Thượng Nghị sĩ John Kerry luôn kề vai sát cánh với Tổng thống Barack Obama như một người chiến binh can trường.


Thượng Nghị sĩ John Kerry
Ngài Nghị sĩ bang Massachusetts đã bay tới Afghanistan và Pakistan vô số lần để giải quyết các vấn đề ngoại giao, dành nhiều giờ đồng hồ đề uống trà và đàm đạo với Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai hoặc tham gia vào các đàm phán nhạy cảm ở Islamabad.

Đây là một vai trò cao bất thường cho một chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện: là đặc phái viên nhưng với một chức vụ mơ hồ.

Kerry đã thúc đẩy nghị trình an ninh quốc gia của Nhà Trắng tại Thượng viện với kết quả lẫn lộn. Ông thành công trong việc đảm bảo cho hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân vào năm 2010, đồng thời lại thất bại trong việc thuyết phục phe Cộng hòa hậu thuẫn một công ước về quyền của người khuyết tật.

Trong suốt quá trình vận động tranh cử vừa qua, ông Kerry không ngại 'xỏ xiên' đối thủ của Obama là Mitt Romney gần như mọi lúc mọi nơi. Và thực tế thì đây đúng là những động lực rất lớn về ngôn từ khi Tổng thống tham gia tranh cử nhiệm kỳ hai. Hồi tháng Tám vừa qua, Kerry còn nói với các đại biểu tại Hội nghị Quốc gia đảng Dân chủ rằng: "Hãy hỏi Osama bin Laden xem liệu ông ta có khá hơn so với bốn năm trước hay không".

Dường như đó cũng là một lý do khiến ông Obama muốn đề cử ông Kerry trở thành Ngoại trưởng kế nhiệm bà Hillary Clinton, trở thành nhà ngoại giao hàng đầu của nước Mỹ.

Việc lựa chọn Kerry sẽ là sự khép kín cho một vòng tròn chính trị với Obama. Năm 2004, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ John Kerry đã yêu cầu một Thượng Nghị sĩ bang Illinois mà hầu như mọi người không biết là ai để phát biểu một bài diễn văn quan trọng tại Đại hội đảng Dân chủ ở Boston. Và hôm đó, Thượng Nghị sĩ Barack Obama đã tỏa sáng.

Không dưới 15 lần trong bài diễn văn, Obama đã nhắc đến Kerry và ứng viên Phó Tổng thống một cách sôi nổi, nhiệt tình trong một bài phát biểu ngắn gọn nhưng vô cùng ấn tượng. Obama cũng không quên nhắc mọi người về một khía cạnh rất đặc biệt trong một vị cựu binh phản chiến John Kerry những năm tháng Mỹ đem quân đánh Việt Nam.

Nhưng năm đó, Kerry đã thua về tay George W. Bush. Chỉ một nhiệm kỳ sau đó, Obama lại là ứng viên sáng giá cho vị trí ông chủ Nhà Trắng. Obama đã thành công công việc mà Kerry đã thất bại.

Các Thượng Nghị sĩ của cả hai đảng đều cho rằng việc Kerry nhậm chức Ngoại trưởng không còn xa và hầu như là chắc chắn.

"Nếu được bổ nhiệm, ông ấy [Kerry] sẽ đảm nhiệm vị trí đó với một thế giới kiến thức khổng lồ. Ông ấy là người hiểu rõ quá trình lập pháp diễn ra như thế nào và tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ là người mà Quốc hội muốn làm việc cùng theo một cách thức rất tích cực" - Thượng Nghị sĩ Bob Corker của bang Tennessee nói.

Thượng Nghị sĩ Kelly Ayotte, thành viên của Ủy ban Quân dịch Thượng viện nhận định: "Không có gì phải nghi ngờ, ông ấy có hiểu biết rất sâu rộng về các vấn đề này. Chắc chắn là đủ tư cách".

Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain thậm chí còn trêu ông Kerry là "Ngài Ngoại trưởng".

Kerry đã đi lại liên tục để phục vụ chính quyền, ông tới Afghanistan vào tháng Năm vì một thỏa thuận đối tác chiến lược sau cuộc chiến kéo dài hơn một thập kỷ. Ông cũng tới Pakistan vào năm ngoái giữa lúc khủng hoảng ngoại giao khi một điệp viên của CIA là Raymond Davis bị cáo buộc là đã giết hai người Pakistan.

Thượng Nghị sĩ Chris Coons, thành viên của Ủy ban Đối ngoại đã tới Pakistan vào khoảng thời gian đó và nhớ lại tầm ảnh hưởng của Kerry.

"Tôi tới Islamabad khoảng 5 ngày trước khi Ray Davis bị đưa tới nhà giam ở Punjab và vào tời điểm rất có nguy cơ bị kéo ra khỏi nhà giam và hành hình" - ông Coons nói. "Thượng Nghị sĩ Kerry thì sắp tới và đàm phán trên danh nghĩa của chính quyền Mỹ. Và rõ ràng là cả những nhà ngoại giao và quân sự chúng tôi gặp đều coi ông ấy là một người đàn ông thật sự đáng tin cậy và đầy kinh nghiệm, một người có thể nói là đóng góp đầy ý nghĩa cho các đàm phán đó".

Sau vụ này, hành động của Davis được coi là tự vệ. Sau nhiều tuần cãi lộn giữa Mỹ và Pakistan, Davis được thả với một khoản tiền đền bù cho gia đình người thiệt mạng.

Năm nay, Thượng Nghị sĩ John Kerry đã điều khiển nhiều phiên điều trần của ủy ban về các hiệp ước và các vấn đề quan trọng khác, nhưng không có nhiều công việc liên quan tới lập pháp. Ông không dành nhiều sự chú ý cho ủy ban, tránh các phiền phức khó chịu có thể xảy ra cho chính quyền trong năm bầu cử.

Corker nói rằng có thể Kerry muốn ủy ban dành nhiều thời gian cho các sự kiện ở Libya, Syria và các quốc gia khác.

"Tôi nghĩ ông ấy đã cố gắng khiến chúng tôi để tâm nhiều hơn, cùng lúc lại muốn tìm kiếm một sự cân bằng... mang lại cho chính quyền một khoảng trống cần thiết để làm những gì mà ông ấy và chính quyền cảm thấy là tốt nhất. Tôi hiểu điều này" Corker nói về Kerry.

Còn Nghị sĩ Coons nói rằng công việc đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng của Kerry thường là những việc hậu trường.

"Vai trò của chủ tịch... không phải lúc nào cũng là chụp ảnh cùng với tài tử George Clooney, đứng bên cạnh những người đứng đầu các bang, tới các phòng tiếp tân ở Foggy Bottom. Đó là rất rất nhiều thời gian phải lắng nghe những người đang lo âu, cho dù đó là trên danh nghĩa của cộng đồng quốc phòng, cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng ngoại giao; và sau đó lại trở thành người đứng giữa tất cả các cộng đồng đó và cố gắng giữ cho Thượng viện tham gia tích cực trong một thế giới rất nguy hiểm, đầy rẫy các mối đe dọa" - ông Coons chia sẻ.

  • Lê Thu (Theo AP)