-Ngay cả khi Hàn Quốc chưa biết ai sẽ làm Tổng thống nhiệm kỳ tới, ai cũng hiểu một trong những thách thức lớn nhất dành cho họ sẽ là Triều Tiên.


Tổng thống đắc cử của Hàn Quốc Park Geun-hye
Linh hoạt với láng giềng

Một tuần trước khi Seoul bầu cử, Bình Nhưỡng tiến hành phóng tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo trái đất. Dù rằng Triều Tiên nói rằng vụ phóng này chỉ nhằm mục đích khoa học và hòa bình, Seoul và các đồng minh trong khu vực vẫn cho rằng đây là một vụ thử tên lửa đạn đạo.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên liên tục gia tăng suốt cả năm nay, cử tri Hàn Quốc cũng như người quan sát nước ngoài đều tò mò về chính sách của lãnh đạo kế cận.

Mặc dù cùng chính đảng với Tổng thống sắp mãn nhiệm có quan điểm diều hâu Lee Myung-bak, nhưng bà Park Geun-hye lại hứa hẹn có chính sách linh hoạt và và xu hướng hợp tác với Bình Nhưỡng nhiều hơn.

Nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc khẳng định ngay từ đầu rằng bà mong muốn củng cố hòa bình trong khu vực, nhất là với người láng giềng có nhiều điểm khác biệt. Chủ trương của bà Park Geun-hye là 'tin cậy chính trị', tức là không phải kiểu niềm tin vô điều kiện hay chỉ đơn thuần từ một phía.

Như vậy, theo quan điểm của bà Park thì Bình Nhưỡng nên tôn trọng các cam kết giữa họ và Seoul cũng như cộng đồng quốc tế, để thiết lập nên một sự tin cậy ở mức độ tối thiểu, và 'tin cậy chính trị' nên được thực thi một cách nhất quán mà không bị ràng buộc bởi ảnh hưởng chính trị.

Bà Park cho rằng với vấn đề Triều Tiên thì nên có cách tiếp cận linh hoạt và cân bằng, tránh xa tư tưởng hoặc là cứng rắn quá hoặc là chỉ nhượng bộ. Theo bà Park thì cứng quá hay mềm mỏng quá đều không hiệu quả trong việc mang lại thay đổi tích cực ở Triều Tiên.

Tuy nhiên, song song với chính sách này sẽ là một vị thế quốc phòng mạnh mẽ hơn cùng với 'các tiềm lực đánh chặn toàn diện'. Để thực hiện điều này, Seoul chắc chắn không thể thiếu sự trợ giúp của các đồng minh, đặc biệt là Mỹ.

Bởi đối với Tổng thống đắc cử của Hàn Quốc, vấn đề an ninh vẫn là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là khi "vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã cho thấy thực tế an ninh mà Hàn Quốc đối mặt nghiêm trọng như thế nào" - bà Park nói.

Park Geun-hye cũng tìm kiếm kế hoạch từng bước thống nhất hai miền Triều Tiên thông qua xây dựng lòng tin giữa hai miền, ổn định hòa bình và sau đó hun đúc nên một cộng đồng kinh tế thống nhất.

'Cứng rắn' với đối tác?

Seoul có thể có cách tiếp cận linh hoạt với Bình Nhưỡng vì các thực tế hiện tại, thì trong quan hệ với Tokyo lại tiềm ẩn những trở ngại khiến họ có thể sẽ phải có quan điểm 'cứng rắn' và vì những nhức nhối trong quá khứ với Nhật Bản.

Mới đây, khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe chính thức sẽ trở lại lãnh đạo Nội các Nhật vào ngày 26/12, chính quyền Seoul tuyên bố rằng họ sẽ 'không khoan nhượng' với Tokyo trong một số vấn đề gai góc, chủ yếu là liên quan tới chủ quyền đối với quần đảo Dokdo/Takeshima nằm giữa hai nước, và các ân oán trong lịch sử chưa được giải quyết thấu đáo trong thời gian đế quốc Nhật đô hộ bán đảo Triều Tiên năm 1910-1945.

Với một người có chính sách 'diều hâu' như ông Abe, câu hỏi đặt ra là một nữ Tổng thống Hàn Quốc sẽ cần phải cứng rắn tới mức nào để vừa đảm bảo duy trì hợp tác kinh tế, trao đổi văn hóa, vừa bảo toàn quyền kiểm soát quần đảo tâm điểm tranh chấp.

"Tôi sẽ cố gắng làm việc để hòa giải, hợp tác và hòa bình nhiều hơn nữa ở Đông Bắc Á dựa trên nhận thức đúng đắn về lịch sử" - Bà Park nói.

Nhìn nhận lại các khúc mắc cũng như mong muốn của Seoul trong thời gian tới về mặt đối ngoại, có thể thấy ngay là Tổng thống kế tiếp của Hàn Quốc sẽ phải cầu viện Washington tham gia vào rất nhiều phương diện, từ quốc phòng để giữ vững vị thế trong tương quan với láng giềng phương bắc, cho tới vai trò 'chủ xị' trong quan hệ ngoại giao với 'đối tác quý' trong khu vực một khi xung đột nổ ra.

