Khi quá trình tái cân bằng lực lượng tại châu Á – Thái Bình Dương diễn ra mạnh hơn, Lực lượng Lính thủy đánh bộ của Mỹ (USMC) thấy mình đang trở về với vùng đất quen thuộc.
Trong bối cảnh đó, Chỉ huy của USMC là Tướng James F. Amos đã có cuộc trao đổi trên tờ The Diplomat về quá trình chuyển đổi và hiện đại hóa, tầm ảnh hưởng của các triển khai thành công tại Iraq và Afghanistan, hiện trạng hoạt động của lực lượng này tại châu Phi và Nam Mỹ, việc tổ chức lại mang tính chiến lược tại châu Á – Thái Bình Dương – nơi có thể sẽ là chiến trường tương lai và cả cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Tướng James F. Amos nói chuyện với các binh sĩ |
- USMC đã thích ứng như thế nào với sự biến đổi của môi trường chiến lược toàn cầu? USMC trở lại châu Á như thế nào và điều này có ý nghĩa thế nào với khu vực này?
Tướng Amos: Chúng tôi có một lịch sử lâu dài tại khu vực Thái Bình Dương. Trên thực tế, tôi thừa nhận là không có lực lượng nào thích hợp hơn các lực lượng đổ bộ của hải quân trong việc giải quyết các nhu cầu chiến lược đang nổi lên tại Thái Bình Dương – đặc biệt là khi bạn nghĩ rằng khu vực này bao gồm hơn một nửa bề mặt thế giới và hơn 50% dân số thế giới.
49% lượng dầu của thế giới đi qua eo biển Malacca và trên 60% giao thương của thế giới đi qua Thái Bình Dương. Hai trong số ba nền kinh tế hàng đầu thế giới là quốc gia Thái Bình Dương (TBD). Khu vực này đóng vai trò quan trọng chiến lược – năm trong số các hiệp ước phòng thủ song phương quan trọng nhất của Mỹ là với các quốc gia ở khu vực TBD.
Do đó, các lực lượng đổ bộ có thể đồn trú ở ngoài duyên hải và có thể tạm thời rời đi và cung ứng các hoạt động nhân đạo hoặc hợp tác, hoặc họ có thể đóng vai trò là một đơn vị có thể trợ giúp cho các nỗ lực chung lớn hơn. USMC đang điều chỉnh hướng đi về Thái Bình Dương của chúng tôi để hỗ trợ cho chiến lược mới của quốc gia.
Hiện tại, chúng tôi có khoảng 16.000 lính thủy đánh bộ triển khai ở Nhật, 8000 ở Hawaii, và 66.000 ở Nam California. Năm nay chúng tôi sẽ bắt đầu xoay vòng gần 250 lính ở Darwin, Australia và kỳ vọng quy mô lực lượng quay vòng sẽ lên tới 2500 trong vài năm tới đây khi các chính phủ cảm thấy phù hợp.
Chúng tôi cũng sẽ đưa ra con số lính thủy cuối cùng ở Guam, nhưng giờ vẫn đang xem xét là nên để ở đó bao nhiêu. Bộ trưởng Quốc phòng nói với tôi rằng ông muốn có 22.000 lính triển khai ở phía tây của Đường Đổi ngày Quốc tế để hỗ trợ cho chiến lược quốc gia chuyển hướng về Thái Bình Dương.
- Theo ông, tầm nhìn của USMC về chiến trường trong tương lai và các chiều hướng tiến triển của chiến tranh hiện đại là gì?
Tướng Amos: Về mặt lịch sử thì chúng tôi đã làm một việc rất tệ hại là phỏng đoán xem cuộc chiến tiếp theo sẽ là gì hoặc nó sẽ diễn ra ở đâu, do đó tôi không phải là người theo đuổi các xu hướng chiến tranh hiện đại. USMC cần phải dự đoán trước được những nhu cầu và tiến hành mọi việc trong các môi trường khắc nghiệt và khó lường nhất. Chúng tôi cũng cần phải quan tâm tới những gì đang xảy ra trên thế giới, và tôi có thể nói với bạn rằng chẳng có dấu hiệu nào cho thấy thế giới đang tốt đẹp hơn chút nào.
