Từ 01/01/2017, Việt Nam chính thức trở thành quốc gia thứ 62 trên thế giới công nhận chuyển đổi giới tính cho những người không may bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác.

Tuy nhiên, từ việc công nhận mang tính nguyên tắc cho đến việc thực thi trên thực tế là một quá trình rất dài, trải qua nhiều thủ tục phức tạp, bởi liên quan rất nhiều đến quyền nhân thân, an sinh xã hội…

Quyền chuyển đổi giới tính: Một quy định tiến bộ, nhân văn

Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 (BLDS 2015) đã được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, đưa vào nhiều quy định mới và hết sức tiến bộ, trong đó có nội dung về chuyển đổi giới tính được quy định tại điều 37 BLDS 2015.

{keywords}
Bom (trái) ở Hải Phòng - người chuyển giới từ nam sang nữ cùng với bố (Ảnh: VOV).

Đây là lần đầu tiên pháp luật Việt Nam công nhận, tạo ra một bước tiến mới trong công tác xây dựng pháp luật cũng như giải quyết nhu cầu của một bộ phận công dân trong xã hội. Đây là một quy định mang tính nhân văn, phù hợp với chế định quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp 2013 bảo hộ.

Cụ thể, điều 37 quy định như sau: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”

Việt Nam là nước thứ 62 thông qua quy định cho phép chuyển đổi giới tính. Trước đó, có 61 nước trên thế giới cho phép chuyển đổi giới tính, bao gồm: 38 quốc gia thuộc châu Âu (Đức, Pháp, Hà Lan, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch…); 2 quốc gia thuộc châu Đại dương (Úc và New Zealand); 11 quốc gia thuộc châu Mỹ (Hoa Kỳ có 5 bang không cho phép; 27 bang cho phép thay đổi giấy tờ sau khi đã phẫu thuật; 18 bang cho phép và không bắt buộc phẫu thuật); Nam Phi là quốc gia duy nhất thuộc châu Phi cho chuyển đổi giới tính.Riêng châu Á có 9 quốc gia và 1 vùng lãnh thổ (Đài Loan) cho phép chuyển giới tính.

Tuy nhiên, trong số 61 nước cho chuyển đổi giới tính có 2 nhóm. Một nhóm cho phép chuyển đổi giới tính mà không cần qua phẫu thuật như Anh, Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Nga, Bồ Đào Nha, Canada, Israel, Hàn Quốc. Các nước còn lại bắt buộc phải qua phẫu thuật mới cho chuyển đổi giới tính, trong đó có một số nước như Pháp, Úc, Cu ba, Iran chi phí phẫu thuật sẽ do nhà nước chi trả.

Mặc dù chưa có luật về chuyển đổi giới tính nhưng theo tinh thần của điều 37 BLHS 2015, Việt Nam nằm trong nhóm nước bắt buộc phải qua phẫu thuật mới cho chuyển đổi giới tính.

Thực thi: Phải chờ Luật về chuyển đổi giới tính

Việc thực thi quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp quy định phải được điều chỉnh bằng luật. Do vậy, điều 37 BLDS 2015 được xem là quy định mang tính nguyên tắc chung nhất. Để thực hiện được nội dung này, chúng ta cần phải chờ Quốc hội thông qua một đạo luật riêng, quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện chuyển đổi giới tính...

Ngoài ra, chúng ta có thể phải chờ thêm công đoạn Bộ Y tế công bố các cơ sở y tế trong nước đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Bởi lẽ, việc quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục chuyển đổi giới tính là rất cần thiết. Việc chuyển đổi giới tính có liên quan đến rất nhiều vấn đề về quyền nhân thân (xác định lại giới tính, quyền kết hôn, thay đổi lại họ tên…) và nhiều vấn đề liên quan đến an sinh xã hội.

Do đó, muốn thực thi quyền của mình, các cá nhân có nhu cầu chuyển đổi giới tính buộc phải chờ Quốc hội khóa XIV thông qua Luật về chuyển đổi giới tính. Cũng cần lưu ý thêm, tinh thần của điều 37 được hiểu là Việt Nam chỉ được công nhận là chuyển đổi giới tính sau khi đã được phẫu thuật chuyển giới. Điều này là hoàn toàn phù hợp với quy định của một số quốc gia đã công nhận cho chuyển đổi giới tính như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore và Philippines.

Trong thời gian chờ Quốc hội ban hành luật, những người muốn chuyển đổi giới tính không thể tự do kết hôn vì Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Chia sẻ về vấn đề này, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, khi trả lời báo chí ngay sau khi Quốc hội thông qua BLDS 2015 đã cảnh báo: “Bộ luật Dân sự (sửa đổi) thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính nhưng để thực thi quyền thì phải chờ luật, tức là việc chuyển đổi giới tính hiện nay vẫn chưa được phép. Đây là bước mở ra để đạo luật riêng về vấn đề chuyển giới được xây dựng, ban hành. Khi nào luật có hiệu lực thì việc chuyển giới mới được thực hiện”.

Thực tế vẫn tồn tại những quan điểm trái chiều nhưng cá nhân tôi cho rằng việc Nhà nước ghi nhận quyền xác định lại giới tính là một quy định tiến bộ, nhân văn.

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Xem toàn văn Bộ luật Dân sự tại đây: Phần 1Phần 2