Susana Trimarco là một người nội trợ chuyên tâm chăm lo cho gia đình và ít
khi chú ý đến tin tức bên ngoài cho đến khi con gái bà đến gặp bác sĩ theo hẹn
và không bao giờ trở về.
Susana Trimarco (trái) giơ cao một giải thưởng nhân quyền do Tổng thống Cristina Fernandez (phải) trao tặng tại Buenos Aires, Argentina ngày 9/12. (Ảnh: AP) |
Vì không nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của cảnh sát, Trimarco tự điều tra theo một lời mách rằng cô con gái 23 tuổi của bà đã bị bắt cóc và bị ép làm nô lệ tình dục. Ngay lập tức, Trimarco đã tới các nhà thổ để tìm kiếm manh mối về con gái, và cuộc tìm kiếm có một mục đích phát sinh: giải cứu các nô lệ tình dục và giúp họ làm lại cuộc đời.
Những gì bắt đầu như một chiến dịch một-phụ nữ cách đây một thập niên đã phát triển thành một phong trào và Trimarco ngày nay là một anh hùng đối với hàng trăm cô gái bà đã cứu khỏi các đường dây mại dâm Argentina.
Bà đã vinh dự nhận được giải thưởng "Phụ nữ Can đảm" của Bộ Ngoại giao Mỹ và được đề cử cho giải Nobel Hòa bình vào ngày 28/11. Ngày 9/12, Tổng thống Cristina Fernandez đã trao cho bà một giải thưởng về nhân quyền trước sự chứng kiến của hàng trăm nghìn người ở Plaza de Mayo.
Nhưng những năm tháng khám phá thế giới ngầm tội phạm vẫn chưa giúp Trimarco tìm được con gái, Maria de los Angeles "Marita" Veron, 23 tuổi vào năm 2002 khi biến mất khỏi thị trấn quê nhà ở Tucuman, để lại con gái Micaela mới 3 tuổi.
"Tôi sống vì điều này", Trimarco, năm nay 58 tuổi, kể về cuộc điều tra của bà. "Tôi không còn cuộc sống nào khác, và thật sự đó là một cuộc sống rất buồn, rất ác nghiệt mà tôi ước không xảy ra với bất kỳ ai".
Hành trình đau thương của Trimarco giờ đây đã đạt đến một dấu mốc quan trọng. Các nỗ lực của bà đã được nhiều người biết đến và các nhà chức trách Argentina đã đem ra xét xử 13 đối tượng về tội bắt cóc Veron và giữ cô làm nô lệ tình dục trong một tổ chức gia đình gồm nhiều nhà thổ trái phép. Mại dâm không phải là trái phép ở Argentina nhưng bóc lột phụ nữ về tình dục thì bị pháp luật cấm.
Một bản cáo trạng dự kiến được đưa ra trong ngày 12/12 sau một phiên tòa kéo dài gần một năm.
Bảy đàn ông và 6 phụ nữ khẳng định họ vô tội và các luật sư bên bị cho biết không có bằng chứng nào hỗ trợ cho những cáo buộc chống lại họ. Các bị cáo quả quyết họ không biết Veron, và những phụ nữ làm việc trong các nhà thổ của họ là do tự nguyện.
Các công tố viên đã yêu cầu bản án 25 năm tù cho các bị cáo. Trimarco là nhân
chứng chính trong phiên tòa, làm chứng trong 6 ngày liên tiếp về chiến dịch tìm
kiếm người con gái mất tích của bà.
Quá trình dẫn tới phiên tòa quả là một chặng đường dài.
Nản lòng bởi những thờ ơ lãnh đạm về sự mất tích của con gái, Trimarco bắt đầu cuộc điều tra của riêng mình và tìm ra viên tài xế taxi đã đưa Veron tới một nhà thổ, nơi cô bị đánh đập và bị buộc bán dâm. Người lái xe này nằm trong số các bị cáo.
Đi cùng chồng và cháu ngoại, Trimarco giả dạng làm một người tuyển dụng gái bán hoa và lần lượt vào từng nhà thổ một để tìm kiếm manh mối. Bà sớm thấy mình đang ở giữa một thế giới nguy hiểm và ác nghiệt, thu thập chứng cứ chống lại cảnh sát, các chính trị gia và các thành viên băng đảng.
"Lần đầu tiên tôi thực sự hiểu về những gì đang xảy ra với con gái mình", bà nói. Tôi đi cùng chồng và Micaela, ngủ trên ghế sau ôtô bởi vì cháu vẫn còn nhỏ và tôi không còn ai để nhờ trông giữ cháu hộ".
Chính người phụ nữ đầu tiên mà Trimarco giải cứu đã dạy bà phải mạnh mẽ lên, bà kể lại.
