Chỉ trong vòng 5 năm, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại trên toàn cầu. Với 124 quốc gia coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và chỉ có 76 quốc gia có quan hệ như vậy với Mỹ, tầm ảnh hưởng của quốc gia châu Á này mỗi ngày một tăng.
Hình minh họa phát triển tại Trung Quốc. Ảnh: Guardian |
Các phát hiện này của hãng tin AP đã cho thấy sự đi lên của Trung Quốc trong vai trò là một đối tác thương mại. Và kết quả đi kèm với quan hệ quốc tế của họ là, Bắc Kinh trở nên có ảnh hưởng về mặt chính trị nhiều hơn - và sự trỗi dậy của họ sẽ chưa thể nào xuống dốc ngay được. Sản lượng của Trung Quốc trên toàn thế giới được dự báo tăng thêm 8% mỗi năm trong thập kỷ tới, và tỉ lệ này còn cao hơn mọi mức mà phương Tây đạt được.
Thương mại với Trung Quốc đã đạt mức trung bình 12,4% GDP của các quốc gia khác, đây là tỉ lệ còn cao hơn so với mức thương mại với Mỹ đã có trong suốt 30 năm qua. Thương mại với Mỹ chỉ đạt tới 3% GDP của các quốc gia trong năm 2002.
Với tầm ảnh hưởng thương mại tăng lên, Trung Quốc có thể sẽ mang lại việc làm, nâng cao tiêu chuẩn sống và giành được quyền lực chính trị.
"Mỹ giống như hổ giấy. Không ai có thể phủ nhận rằng Trung Quốc đang trên đà vươn lên" - nhận định của doanh nhân Hàn Quốc Shin Cheol-soo của công ty ENA Industry Co.
Trong khi Mỹ vẫn là nhà nhập khẩu lớn nhất và xuất khẩu nhiều sản phẩm đắt tiền và có chất lượng cao, Trung Quốc vẫn là thị trường rộng lớn hơn cho 77 quốc gia, so với con số 20 quốc gia từ hồi năm 2000.
Mỹ xuất khẩu các sản phẩm mang tính cách tân trong ngành công nghiệp ô-tô, không gian, y tế, máy tính, tài chính và dược, nhưng giá thành lao động rẻ lại giúp Trung Quốc thành công trong việc sản xuất các sản phẩm giá rẻ.
Với tỉ lệ thương mại như hiện nay, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ và trở thành 'nhà buôn' lớn nhất thế giới vào cuối năm nay.
"Trọng tâm của nền kinh tế toàn cầu đã dịch chuyển sang phía đông" - nhận định của Bộ trưởng Tài chính Mauricio Cardenas. "Tôi muốn nói rằng không có gì có thể so sánh nổi trong suốt 50 năm qua".
Trong khi suy thoái kinh tế tác động mạnh tới kinh doanh tại Mỹ, thì một số người lại rất phát đạt khi làm ăn ở Trung Quốc. Doanh nhân Shin tại Công ty ENA Industry Co. bán các phụ kiện ô-tô, giờ đây ông đã chuyển hoạt động kinh doanh của mình từ Mỹ sang Trung Quốc. Và trên khắp thế giới, người ta bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới trong tương lai.
Thậm chí, các bậc cha mẹ giờ cũng khuyên các con mình học tiếng Trung nhiều hơn.
"Các mẹ gửi con tới trường này đều tin rằng thế hệ trẻ của chúng ta sẽ là thế hệ Trung Quốc. Trong tương lai, nếu không học tiếng Trung, chúng sẽ khó tìm được việc làm" - chia sẻ của Nancy Ching, người mở trường dạy tiếng Trung tại Hàn Quốc cho biết.
Trung Quốc cũng bắt đầu nhìn vào các thị trường cho tới giờ vẫn do Mỹ thống trị. Thay vì xuất khẩu sản phẩm, Trung Quốc lại hy vọng sớm bán các dịch vụ và đầu tư, trong đó bao gồm cả xây dựng và kỹ thuật. Bằng việc làm đường, xây đập, đường cao tốc và các cấu trúc khác tại các quốc gia đang phát triển, Trung Quốc hiện đang cạnh tranh với Mỹ tại những lĩnh vực mà trước đó họ chưa từng động chạm tới.
"Khi chúng tôi thấy mọi người từ Mỹ đến, họ nói rằng 'Chúng tôi muốn hỗ trợ cho Kenya'. Nhưng tôi lại chẳng thấy gì xảy ra cả. Trung Quốc đến và tôi nhìn thấy một thứ: đó là đường" - chia sẻ của Joseph Makori, một lái xe chuyên nghiệp người Kenya. Tại đây, các công ty Trung quốc đang thắng thêm rất nhiều hợp đồng chính phủ để xây dựng hạ tầng.
Thương mại của Trung Quốc đang đạt được còn vươn xa hơn cả quan hệ đối tác kinh tế với các quốc gia cần sản phẩm giá rẻ. Quốc gia đông dân nhất thế giới đang trở thành một cường quốc có ảnh hưởng trong một loạt lĩnh vực.
Trong khi Trung Quốc sẽ vượt Mỹ và trở thành nhà buôn lớn nhất thế giới vào cuối năm nay, thì thực tế là sẽ không còn bao xa nữa Bắc Kinh sẽ cạnh tranh với Washington về mặt chính trị.
- Lê Thu (theo RT)