Với sự hỗ trợ của Mỹ, đặc sứ Liên Hợp Quốc (LHQ) về Syria đang tăng cường cú huých ngoại giao nhằm đạt được một thỏa thuận dẫn tới việc hạ bệ Tổng thống Bashar al-Assad và thiết lập một chính phủ chuyển giao.


Cuộc nội chiến kéo dài 20 tháng qua đang tàn phá đất nước Syria. (Ảnh: AP)


Đặc sứ Lakhdar Brahimi đã triệu tập một cuộc họp bất thường ba bên đêm ngày 6/12 ở một khách sạn tại Dublin với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton và Ngoại trưởng Nga Sergey V. Lavrov.

Sau 40 phút bàn bạc, Brahimi cho biết mục tiêu của ông là "cùng sắp đặt một tiến trình hòa bình" dựa trên các cuộc bàn thảo giữa Mỹ và Nga hồi tháng 6 song các bên không đạt được bất kỳ "quyết định ấn tượng" nào nhằm chấm dứt xung đột.

Theo đặc sứ Brahimi, ba bên đã nhất trí rằng tình hình "rất, rất, rất tồi tệ" ở Syria và dự kiến sẽ gặp lại trong vài ngày tới để đánh giá liệu họ có thể nhất trí về các chi tiết của một cách thức đàm phán mà có thể chấm dứt được cuộc xung đột kéo dài 20 tháng qua và cướp mạng sống của 40.000 người Syria.

Với tương lai của Tổng thống Assad đang ngày càng ảm đạm cùng những lo lắng rằng lãnh đạo Syria đang cân nhắc viện đến vũ khí hóa học, phía Mỹ hy vọng người Nga ủng hộ các nỗ lực của đặc sứ LHQ Brahimi. Từ lâu, Mỹ đã kêu gọi Nga dùng ảnh hưởng của mình với Tổng thống Assad để cố gắng mở ra con đường hướng tới một sự chuyển giao chính trị, mặc dù Washington khẳng định nhà lãnh đạo lâu năm của Syria sẽ phải ra đi.

"Các sự kiện trên thực địa ở Syria ngày càng leo thang, và chúng tôi thấy điều đó theo rất nhiều các khác nhau", bà Clinton nói trước cuộc họp, ám chỉ thông tin về các diễn biến vũ khí hóa học. "Áp lực chống lại chế độ ở trong và xung quanh Damascus dường như ngày càng lớn".

Vấn đề là ai sẽ lãnh đạo Syria nếu ông Assad rốt cuộc bị phế truất? Và làm thế nào cộng đồng quốc tế có thể giảm bớt nguy cơ về một cuộc xung đột sắc tộc và giáo phái mà có thể tràn qua biên giới Syria và giúp những kẻ Hồi giáo cực đoan nổi lên như một lực lượng chính trị tiềm tàng.

Mỹ đang cố gắng định hình và mở rộng phe đối lập Syria, để lực lượng này có thể đóng một vai trò chủ chốt trong một tiến trình chuyển giao chính trị nếu ông Assad bị hạ bệ. Bà Clinton ngụ ý rằng Mỹ sẽ công nhận phe đối lập Syria như một đại diện chính trị hợp pháp của người dân Syria tại một cuộc họp vào tuần tới ở Marrakesh, Morocco - thừa nhận phe đối lập Syria đang củng cố tổ chức và cơ cấu chính trị của mình.

Lực lượng đối lập ở Syria hiện đã được các nước Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh chính thức công nhận.

Thanh Hảo (Theo NY Times, Channel NewsAsia)