- Với hàng loạt sai phạm gây thiệt hại tổng cộng hơn 9.000 tỷ đồng, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng Việt Nam bị tòa tuyên phạt mức án 30 năm tù.

Chiều 9/9, sau nhiều giờ tóm tắt lại diễn biến phiên tòa gồm lời khai của các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, quan điểm của Viện kiểm sát, phần trình bày của các luật sư, HĐXX đã đưa ra quan điểm, nhận định về vụ án.

Đủ cơ sở kết tội

Căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, HĐXX xét thấy có đủ cơ sở kết luận: năm 2012, sau khi thanh tra Ngân hàng TMCP Đại Tín (viết tắt là Trustbank), Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương tái cơ cấu Trustbank theo hướng cho phép nhóm cổ đông cũ nắm giữ hơn 84% cổ phần (do bà Hứa Thị Phấn đại diện) chuyển nhượng cổ phần cho nhóm cổ đông mới do nhóm Thiên Thanh của Phạm Công Danh làm đại diện.

{keywords}

Các bị cáo nghe Toà tuyên án. Ảnh: Đinh Quang Tuấn

Trên thực tế, thông qua Hà Văn Thắm, sau khi ký biên bản thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần, Phạm Công Danh bắt đầu đưa người vào tiếp quản điều hành và tiến hành tái cơ cấu Trustbank. Tháng 3/2013, sau khi Phạm Công Danh chính thức nắm quyền điều hành, Trustbank được đổi tên thành VNCB.

Mặc dù biết rõ tình hình tài chính của VNCB rất xấu, đang bị NHNN đặt trong tình trạng giám sát đặc biệt, mọi giao dịch từ 5 tỷ đồng trở lên phải xin ý kiến Tổ giám sát của NHNN nhưng do cần tiền để chi tái cơ cấu, chi chăm sóc khách hàng, trả lãi ngoài, trả nợ cho Thiên Thanh nên Phạm Công Danh đã bàn bạc với Phan Thành Mai tìm cách rút tiền của VNCB.

Từ chủ trương sai trái trên, Phạm CôngDanh đã chỉ đạo Phan Thành Mai và các bị cáo trong vụ án này đã ký đề án khống về việc nâng cấp Corebanking, lập hồ sơ khống thuê mặt bằng tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh, chuyển tiền không có chữ ký của chủ tài khoản là bà Trần Ngọc Bích, cho vay nhưng không có chữ ký của chủ sổ tiết kiệm, ủy thác đầu tư trái quy định để rút trái phép hàng ngàn tỷ đồng.

{keywords}

Hội đồng xét xử tuyên án. Ảnh: Đinh Quang Tuấn

Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng", gây thiệt hại hơn 7.000 tỷ đồng. HĐXX không chấp nhận quan điểm của luật sư khi cho rằng thân chủ mình không phạm tội hay đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. HĐXX cũng bác bỏ quan điểm của luật sư khi cho rằng quyết định số 12 là trái pháp luật vì Trustbank làm ăn thua lỗ nên NHNN mới đặt trong tình trạng giám sát đặc biệt.

Về bối cảnh, nguyên nhân phạm tội, các luật sư cho rằng khi tái cơ cấu Trustbank, Danh đã phải bỏ ra hàng tỷ đồng. HĐXX đồng ý với các luật sư cho rằng Tập đoàn Thiên Thanh là tập đoàn có nền tảng phát triển truyền thống. Tuy nhiên, đến khi bị cáo Danh tham gia tái cơ cấu ngân hàng thì vốn của Thiên Thanh chỉ hơn 1.000 tỷ đồng.

"Khi bắt tay vào cơ cấu ngân hàng, bị cáo không đủ năng lực tài chính. Khi không có khả năng tài chính thì mọi suy tính đều nằm ngoài tầm với, bị cáo phải đối diện nhiều khoản lãi, tiền vốn quá lớn. Hoàn cảnh này hoàn toàn là do bị cáo tự tạo ra cho mình nên không có cơ sở xem xét", tòa nhận định.

Tương tự, đối với hành vi "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", HĐXX cho rằng cáo trạng truy tố các bị cáo về tội danh trên với tổng thiệt hại 2.095 tỷ đồng là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật. HĐXX xét thấy tội danh mà VKS đã truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội.

Thiệt hại 9.133 tỷ đồng

Theo HĐXX, hành vi phạm tội của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại của VNCB tổng cộng hơn 9.133 tỷ đồng, thiệt hại đặc biệt lớn nên cần xử lý nghiêm. Trong đó, Phạm Công Danh giữ vai trò chủ mưu cầm đầu; các bị cáo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết là đồng phạm tích cực, hơn 30 bị cáo khác là đồng phạm nên phải chịu trách nhiệm tương ứng.

Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của từng bị cáo, HĐXX tuyên phạt Phạm Công Danh mức án 18 năm tù về tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", 20 năm tù về tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", tổng hợp hình phạt là 30 năm tù (mức án tù có thời hạn cao nhất theo luật định - PV).

{keywords}

Bị cáo Phạm Công Danh rời toà. Ảnh: Đinh Quang Tuấn

Các bị cáo cùng bị truy tố về 2 tội danh trên, bị cáo Phan Thành Mai bị tuyên phạt mức án 22 năm tù, Mai Hữu Khương 20 năm tù, Hoàng Đình Quyết 19 năm tù, Nguyễn Quốc Viễn 9 năm tù, Phan Minh Tùng 7 năm tù, Bạch Quốc Hào 7 năm tù.

Đồng phạm với hành vi cố ý làm trái, các bị cáo Trần Văn Bình 4 năm tù, bị cáo Phạm Việt Thép 3 năm tù, Nguyễn Thị Kim Vân 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, Lê Công Thảo 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Liên quan đến vụ án, 25 bị cáo còn lại bị lãnh án từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 6 năm tù cùng về tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

M.Phượng