Theo các tài liệu mới được đưa ra ánh sáng, Mỹ và New Zealand đã tiến hành rất nhiều vụ thử nghiệm bí mật những năm 1940 về một "quả bom sóng thần" được thiết kế để san phẳng các thành phố ven biển.

Ảnh: Alamy

Hàng nghìn cuộc thử nghiệm dưới nước đã được thực hiện ở vùng biển quanh New Caledonia, tây nam Thái Bình Dương, và Auckland, New Zealand, trong thời kỳ Thế chiến II. Một loạt gồm 10 vụ nổ ngoài khơi có khả năng gây ra một con sóng thần cao tới 10m đủ sức nhấn chìm một thành phố nhỏ.

Hoạt động tối mật này - có mật danh "Project Seal" (Dự án Hải Cẩu) - đã cho nổ một thiết bị có khả năng tương đương một quả bom hạt nhân. Khoảng 3.700 quả bom đã được kích nổ trong các cuộc thử nghiệm, lúc đầu ở New Caledonia và sau đó là tại Bán đảo Whangaparaoa Peninsula, gần Auckland.

Các kế hoạch nói trên đã bị khơi ra ánh sáng trong cuộc nghiên cứu của một tác giả và nhà làm phim người New Zealand, Ray Waru. Ông đã nghiên cứu các hồ sơ quân sự bị chôn vùi trong văn khố quốc gia New Zealand.

Tác giả Waru nhận xét. "Thật bất ngờ. Lúc đầu ai đó đã nảy sinh ý tưởng phát triển một vũ khí hủy diệt hàng loạt dựa trên một trận sóng thần... và New Zealand dường như đã phát triển thành công vũ khí này tới mức độ mà nó có thể hoạt động".

Dự án được khởi động vào tháng 6/1944 sau khi một sĩ quan hải quân Mỹ, E A Gibson, lưu ý rằng các hoạt động gây nổ để dọn dẹp các dải san hô ngầm quanh các hòn đảo Thái Bình Dương đôi khi tạo ra một con sóng lớn, đặt ra khả năng tạo một quả "bom sóng thần".

Tác giả Ray Waru phát hiện ra chi tiết của Dự án Chó Biển khi đang rà soát các hồ sơ tại thư viện quốc gia New Zealand. (Ảnh: Getty)

Theo ông Waru, thử nghiệm ban đầu là tích cực song dự án rốt cục đã bị xếp xó vào đầu năm 1945 mặc dù các nhà chức trách New Zealand tiếp tục đưa ra các báo cáo về thử nghiệm cho tới những năm 1950. Các chuyên gia kết luận rằng, các vụ nổ đơn lẻ không đủ mạnh và một quả bom sóng thần thành công sẽ cần đến khoảng 2 triệu kg chất nổ dàn thành hàng cách bờ biển chừng 8km.

"Nếu bạn đặt nó vào một tập phim James Bond, nó sẽ được xem là tưởng tượng nhưng điều này là có thật", ông nói. "Tôi chỉ tình cờ phát hiện được, bởi vì họ vẫn đang hiệu đính báo cáo, vì vậy nó vẫn nằm trên bàn của một ai đó (trong thư viện).

Bốn mươi năm sau cuộc thử nghiệm chung, New Zealand đang phải đối mặt với một sự sụp đổ trong các mối quan hệ an ninh với Mỹ, sau khi nước này cấm các tàu trang bị hạt nhân không tiến vào lãnh địa của mình trong những năm 1980. Mối bất hòa khiến Mỹ giáng cấp quan hệ với New Zealand từ một "đồng minh" xuống một "nước bạn".

Trong cuốn sách mới mang tên "Bí mật và Kho báu" (Secrets and Treasures), ông Varu tiết lộ một số phát hiện bất thường khác từ thư viện quốc gia New Zealand, trong đó có các hồ sơ của Bộ Quốc phòng về hàng nghìn trường hợp dân thường, quân nhân và các phi công thương mại nhìn thấy UFO. Một số hồ sơ tường thuật về các luồng sáng di động trên bầu trời bao gồm cả các hình vẽ đĩa bay, những mô tả về người ngoài hành tinh mang mặt nạ "pharaoh" và những văn bản được cho là mẫu chữ viết của người ngoài trái đất.

Thanh Hảo (Theo Telegraph, ABC)