Nghiên cứu mới nhất mà tôi biết dự đoán rằng dân số thế giới sẽ lên tới 10 tỉ người vào năm 2050 và có hơn 8 tỉ người sẽ ở các khu vực đang phát triển. Chúng ta sẽ không có thêm nhiên liệu hóa thạch, nước có thể vận chuyển hoặc đất có thể canh tác, do đó, tôi nghĩ rằng sẽ có một số thách thức thật sự ở những nơi nay.
Chúng tôi cũng làm việc để hỗ trợ các lính thủy đánh bộ trong các chiến trường trong tương lai bằng cách đưa ra các quyết định kinh doanh hợp lý liên quan tới việc hiện đại hóa – đặc biệt là với các phương tiện chiến đấu chiến thuật trên mặt đất, các máy bay, các nền tảng ISR (Thông tin tình báo, Giám sát và Do thám) và các tàu đổ bộ.
- Tư duy Tiếp cận Chiến thuật Chung hay là Chiến tranh trên Biển và trên Không có liên quan thế nào tới USMC? Đâu sẽ là các dấu hiệu cho thấy tương lai của USMC, đặc biệt là tại châu Á – Thái Bình Dương?
Tướng Amos: Lực lượng Lính thủy đánh bộ có một vai trò quan trọng trong cả Tiếp cận Chiến thuật Chung cũng như Chiến tranh trên Biển và trên Không, do đó chúng tôi rất quan tâm tới cả hai khái niệm trên và có các thảo luận về lĩnh vực này.
Trước nhất, lực lượng lính thủy đánh bộ là lực lượng viễn chinh của đất nước có nhiệm vụ phản ứng với khủng hoảng. Khác biệt với các đơn vị khác trong quân đội, chúng tôi linh hoạt hơn, nhanh nhẹn hơn và tấn công mạnh bạo hơn – là đội quân hoạt động kiểu ‘cú sốc’. Chúng tôi duy trì tình trạng sẵn sàng cao độ do đó, có thể triển khai trên khắp thế giới vào thời điểm cần chú ý. Chúng tôi tạo ra một lực lượng cân bằng cho các chiến dịch hải quân và các lực lượng tấn công trên không và trên mặt đất, sẵn sàng đàn áp hoặc kiềm chế các tình trạng hỗn loạn quốc tế.
Cuối cùng là các lính thủy luôn đảm bảo việc tiếp cận vào bờ. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ rất liều lĩnh nếu như coi nhẹ các tiềm lực có thể phát huy sức mạnh tại thời điểm và địa điểm mình đã chọn. Có những lúc mà nước Mỹ phải mở đường tiến thẳng lên bờ để bảo vệ các công dân của mình và can thiệp vào các tình huống nguy hiểm.
Khả năng đi đến những nơi mà không được mong muốn đã làm nổi bật rõ giá trị đánh chặn của quân đội chúng tôi và mang lại các phương án cho những người đưa ra quyết định chiến lược. Các hoạt động tác chiến đổ bộ hiện đại cho phép tấn công chiến lược mở lối và khai các các hướng dọc đường ven biển được phòng thủ. Chúng tôi cần duy trì lực lượng chung và khả năng tạo ra sức mạnh cho các mô hình có trên 10.000 lính trước các mối đe dọa trên diện rộng. Chúng tôi không thể chỉ dựa vào hỏa lực chính xác. Lịch sử cho thấy rằng cách tiếp cận như vậy thường không giúp đạt được các mục tiêu chiến lược.
Tôi nghĩ rằng chúng tôi có một tương lai khá sáng sủa khi Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang Thái Bình Dương. Đối với lính thủy đánh bộ, Thái Bình Dương là ‘sân nhà’ mang tính lịch sử. Chúng tôi đã ở đây cùng với quân số khá lớn kể từ Thế Chiến II, và tiếp tục duy trì sự hiện diện tại đây. Quan trọng hơn, chúng tôi đã thiết lập nên các quan hệ đối tác mạnh mẽ với các bạn bè và đồng minh khu vực dựa trên niềm tin. Tôi biết là tôi thiển cận, nhưng tôi tin rằng không có lực lượng nào thích hợp với khu vực châu Á – Thái Bình Dương hơn là các lực lượng đổ bộ có tính linh hoạt cao, nhanh nhẹn và tự lực. Do đó, tôi đồng ý để các lực lượng lính thủy đánh bộ tiếp tục duy trì các nhiệm vụ huấn luyện và hợp tác hàng ngày và phản ứng với khủng hoảng khi các sự kiện này xuất hiện trên khắp khu vực.
- Lê Thu (theo Diplomat)