- Tổng thống Nga khó có thể không hài lòng khi mà ngay trong chuyến công du đầu tiên tới châu Á kể từ khi trở lại điện Kremlin vào tháng Năm vừa qua, ông đã mang về cho nước Nga một hợp đồng buôn bán vũ khí khổng lồ với Ấn Độ, trị giá 2,9 tỉ USD.

Tổng thống Nga và Thủ tướng Ấn Độ
Đôi bên có lợi

Ông Putin nói thêm rằng 'củng cố thêm tình hữu nghị và hợp tác với Ấn Độ' là một trong số 'các ưu tiên hàng đầu' của Nga trong chính sách đối ngoại. "Việc kinh doanh của chúng tôi đã vượt qua được các hậu quả của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và trong năm 2012 chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt con số kỷ lục là trên 10 tỉ USD. Mục tiêu kế tiếp của chúng tôi là đạt 20 tỉ USD vào năm 2015" - Tổng thống Nga nói.

Với hợp đồng này, cả Moscow và New Delhi đều có lợi vì nhiều lẽ, nhưng các nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Nga sẽ cảm thấy 'thở phào' hơn cả khi mà họ vẫn có thể tiếp tục làm ăn lâu dài với đối tác lớn, đầy tiềm năng dù cho mới đây đã có những 'trục trặc kỹ thuật' xảy ra.

Trước đó, Ấn Độ đã yêu cầu Nga thay thế một số bộ phận trên chiếc tàu ngầm trang bị hạt nhân tấn công lớp Akula II mà Nga sản xuất cho họ là Nerpa sau khi tàu bị rò rỉ khí gas, khiến 20 thủy thủ thiệt mạng năm 2008. Ấn Độ cũng không hài lòng với tiến độ bàn giao một số loại vũ khí khác của Nga, như hàng không mẫu hạm Đô đốc Gorskhov và các máy bay trực thăng khác.

Gần đây, Ấn Độ bắt đầu đa dạng hóa các nhà cung cấp vũ khí. Các hợp đồng quân sự đáng ra phải đến với Moscow lại rơi vào tay Paris và một số khác lại đến Washington. Mặc dù Moscow vẫn là một thế lực thống trị thị trường quốc phòng Ấn Độ, thì hiện nay vị thế này không còn là độc tôn.

Nga - Ấn có một lịch sử chung khi từng cạnh tranh với nhau tại khu vực Nam Á và chuyển sang hợp tác hậu Chiến tranh Lạnh (giữa Ấn Độ và Liên Xô). Moscow và New Delhi đã phát triển quan hệ gần gũi hơn sau khi Mỹ cung cấp vũ khí cho Pakistan vào những năm 1950. Hai nước lại thắt chặt hơn tình hữu nghị sau cuộc chiến Trung - Ấn vào năm 1962.

Quan hệ chiến lược tồn tại trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh trở nên kém quan trọng hơn khi mà mỗi quốc gia đều tập trung vào các lo ngại trong khu vực của mình. Nhưng các diễn biến tại Trung Quốc và Afghanistan cũng như Pakistan đã đặt ra trọng tâm mới trong quan hệ giữa hai cường quốc.

Một mũi tên, trúng nhiều đích

Điểm then chốt trong quan hệ quân sự Nga - Ấn trong tương lai là cùng nhau phát triển nhiều loại vũ khí tối tân, chứ không chỉ dừng lại ở các vụ mua bán vũ khí thông thường.

Nga đang đóng hàng không mẫu hạm cho Ấn Độ
Minh chứng rõ nhất là Moscow và New Delhi đã nghiên cứu và cho ra mắt loại tên lửa đạn đạo siêu thanh BrahMos và tổ hợp máy bay chiến đấu đa năng tối tân. Các loại vũ khí này có tiềm lực được cho là sánh ngang với các loại vũ khí tương đương của Mỹ và các đồng minh đang cùng sản xuất.

Nếu như Nga có thể mang lại cho Ấn Độ nhiều hơn là các hợp đồng mua bán, New Delhi vẫn là đối tác then chốt trong lĩnh vực công nghiệp quân sự -- đây cũng là điều mà Moscow cần. Mặt khác, Ấn Độ lại cần đối tác để giúp hiện đại hóa quân sự của họ khi quốc gia này cần bắt kịp với nhịp độ tăng cường quân sự của các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc.

Trong khi Bắc Kinh còn đang bận rộn với các cuộc tranh chấp biển đảo ở các biển phía Đông và chiến lược đặt châu Á làm trọng tâm của Washington, New Delhi đã sản xuất ra các loại tên lửa gần như có thể đánh trúng mọi mục tiêu phía bắc trên đất Trung Quốc.

Trong khi đó, Moscow và New Delhi đều lo ngại về tình hình an ninh tại Afghanistan khi mà quân đội Mỹ rút hoàn toàn khỏi quốc gia này. Nga lo rằng các phiến quân sẽ từ Afghanistan tràn vào Trung Á – nơi mà Moscow vẫn cho rằng trong tầm ảnh hưởng của mình. Còn New Delhi lại sợ Afghanistan sẽ trở thành trung tâm trung chuyển quân sự có thể tác động trực tiếp tới Ấn Độ, và điều quan trọng hơn nữa là tầm ảnh hưởng của Pakistan tại Afghanistan cũng sẽ lớn hơn.

Mặt khác, Ấn Độ còn có một nỗi lo khác là Nga sẽ thắt chặt quan hệ với Pakistan trong vấn đề đối phó với Afghanistan. Tất nhiên, điều này không hề có lợi cho New Delhi nên không có gì ngạc nhiên khi Ấn Độ không tiếc tiền hợp tác quân sự với Nga. Với dự án chung tên lửa đạn đạo siêu thanh BrahMos, Không quân Ấn Độ sẽ được nối dài tiềm lực tấn công từ xa và có phương tiện để khởi động các cuộc tấn công trên không vượt qua cả hệ thống phòng thủ trên không của Pakistan.

Trong suốt thập kỷ qua, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc để trở thành nhà tiêu thụ lớn nhất các loại vũ khí xuất khẩu của Nga. Đây là hệ quả từ việc Ấn Độ hiện đại hóa quân sự và Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào nền công nghiệp quốc phòng trong nước. Đối với Moscow, quan hệ quân sự với Ấn Độ có ý nghĩa rất quan trọng vì nhu cầu mua vũ khí của Nga trên toàn cầu đang giảm sút.

Moscow đang tìm cách khơi thông đầu ra cho số vũ khí mình sản xuất khi mà các hợp đồng với Libya bị thiệt hại, cùng với đó là Syria đang có nguy cơ sụp đổ. Trong khi đó, Mỹ đang không ngừng cho ra lò các loại siêu vũ khí mới tinh vi, hiện đại hơn và nguồn cầu của Washington ổn định và tiềm năng hơn so với Moscow.

Nga cần có một đối tác đủ lớn và tiềm năng để phát triển công nghiệp quốc phòng trong nước, đồng thời cũng không thể để lỗi nhịp quá xa so với bước tiến của Mỹ trong lĩnh vực quân sự. Để làm được điều đó, Nga cần có những đối tác vững chắc như Ấn Độ, và các cú huých mạnh mẽ như các bản hợp đồng nặng ký vừa đạt được với New Delhi.

  • Lê Thu