- Có cả những dấu hiệu khác phủ nhận thành quả nhiệm kỳ Tổng thống của Medvedev. Báo giới Nga soi lại thấy có đến 7 giải pháp ghi dấu ấn thành tựu của thời cựu Tổng thống Medvedev thì thời đương kim Tổng thống Putin đã bác bỏ hoặc là hứa xem xét lại. 


Medvedev - bãi bỏ việc chuyển thời gian sang "giờ mùa đông" (tháng 2/2011)
Putin – sẵn sàng trả lại cho các công dân "giờ mùa đông" (tháng 2/2012)

Bỏ việc vặn lại kim đồng hồ từng được biết đến như sáng kiến nổi tiếng ​​của Tổng thống Medvedev. Đã bao năm từ thời Liên Xô, dân Nga đã quen một năm hai cữ chỉnh lại đồng hồ theo “giờ mùa hè” và “giờ mùa đông”. Tháng 2/ 2011, Tổng thống Dmitry Medvedev ủy thác cho Chính phủ ban hành nghị định tương ứng, mà như báo chí Nga nhận xét “từ nay nước Nga vĩnh viễn sống trong thời gian mùa hè”.  "Việc từ bỏ động tác chỉnh đồng hồ hai lần mỗi năm, sẽ tăng số giờ ánh sáng trong năm ở các vùng khác nhau từ 7 đến 17%" – như giải thích ​​trên trang web của điện Kremlin về sáng kiến của Tổng thống Dmitry Medvedev.

Thế nhưng chỉ qua một năm, ngay khi còn là ứng viên Tổng thống và về nguyên tắc là người chấp hành chỉ thị của ông Medvedev, ông Putin đã hứa sẽ trả lại chế độ thời gian mùa đông, nếu mọi người ở Nga thấy như thế tiện lợi hơn. "Đây không phải là thứ linh vật nào đó. Nào, ta hãy quay trở lại, hãy thảo luận xem, nếu chúng ta tin tưởng rằng đại đa số công dân cho là tốt hơn cả cứ để như trước đây, thì chúng ta sẽ làm như vậy”, - Putin tuyên bố.

Ngày 8/12, Ủy ban Y tế của Viện Đuma quốc gia (Hạ viện Quốc hội) gửi thư ngỏ cho Thủ tướng Medvedev, đề nghị trở lại chế độ giờ mùa đông như trước đây. Báo chí Nga đăng hàng lọat ý kiến công dân, phân tích lợi hại của việc chỉnh giờ với kết luận chung là nên khôi phục chế độ thời gian  như cũ.
 
Medvedev - phủ quyết sửa đổi, xiết chặt luật về các cuộc mit-tinh (tháng 11/2010)
Putin - ủng hộ sửa đổi xiết chặt luật về các cuộc mit-tinh (tháng 6/2012)

Ở đây là sửa đổi điều luật, cấm những công dân đã từng bị trừng phạt vì vi phạm quy tắc tiến hành các cuộc  mit-tinh không được một lần nữa đứng ra phát biểu trong các hoạt động đại chúng. Tổng thống Medvedev cho rằng sửa đổi luật như vậy là vi phạm các quyền của công dân, và tuyên bố phủ quyết.

Còn Tổng thống Putin ký duyệt đạo luật đặt ra những hạn chế mới và mức phạt tiền rất lớn đối với những người tổ chức và tham gia biểu tình.  "Khi cho phép biểu tình và tuần hành, xã hội cần  bảo vệ mình vững chắc hơn trước chủ nghĩa cực đoan", - Putin tuyên bố, và cho biết ông không cho rằng lệnh trừng phạt mới là quá khắc nghiệt.
 
