Chính quyền Mỹ đã chính thức đề xuất một hợp đồng mua bán các loại máy bay do thám tối tân gây tranh cãi với Hàn Quốc.

Máy bay do thám không người lái Global Hawk của Mỹ
Nếu hợp đồng này suôn sẻ, Hàn Quốc có thể củng cố tiềm lực quốc phòng trước bất kỳ cuộc tấn công tiềm năng nào từ phía Triều Tiên.

Seoul đang xem xét mua 4 máy bay không người lái RQ-4 “Global Hawk” của hãng Northrop Grumman Corp với tổng trị giá 1,2 tỉ USD. Hàn Quốc cần tới những hệ thống như vậy để nhận trách nhiệm thu thập thông tin tình báo từ Chỉ huy lực lượng kết hợp do Mỹ dẫn đầu từ năm 2015.

“Thương vụ đề xuất RQ-4 này sẽ duy trì tiềm lực thu thập thông tin tình báo, do thám và giám sát và sẽ đảm bảo rằng liên minh có khả năng duy giám sát và phát hiện các mối đe dọa trong khu vực kể từ năm 2015 trở đi” – trích tuyên bố của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Lầu Năm Góc.

Washington cũng đồng ý với Seoul sẽ chuyển giao bộ chỉ huy lực lượng Hàn Quốc vào cuối thập kỷ này.

Seoul tỏ ra quan tâm tới các loại máy bay do thám hoạt động bền bỉ, trên tầng cao như Global Hawk ít nhất trong bốn năm qua. Hệ thống này cũng tương tự như máy bay do thám U-2 của hãng Lockheed Martin, có thể theo dõi trên diện rộng đối với các mục tiêu di động hoặc cố định, ban ngày hoặc ban đêm và bất kể điều kiện trời nhiều mây.

Vào tháng 10/2008, người sau đó làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là Robert Gates đã nói với các phóng viên rằng Mỹ ‘rất đồng cảm’ với việc Hàn Quốc quan tâm tới các máy bay Global Hawk. Nhưng ông cũng nói rằng vấn đề này cần phải khắc phục vì hiệp ước Chế độ Kiểm soát Công nghệ Tên lửa (MTRC).

Hiệp ước này được thành lập năm 1987 trong đó quy định việc giảm tốc độ phổ biến các tên lửa đạn đạo và các hệ thống chuyên chở không người lái có thể sử dụng trong các cuộc tấn công hạt nhân, sinh học và hóa học.

Các thành viên của Hiệp ước này – bao gồm cả Mỹ - đều đồng ý kiềm chế việc xuất khẩu các hệ thống có khả năng vận chuyển vật có khối lượng 500kg trong khoảng 300km. Theo các hướng dẫn của MTCR, Global Hawk có khả năng đi ngược lại các điều kiện để được xuất khẩu.

  • Lê Thu (Theo Asia One/CNA)