"Nó gắn với tôi mãi mãi: Cô ấy bảo tôi không được để họ nhìn thấy tôi khóc, bởi vì những người vô liêm sỉ đã bắt cóc con gái tôi sẽ chế giễu tôi, và cười nhạo vào nỗi đau của tôi", Trimarco nói. "Kể từ đó, tôi không khóc nữa, tôi tự rèn mình trở nên mạnh mẽ, và khi tôi cảm thấy sắp khóc thì tôi liền nhớ ngay đến những lời nói đó và tôi giữ được bình tĩnh".
Micaela, giờ đây 13 tuổi, lúc nào cũng ở bên bà ngoại của em, góp phần công khai hóa chiến dịch chống lại nạn buôn người và giữ cho ký ức về mẹ em luôn sống mãi.
Hơn 150 nhân chứng đã ra chứng thực trong phiên tòa, gồm hàng chục người từng là nô lệ tình dục và họ mô tả các điều kiện rất kinh khủng trong các nhà thổ.
Veron có thể đã bị bắt cóc 2 lần, với sự thông đồng của chính các quan chức mà lẽ ra phải bảo vệ cô, theo Julio Fernandez, người hiện đang điều hành bộ phận phụ trách về điều tra buôn người ở sở cảnh sát Tucuman. Ông cho biết, các nhân chứng báo họ đã nhìn thấy Veron tại một trạm xe buýt 3 ngày sau khi cô mất tích, và một sĩ quan cảnh sát ở La Rioja, Domingo Pascual Andrada, đã giao cô cho một nhà thổ ở đó. Andrada, nằm trong số các bị cáo, khẳng định mình không biết ai trong số các bị cáo, chứ đừng nói đến Veron.
Các sĩ quan cảnh sát khác ở Tucuman chứng thực rằng khi họ xin giấy phép lục soát các nhà thổ ở La Rioja năm 2002, một thẩm phán đã bắt họ chờ đợi nhiều giờ đồng hồ, tạo điều kiện cho những kẻ bắt cóc Veron chuyển cô đi nơi khác. Ý kiến này được một phụ nữ bán dâm trong nhà thổ đó ủng hộ. Cô chứng thực Veron đã được chuyển đi ngay khi cảnh sát tới.
Thẩm phán Daniel Moreno không bị xét xử. Ông phủ nhận việc đã trì hoãn cuộc tìm kiếm hoặc có bất cứ liên quan nào đến các bị cáo.
Một số cô gái từng bán dâm nói họ đã nhìn thấy Veron phê ma túy và trông rất phờ phạc. Một người kể Veron cảm thấy mắc kẹt và nhớ con gái cô. Một người khác cho biết đã nhận ra Veron với mái tóc nhuộm vàng hoe và một bé trai mà cô buộc phải mang thai trong một lần bị một tên đầu sỏ cưỡng hiếp. Người thứ ba nghĩ Veron đã bị bán cho một nhà thổ ở Tây Ban Nha - một đầu mối đã được báo cho Interpol.
Chiến dịch của Trimarco nhằm tìm kiếm con gái bà đã khiến Bộ Ngoại giao Mỹ cấp tiền vốn cho một quỹ mang tên Veron. Đến nay, quỹ này đã cứu được hơn 900 phụ nữ và bé gái khỏi nạn buôn nô lệ tình dục. Quỹ cũng cung cấp sự hỗ trợ về nhà ở, thuốc men và tâm lý, đồng thời giúp các nạn nhân kiện những kẻ bắt cóc họ ra tòa.
Argentia cấm buôn người vào năm 2008, nhờ một phần lớn hoạt động của quỹ kể trên. Một lực lượng mới chuyên chống buôn người đã giải phóng cho gần 3.000 nạn nhân nữa trong vòng 2 năm, theo Bộ trưởng Bộ An ninh Nilda Garre, người đã có một bài bình luận trên báo nói rằng phán quyết của tòa án sẽ đặt ra một tấm gương điển hình.
Dù lời tuyên án như thế nào thì theo luật sư Carlo Garmendia của bà Trimarco, vụ việc cũng thực sự tạo ra khác biệt. "Nạn buôn người là một vấn đề vô hình cho đến vụ Marita (Veron)", Garmendia nói. "Vụ việ đã đặt vấn đề lên chương trình nghị sự quốc gia".
Nhưng Trimarco muốn nhiều hơn thế. "Tôi hy vọng chúng sẽ kiệt quệ và khai đã làm những gì với Marita", bà bày tỏ. "Trong tim tôi cảm thấy con gái mình vẫn sống và tôi sẽ không dừng lại chừng nào tôi tìm thấy con. Nếu con bé không còn trên cõi đời này nữa thì tôi muốn thấy xác nó".
Thanh Hảo (Theo AP)