Medvedev – ban hành "luật khô" (cấm uống rượu bia) đối với lái xe, loại bỏ mức cho phép 0,3 ppm (tháng 8/2010)
Putin - không phát biểu chống “luật khô” nhưng đảng "Nước Nga thống nhất" sửa sọan trả lại qui định về tỷ lệ cồn cho phép (tháng 3/2012)

Tổng thống Medvedev đích thân kiên quyết bãi bỏ hoàn toàn tỷ lệ cồn với lái xe. "Đất nước chúng ta còn chưa chín muồi đến mức cho phép tài xế sử dụng đồ uống có cồn khi ngồi sau tay lái", - ông giải thích. Lúc đầu ông Dmitry Medvedev nêu sáng kiến tăng cao mức phạt với lái xe vượt đèn đỏ hoặc chạy xe quá nhanh – phạt đến 500 nghìn rúp (16 nghìn dollar) ở Matxcơva và Saint-Peterburg, các tỉnh thành khác 250 nghìn rúp (8 nghìn dollar). Sau đó, trong tương quan ý kiến về độ cồn, nhà luật học Dmitry Medvedev giải thích thêm: “Tôi lưu ý rằng mức phạt 500 nghìn và 250 nghìn dự trù áp dụng như biện pháp trách nhiệm với những lái xe say rượu – hành vi không thể khoan thứ”.

Thế nhưng về chuyện quyết định này có thể bị xét lại, thì dư luận Nga đã nói tới ngay từ hồi mùa xuân, và không chỉ riêng về chuyện độ cồn trong máu lái xe là có mâu thuẫn. Khi ấy, trong đảng "Nước Nga thống nhất" bắt đầu ám chỉ rằng “0 độ cồn” là sai lầm và Viện Duma Quốc gia có thể nhận được dự luật trả lại mức rượu tối thiểu cho phép với những người lái xe. Tháng 8, nghị sĩ Vyacheslav Lysakov đứng đầu cơ chế Mặt trận Nhân dân của Putin, đã tuyên bố rằng các bộ ngành hữu quan (Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ) sẵn sàng thảo luận khả năng trở lại với tỷ lệ cho phép lái xe được có “ppm” cồn và trong trường hợp cần thiết thì sẽ một lần nữa thay đổi luật.

Còn trong công chúng, sáng kiến của ông Medvedev hầu như chẳng có tiếng vang hưởng ứng. Sau khi cáo buộc ông Medvedev “nghĩ ra cách tước của người Nga những đồng tiền mà họ kiếm được nhờ lao động trung thực”, thủ lĩnh đảng “Cương lĩnh công dân” Mikhail Prokhorov nêu đề xuất: “Bởi Thủ tướng Dmitry Medvedev nổi tiếng với những nguyên tắc của ông và luôn làm mọi thứ đến cùng, tôi đề nghị thi hành nguyên tắc là “Bắt đầu từ mình và dừng lại cũng ở mình”.

Nên ủng hộ dự luật của Thủ tướng chỉ trong trường hợp buộc được ông Dmitry Medvedev dùng tiền lương nộp khỏan phạt nửa triệu rúp vì chuyên xa đi đường ngược chiều, vượt đèn đỏ, và chặn lưu thông bắt tất cả dân chúng khổ sở đứng hàng giờ trong đám tắc đường”.  Prokhorov còn nêu chỗ hổng trong sáng kiến luật pháp của nhà luật học Dmitry Medvedev: định mức phạt lớn hơn  tiền lương trung bình và cao hơn giá thành nhiều chiếc xe đắt giá là chuyện phi lý – người ta không thể nào trả nổi, và thế là thêm nguyên cớ dẫn đến bùng nổ tệ nạn tham nhũng ăn hối lộ trong hệ thống công quyền.

Số phận biện pháp cải thiện an tòan giao thông do ông Dmitry Medvedev đề ra như vậy đã rõ. 
 
Medvedev - đơn giản hóa luật về các tổ chức phi chính phủ (2009)
Putin – xiết chặt luật về các tổ chức phi chính phủ (7/2012)
 

Khi ở cương vị nguyên thủ quốc gia, ông Medvedev chủ trương thi hành chính sách tự do trong quan hệ với các tổ chức phi lợi nhuận. Năm 2009, theo sáng kiến ​​của Tổng thống  Medvedev ở Nga đã giản lược rất nhiều thủ tục đăng ký và báo cáo của các tổ chức phi lợi nhuận,  còn sự can thiệp vào hoạt động của họ từ phía cơ quan chính phủ thì bị hạn chế. Trái lại Tổng thống Putin đã hồi sinh chủ đề  "món thịt nướng ở đại sứ quán".

