- Một phóng viên Mỹ bị bắt cóc ở Syria hơn một tháng trước đến nay vẫn không có tin tức; Tổng thống Mỹ ký dự luật chi tiêu quốc phòng 663 tỷ USD ... là những tin đáng chú ý trong ngày.

Nổi bật

Kênh truyền hình CNN hôm 3/1 cho biết, phóng viên tự do người Mỹ James Foley có cộng tác với hãng tin AFP đã bị bắt cóc ở Syria hơn một tháng qua và cho tới nay vẫn chưa có tin tức gì.

Foley, 39 tuổi, được đánh giá là phóng viên chiến trường giàu kinh nghiệm từng đưa tin về các vụ xung đột khác. Tin cho biết, anh đã bị các lực lượng vũ trang ở Idlib bắt giữ hôm 22/11/2012.

James Foley tác nghiệp ở Aleppo, Syria hồi tháng 11/2012. (Ảnh: Freejamesfoley.org)

Một số nhân chứng cho hay, Foley đã bị bốn người ở thị trấn Taftanaz thuộc tỉnh phía bắc Idlib của Syria, đưa đi. Những người này sau đó đã thả người lái xe và người phiên dịch của Foley ra.

Hãng thông tấn AFP, nơi phóng viên James Foley cộng tác kể từ tháng 3 năm ngoái, đã ra một thông báo nói rằng anh bị bắt cóc ở thị trấn Taftanaz và hiện chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm.

Mặc dù vụ việc diễn ra từ ngày 22/11/2012 nhưng cho tới tận hai ngày trước, gia đình của Foley mới quyết định lên tiếng với hy vọng sự chú ý của truyền thông sẽ làm tăng cơ hội anh được thả.

Anh trai của Foley cho biết, lúc bị bắt cóc, phóng viên Mỹ đang viết những bài tường thuật về tình hình diễn ra tại Syria, trong đó có một bài nóivề “tình trạng bị tàn phá ở thành phố cổ Aleppo”.

Liên quan tới vụ việc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói, Washington có biết về vụ bắt cóc, nhưng bà không thể chia sẻ thông tin gì về những nỗ lực giải thoát Foley của Mỹ.

Theo kênh truyền hình CNN, đây không phải là lần đầu nhà báo này bị bắt cóc. Trong cuộc xung đột ở Libya hồi năm 2011, phóng viên Foley cũng từng bị bắt, và bị giam giữ trong suốt 6 tuần.

Viện nghiên cứu báo chí quốc tế cho biết, Syria hiện là nước nguy hiểm bậc nhất đối với nhà báo quốc tế. Kể từ khi xung đột bùng phát ở quốc gia này, 36 nhà báo quốc tế đã thiệt mạng ở đây.

Còn trong một thông báo khác ngày 2/1 của Liên hợp quốc, đến nay đã có hơn 60.000 người thiệt mạng trong cuộc xung đột đẫm máu tại Syria, và cuộc chiến vẫn chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc.

“Số người thiệt mạng và bị thương tại Syria cao hơn nhiều so với những dự đoán trước đó. Đây thực sự là một con số gây sốc”, bà Navi Pillay, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền, nhận xét.

Tin vắn

- Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton xuất viện tối 2/1 và dự kiến sẽ hồi phục hoàn toàn. Một cố vấn cho hay, bà Clinton mong sớm trở lại nhiệm sở.

- Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa ký một dự luật chi tiêu quốc phòng có giá trị lên tới 663 tỷ USD, Nhà Trắng hôm 3/1 cho hay.

- Bộ Quốc phòng Nga ngày 3/1 cho biết dự kiến đến năm 2016, hải quân nước này sẽ tiếp nhận tổng cộng 54 tàu chiến mới.

- Chính phủ Thái Lan đã quyết định thành lập một nhóm phát ngôn viên, nhằm xử lý vấn đề biên giới tranh chấp giữa nước này và Campuchia.

- Rạng sáng ngày 3/1, máy bay không người lái của Mỹ đã tiến hành không kích vào khu vực bộ lạc ở tây bắc Pakistan, làm ít nhất 9 người chết.

- Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Iran cho rằng, cuộc đàm phán với sáu cường quốc về chương trình hạt nhân của nước này sẽ sớm được nối lại.

- Hôm 2/1, Hàn Quốc đưa xe tăng K-55 A1 tới thành phố Paju, gần biên giới với Triều Tiên để tập trận bắn đạn thật khi vừa sang năm mới 2013.

- Đông Nam Á đang trở thành địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt của các nhà thầu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

- Một người đàn ông đã điên cuồng xả súng tại một ngôi làng ở Thụy Sĩ vào tối hôm 2/1, khiến cho 3 người thiệt mạng và hai người khác bị thương.

- Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi Hạ viện thông qua dự luật cứu trợ hơn 60 tỷ USD cho những người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão Sandy.

- Tổng cộng 22 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong các vụ đụng độ vũ trang giữa Sudan và Nam Sudan ở bang Đông Darfur.

Tin ảnh


Cuộc sống thường nhật tại khu ổ chuột ở Herat, Afghanistan. (Ảnh: THX)

Phát ngôn

Trong bài phát biểu đầu năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un nói ông muốn giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. “Một vấn đề quan trọng là chấm dứt chia cắt đất nước và đạt tới sự thống nhất để chấm dứt đối đầu giữa miền bắc và miền nam”, ông Kim nói.

Hôm 2/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết, Washington quan tâm tới diễn văn năm mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un. Song, theo bà, "chúng tôi đánh giá Triều Tiên không chỉ qua lời nói, mà còn phải bằng cả hành động của quốc gia này".

Kỷ niệm

Utah là một tiểu bang miền tây của Mỹ. Đây là bang thứ 45 gia nhập vào Hợp chủng quốc Hoa Kỳ vào ngày 4/1/1896.

Thanh Vân (Tổng hợp)