Vụ người mẹ tàn nhẫn xuống tay với chính 3 con đẻ của mình rạng sáng 16/8 tại vùng núi ở Hà Giang lại nối dài thêm “danh sách đen” những vụ thảm án đau lòng xảy ra tại khu vực vùng sâu vùng xa. Câu hỏi đặt ra là: Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này?

PV có cuộc phỏng vấn đại tá, PGS, TS Đỗ Cảnh Thìn  - Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học (Viện Khoa học cảnh sát - Học viện Cảnh sát nhân dân).

Thời gian qua có không ít vụ thảm án xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, những nơi vốn được coi là yên bình. Trên cơ sở khoa học, có thể lý giải điều gì, thưa ông?

Trước đây tội phạm xảy ra ở nông thôn,vùng sâu vùng xa thường chỉ dừng ở những vụ như kiểu gây thương tích cho nhau, những vụ án mạng có tính chất đặc biệt nghiêm trọng không xảy ra nhiều như thời gian gần đây.

{keywords}

Cơ quan chức năng đang khám nghiệm hiện trường vụ thảm sát tại huyện Bát Xát, Lào Cai. Ảnh: I.T

Về cơ bản, có thể thấy trong khi xã hội phát triển rất nhanh, thông tin truyền thông phát triển mạnh tác động vào người dân ở mọi vùng đất nước, riêng ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp cận thì những yếu tố tiêu cực của đời sống, phương thức thủ đoạn của tội phạm lại lan vào nhanh hơn so với những mặt tích cực. Có nghĩa sự lan tỏa những vấn đề trong đời sống xã hội đến vùng sâu, vùng xa không tương đương với việc nâng cao trình độ của con người cả về nhận thức văn hóa, lối sống, pháp luật.

Nếu trong gia đình mà có sự gắn bó với nhau hay còn gọi là thiết chế gia đình bền vững, làng xóm cộng đồng quan tâm đến nhau thì rõ ràng khi nảy sinh mâu thuẫn người ta dễ hòa giải với nhau hơn chứ không đối xử với nhau bằng những hành vi dã man và tàn nhẫn như vậy”.

 Đại tá, PGS,TS Đỗ Cảnh Thìn

Vấn đề thứ hai là quan hệ xã hội ở những vùng sâu, vùng xa, sự gắn kết cộng đồng giữa những con người với nhau còn lỏng lẻo. Thiết chế văn hóa truyền thống còn đó nhưng không mang màu sắc mới, nó không tiến bộ hơn, đôi khi có những hủ tục lại trỗi dậy. Những cái đó dần dần tác động vào tư tưởng, tình cảm, tâm lý, lối sống và hành vi của con người.

Bên cạnh đó, cũng phải nói một phần là do việc quản lý về mặt nhà nước, trong đó có việc tuyên truyền phòng ngừa tội phạm, xây dựng thiết chế văn hóa, tình làng nghĩa xóm ở vùng sâu, vùng xa còn lỏng lẻo.

Chính vì thế, khi xảy ra những mâu thuẫn với nhau, rồi xung đột, một số người ở địa bàn vùng sâu, vùng xa có hành động phạm pháp một cách dã man, lạnh lùng hơn, vô cảm và mãnh liệt. Hành động đó đã đi rất xa so với bản chất vốn có của người dân những vùng này là hiền hậu, nghĩa tình, cư xử với nhau có chừng mực. Trong những vụ án mạng sát hại nhiều người xảy ra ở vùng sâu, vùng xa như vừa qua, nếu người phạm tội biết được hành vi của mình sẽ phải trả rất đắt cho bản thân, gia đình cũng như xã hội thì chắc họ đã không hành động.

Trong quá trình công tác, có vụ thảm sát nào mà ông từng đến để nghiên cứu, khảo sát và rút ra nguyên nhân?

Sau khi xảy ra vụ án Đặng Văn Hùng ở Yên Bái (sát hại 4 người trong một gia đình xảy ra tháng 8/2015), tôi cùng đoàn công tác của Bộ Công an có đến khảo sát vùng này. Vụ án thì xảy ra rồi, nhưng đằng sau đó, sự gắn kết giữa các gia đình, làng xã ở đây thấy rất lỏng lẻo.

{keywords}

PGS, TS, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn. Ảnh: Báo Đà Nẵng

Ở đó nhiều người dân học hành hạn chế nên những việc như để hiểu biết về văn hóa đời sống, hiểu biết xã hội, pháp luật và những gì tốt đẹp trong đời sống dường như chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, việc tạo môi trường xã hội để cho người dân gắn kết với nhau về mặt đạo đức, văn hóa và pháp luật thấy cũng ít được quan tâm.

Nếu ở trong gia đình có sự gắn bó với nhau hay còn gọi là thiết chế gia đình, làng xóm cộng đồng quan tâm đến nhau thì rõ ràng khi nảy sinh mâu thuẫn người ta dễ hòa giải với nhau, chứ không phải là những hành vi dã man với nhau.

Vậy theo ông, yếu tố để gắn kết cộng đồng và hình thành những vùng sinh sống an toàn, yên bình là gì?

Trước hết, ở những vùng đã từng xảy ra những vụ thảm án, chúng ta không được để những vùng đó trống về văn hóa, về pháp luật. Địa phương cần phải tố chức để cho khu dân cư, làng bản phát huy được truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc nơi đó, đạo đức của gia đình dòng họ nơi đó.

Làm sao để những người trong cùng gia đình, dòng họ, cũng như làng xóm, khu dân cư phải có sự gắn kết với nhau. Muốn người dân có sự gắn kết phải tổ chức họ lại, muốn tổ chức họ lại không ai khác đó là chính quyền phối hợp chặt với các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ...

Một vấn đề nữa cũng phải tính đến là xây dựng thiết chế văn hóa. Vấn đề này nói ra rộng nhưng nôm na là họ tộc nhà tôi phải làm gì, gia đình tôi phải làm gì, làng xóm láng giềng tôi phải làm gì và ứng xử với nhau như thế nào cho hợp nhẽ.

Một vấn đề không thiếu phần quan trọng là tuyên truyền để cho người dân nâng cao hiểu biết pháp luật. Đối với những nơi vùng sâu, vùng xa, chúng ta đừng nên tuyên truyền kiểu chung chung kiểu điều này, luật kia mà phải tuyên truyền một cách trực tiếp qua những công việc cụ thể, vụ việc cụ thể, như thế mới sinh động được và có tác động trực tiếp vào suy nghĩ, nhận thức của người dân.

Theo Dân Việt