Tháng 7/2012, Viện Đuma Quốc gia Nga thông qua đạo luật về các đại diện nước ngoài của tổ chức phi chính phủ, theo đó các tổ chức phi chính phủ nhận tài trợ nước ngoài và tham dự hoạt động chính trị được đặt trong khuôn khổ chế độ pháp lý đặc biệt: việc kiểm tra các cơ sở phi lợi nhuận phi chính phủ có thể tiến hành thường xuyên hơn và nghiêm khắc hơn.
 
Medvedev – rút đạo luật về vu khống phỉ báng ra khỏi Bộ Luật hình sự (tháng 12/ 2011)
Putin – đưa trở lại luật hình sự về tội vu khống phỉ báng (tháng 7/2012)

 

Điều luật qui tội phỉ báng đã quay trở lại Bộ luật hình sự chỉ sáu tháng sau khi Tổng thống Medvedev rút từ đó để chuyển sang Luật về vi phạm hành chính. Khởi xướng của Tổng thống Medvedev về chuyển đổi được thông qua tại nghị viện Nga tháng 12/2011.

Đến tháng 7/2012 với sự ủng hộ của Tổng thống Putin, điều luật "Về tội vu khống phỉ báng" được trả lại Luật Hình sự, thêm nữa mức phạt về việc truyền bá thông tin sai lệch thì tăng lên đáng kể (vì tội vu khống phỉ báng với thẩm phán, công tố viên, điều tra viên – phạt tới 5 triệu rúp). Giới chuyên viên Nga đánh giá động tác này như là đòn tấn công khác vào cựu Tổng thống, bởi tự do hóa chính sách hình sự cũng là một niềm tự hào của Medvedev.
 
Medvedev - hạ giới hạn độ tuổi quan chức đến 60 (tháng 12/2010)
Putin - đề nghị nâng cao giới hạn độ tuổi quan chức đến 70 (tháng 9/2012)

 

Là vị nguyên thủ quốc gia trẻ nhất trong lịch sử đất nước, ông Medvedev khi làm Tổng thống đã  thiên về trẻ hóa đội ngũ tinh hoa chính trị Nga. Khi đó, đã bổ nhiệm những Thống đốc trẻ tuổi, còn giới hạn tuổi bầu chọn đại biểu lập pháp các thành phố trực thuộc Trung ương được giảm xuống đến 18.

Cũng theo mạch này có quyết định hạ thấp giới hạn tuổi phục vụ của các công chức Nhà nước từ 65 xuống đến 60. Tổng thống Putin thì trái lại, lấy kinh nghiệm làm tiêu chí cơ bản. Vì vậy, ông đã giới thiệu với Viện Đuma quốc gia những sửa đổi quy định pháp luật về phục vụ dân sự, theo đó các quan chức cấp cao (lãnh đạo các Bộ ngành, cố vấn Tổng thống, đứng đầu chính quyền Tổng thống, các đặc phái viên…) "thời hạn phục vụ dân sự có thể được mở rộng theo quyết định của Tổng thống cho đến năm 70 tuổi".
 
Medvedev – qui định ngày bầu cử thống nhất vào tháng Chín (tháng 4/ 2012)
Putin - không bình luận gì nhưng Hội đồng Liên bang bác bỏ (tháng 7/2012)

Hồi tháng Tư 2012, khi Medvedev còn là Tổng thống Nga, ông cho rằng ở Nga nên tiến hành bầu cử thống nhất mỗi năm một lần - cụ thể là, vào Chủ nhật thứ hai của tháng Chín. "Sinh nhật của tôi là ngày 14 tháng Chín, và nếu chúng ta thông qua quyết định như vậy, mỗi lần tôi sẽ bầu cho một ai đó" – Medvedev nói thêm.

Viện Đuma Quốc gia đã thông qua đạo luật tương ứng về việc đó. Thế nhưng đến tháng Bảy 2012, khi Tổng thống Nga là Putin, đạo luật này đã bị Hội đồng Liên bang (Thượng viện Quốc hội) bác. Các thượng nghị sĩ viện dẫn lỗi kỹ thuật của qui trình làm luật (rằng Đuma Quốc gia không hỏi ý kiến ​​các khu vực). Nhưng một số chuyên viên chính trị đưa ra kết luận khái quát: dưới thời Putin người ta bắt đầu gạt những sáng kiến thời Medvedev.
 
(Còn tiếp)

Đan Thi (từ Moscow).