Trong sạch bộ máy

Về đối nội, những khó khăn cho bà Park Geun-hye không chỉ xuất phát yêu cầu thực tế đất nước hiện nay, mà còn hiện hữu trong định kiến ăn sâu ngàn đời của một xã hội trọng nam hơn nữ.

Bà Park hứa hẹn cải tổ chính trị do cựu thẩm phán Ahn Dae-hee soạn thảo nhằm loại bỏ nạn tham nhũng và đặc quyền đặc lợi của giới chức trong chính quyền. Đáng chú ý nhất là bà muốn giới hạn các ưu tiên của các nghị sĩ, bao gồm cả việc miễn trừ bắt giữ. Các hình phạt cho tội hối lộ cũng sẽ tăng lên, với những người kết án sẽ bị phạt tiền ít nhất là gấp 30 lần so với khoản tiền họ nhận phi pháp.

Đối với những vụ án liên quan tới các quan chức cấp cao sẽ có một hệ thống điều tra đặc biệt và một nhóm tư vấn đặc biệt thường trực sẽ thụ lý.

Để chấm dứt hệ thống tổng thống theo kiểu 'đế quốc', bà Park tuyên bố sẽ đảm bảo quyền cho Thủ tướng tiến cử các thành viên Nội các, cũng như quyền của mỗi bộ trưởng trong việc bổ nhiệm những ngường đứng đầu trong tổ chức.

Kinh tế sáng tạo và dân chủ

Còn trong các chính sách kinh tế, Park Geun-hye đặt ưu tiên hàng đầu là dân chủ hóa kinh tế, với mục tiêu tạo ra một 'sân chơi' cho toàn bộ các thành viên kinh tế.

Bà Park nói rằng trái ngược với tăng trưởng ngoạn mục trong nhiều năm qua  nền kinh tế Hàn Quốc lại có rất ít tiến triển trong việc thúc đẩy bình đẳng hoặc hoạt động thương mại công bằng. Đặc biệt, các công ty lớn trở nên lộng hành hơn khi làm trái luật, hầu hết là trong các vụ thu mua công ty nhỏ hơn.

Cùng với việc dân chủ hóa nền kinh tế, bà Park hứa hẹn thúc đẩy tạo dựng một 'nền kinh tế sáng tạo' được tiếp lực từ một hệ thống sinh thái liên quan tới công nghệ, cách tân, tài chính và marketing.

"Học thuyết kinh tế sáng tạo cần tới việc quản lý kinh tế dựa trên sự tưởng tượng, sáng tạo và công nghệ khoa học để sản xuất ra một động lực tăng trưởng và tạo ra các thị trường và việc làm" - bà Park giải thích.

Là con gái lớn của Park Chung-hee - người tạo ra một Hàn Quốc 'thần kỳ' sau những thập kỷ nghèo đói, Park Geun-hye đã thấm nhuần các bài học từ chính trị cho tới điều hành kinh tế từ cha mình.

Kế hoạch kinh tế của bà là hối thúc sự chuyển đổi động cơ tăng trưởng kinh tế chính của Hàn Quốc sang các nền công nghiệp dựa trên nền tảng tri thức.

Bà Park tuyên bố rằng nền kinh tế Hàn Quốc cần một mô hình tăng trưởng khác, và nó phải tập trung vào việc tạo ra công ăn việc làm. Bà chỉ ra rằng hệ thống hiện tại nhằm vào tăng trưởng về số lượng không thể cùng lúc cải thiện tình trạng việc làm và chất lượng cuộc sống.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc hiện tại giảm xuống còn 2% so với mức 5,5% duy trì trong nhiều thập kỷ, bà Park vẫn ưu tiên tăng tỉ lệ việc làm hơn là tỉ lệ tăng trưởng.

Một mặt, chiến thắng của Park Geun-hye là chiến thắng của những người bảo thủ, nhưng mặt khác lại là thắng lợi của nữ quyền tại một quốc gia mà nam giới thống lĩnh về chính trị.

Điều đó cũng có nghĩa là phụ nữ Hàn Quốc sẽ có tiếng nói hơn nữa, có thêm quyền lợi hơn nữa vì ưu tiên hàng đầu trong nghị trình của bà Park là vấn đề phụ nữ và chăm sóc trẻ em. Tuy không lập gia đình, không có con, nhưng bà Park hứa hẹn tăng cơ hội học hành, làm việc và điều quan trọng nhất là giải phóng phụ nữ khỏi gánh nặng gia đình, như là chăm sóc con cái.

Trong tương lai có thể không quá xa, các vị trí lãnh đạo then chốt trong chính phủ Hàn Quốc sẽ có thêm các gương mặt nữ. Bên cạnh đó, có khoảng 100.000 lãnh đạo nữ trong cả lĩnh vực công và tư cũng sẽ được gây dựng ngay từ bây giờ.

Park Geun-hye đã có một chiến thắng lịch sử, nhưng với quá nhiều tham vọng và quá nhiều trở ngại, liệu bà có thể ghi tên mình vào lịch sử khi tạo nên một 'phép màu' khác cho Hàn Quốc?

  • Lê Thu