo ông cách hiểu nào chuẩn nhất?”, HĐXX hỏi. Ông Quang trả lời: “Sau mỗi lần sửa chữa, bảo dưỡng, bắt buộc phải làm xét nghiệm tồn dư hoá chất và khuyến cáo làm thêm xét nghiệm vi khuẩn và Endotoxin”.

VKS cũng hiểu nhầm

VKS truy vấn đại diện Bộ Y tế rằng tại sao không được đọc hợp đồng, cơ quan điều tra không gửi hợp đồng mà lại dựa vào đó để trả lời công văn 4342?

Ông Quang cho biết, trước khi trả lời đã tham khảo ý kiến nhiều nhà chuyên môn và chỉ trả lời tổng thể câu hỏi của cơ quan điều tra.

“Tại sao người ta hỏi cụ thể, ông lại trả lời tổng quát? Tại sao công văn 4342 nói nhất thiết phải xét nghiệm AAMI nhưng công văn 2322 lại nói chưa có quy định bắt buộc phải kiểm tra, như vậy có mâu thuẫn không”, VKS hỏi.

Ông Quang trả lời: Không có gì mâu thuẫn cả. Hiện VN chưa có văn bản bắt buộc xét nghiệm AAMI. Trong công văn trả lời cơ quan điều tra là liên quan trực tiếp đến hợp đồng giao kết.

“Nếu hiểu như ông thì chúng tôi cũng hiểu đơn giản trong hợp đồng có thì phải ràng buộc nhưng câu số 4 là hỏi theo tính chất chuyên môn. Tôi khẳng định luôn, câu số 4 trả lời không bám sát câu hỏi của cơ quan tố tụng. Trong khi chính công văn 4342 là căn cứ để chúng tôi bám sát nêu kết luận trong cáo trạng. Theo cách hiểu này là chúng tôi hiểu nhầm. Chúng tôi xác định giữa 2 văn bản này Bộ Y tế trả lời chưa rõ ràng, chưa chính xác”, đại diện VKS lập luận.

Đại diện VKS nói thêm, chỉ đến khi tranh luận, LS Trần Hồng Phúc đưa ra công văn 2322, khi đó VKS mới biết có mâu thuẫn, không thấy điểm chung nào.

“Chúng tôi đã kết luận theo công văn 4342 rồi, bây giờ chúng tôi cũng hiểu hoàn toàn khác. Cơ quan điều tra và VKS đã kết luận như vậy, nếu chúng tôi xác nhận trách nhiệm thuộc Bộ Y tế thì ông trả lời thế nào?”, VKS hỏi.

Ông Quang cho rằng, nếu hợp đồng có AAMI thì bắt buộc phải làm, việc trả lời 4342 dựa theo hợp đồng nên không thể có trách nhiệm Bộ Y tế ở đây. Ông đề nghị HĐXX tham khảo nhiều nguồn chuyên gia như BS Bùi Nghĩa Thịnh, TS Nguyễn Hữu Dũng.

Tuy nhiên đại viện VKS cho rằng, cơ quan điều tra đã hỏi Bộ Y tế, đã tin tưởng cơ quan cao nhất, “cơ quan chủ quản đã trả lời vậy còn cần hỏi chuyên gia làm gì”.

LS Nguyễn Chiến sau đó cũng hỏi ông Quang quanh bộ tiêu chuẩn AAMI. Ông Quang cho biết, đây là tiêu chuẩn của Hiệp hội vì sự phát triển của thiết bị y tế Hoa Kỳ, các quốc gia muốn sử dụng phải có chuyển hoá, cơ sở y tế muốn sử dụng phải xây dựng tiêu chuẩn cơ sở.

Phiên toà xử BS Lương bước vào ngày tranh cãi nảy lửa

Phiên toà xử BS Lương bước vào ngày tranh cãi nảy lửa

Bước sang ngày thứ 11, phiên toà xử BS Lương sẽ có phần tranh luận nảy lửa giữa đại diện VKS và các luật sư bào chữa.

Xử BS Lương: Thu tiền chạy thận gấp đôi, BV Hoà Bình vẫn báo lỗ

Xử BS Lương: Thu tiền chạy thận gấp đôi, BV Hoà Bình vẫn báo lỗ

Giá chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình gần gấp đôi BV Bạch Mai, tuy nhiên suốt 7 năm, BV luôn báo lỗ.

Xét xử BS Lương: Luật sư chỉ ra hàng loạt vi phạm tố tụng

Xét xử BS Lương: Luật sư chỉ ra hàng loạt vi phạm tố tụng

Luật sư Nguyễn Chiến cho rằng VKS chưa làm hết trách nhiệm, vi phạm hàng loạt quy định tố tụng, luận tội thiếu căn cứ.

Xét xử BS Lương: Xuất hiện chứng cứ mới, triệu tập 3 nhân chứng

Xét xử BS Lương: Xuất hiện chứng cứ mới, triệu tập 3 nhân chứng

Xuất hiện chứng cứ mới được cho là phía BV đa khoa tỉnh Hoà Bình và công ty Thiên Sơn đã hoàn tất thanh lý hợp đồng.

Xét xử BS Lương: Hàng loạt nhân chứng thay đổi lời khai

Xét xử BS Lương: Hàng loạt nhân chứng thay đổi lời khai

Hàng loạt điều dưỡng viên tại đơn nguyên thận nhân tạo thừa nhận lời khai tại cơ quan điều tra không đúng sự thật.

Thúy Hạnh